Thứ năm, 12/7/2018, 23h08

Điểm 10 và sự im lặng

Điểm số là yếu tố mà bất kỳ học sinh và phụ huynh nào cũng quan tâm. Và, rất nhiều phụ huynh đã thể hiện thái độ với kết quả học tập của con một cách thiếu khoa học. Khi con bị điểm kém có phụ huynh nào tự hỏi và tự đi tìm câu trả lời vì sao con mình bị điểm thấp không? Đã bao nhiêu lần cha mẹ ngồi lắng nghe con trình bày lý do điểm chưa cao?... Tôi thường được nghe phụ huynh phàn nàn rằng con mình không phải kém thông minh, học yếu..., nhưng ham chơi, không tập trung. Nếu chú ý  học cũng không tệ! Đây là lý do mà phụ huynh thường bắt ép con mình học thêm để tăng tính tập trung hay gọi là ép vào khuôn khổ để cải thiện tính ham chơi của con.

Chúng ta thường mắc phải sai lầm là khi con điểm thấp hay chưa cao thì nạt nộ, chì chiết...; còn khi con điểm cao thì tung hô quá mức. Thay vì động viên và khuyến khích tạo cảm xúc tích cực thì lại so sánh con mình với con gia đình khác; chưa lắng nghe, gần gũi để con nói lên suy nghĩ về quá trình học tập, về kết quả đánh giá trên lớp, về mối quan hệ với bạn học...

Có một lời khuyên mà Khangser Rinpoche, tác giả cuốn sách Sống an vui chia sẻ mà tôi nghĩ phụ huynh có thể áp dụng: “Phụ huynh chỉ nên động viên con mình cố gắng đạt điểm tốt nhất trong khả năng của các em, đừng yêu cầu các em phải đạt điểm cao nhất so với các bạn khác. Nếu con bạn đạt điểm 6 thì hãy bảo các em cố gắng đạt điểm 8. Khi con bạn đạt điểm 8 hãy động viên để chúng đạt điểm 9. Đừng khuyên con mình phải vượt qua đứa trẻ này hay đứa trẻ khác, nếu làm như vậy thì bạn bè sẽ trở thành mục tiêu ganh đua của con bạn, và những vấn đề rắc rối sẽ nảy sinh. Việc bạn cần làm là khuyến khích các em đạt điểm cao hơn. Khi con mình đạt điểm 9 thì động viên chúng đạt điểm 10. Khi con đạt điểm 10 thì bạn phải giữ im lặng. Sự im lặng này gọi là sự im lặng cao quý”. Tại sao gọi là im lặng cao quý? Vì có thể con bạn sẽ kiêu ngạo nghĩ rằng không còn ai giỏi hơn mình, điều đó thật sự rất nguy hiểm cho con trẻ khi nhận thức về vị trí cao thấp chưa đầy đủ. Hãy im lặng để con chiêm nghiệm về quá trình học để có kết quả đó chứ không phải điểm 10 để ngừng phấn đấu.

Phụ huynh cũng hãy đừng nhìn vào khẩu hiệu của các trường học hiện nay là đòi hỏi “học sinh phát triển toàn diện”, điều này theo tôi nghĩ là rất không thực tế ở học sinh phổ thông. Đây là mong muốn, là ý chí chủ quan và quan điểm của các nhà làm giáo dục hiện nay. Nhưng có một thực tế hết thảy đều nhìn thấy và biết rõ là không một ai biết và học giỏi toàn diện, họa chăng rất hiếm! Bậc làm cha làm mẹ thì phải nhìn thấy khả năng và giúp đỡ con phát triển và học tập theo khả năng của con, định hướng phù hợp với năng lực và thế mạnh của con. Nếu nhận thức rõ được về con như vậy, ắt chuyện điểm số không cần bàn cãi, không còn so sánh điểm số cao thấp trong học tập như hiện nay. Sự phát triển về nhân cách và niềm vui, cảm xúc tích cực trong cuộc sống hàng ngày của con trẻ quan trọng hơn điểm số rất nhiều. Mong phụ huynh lắng nghe con nhiều hơn.

Nguyễn Minh Thanh