Thứ ba, 17/7/2018, 21h36

Điểm sàn xét tuyển ĐH thấp, ai hưởng lợi?

Những ngày này các trường ĐH bắt đầu công bố điểm sàn xét tuyển. Mặc dù đã được dự báo là điểm sàn năm nay sẽ thấp hơn mọi năm do điểm thi THPT quốc gia thấp; đặc biệt đây cũng là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT chính thức bỏ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) nhưng thực tế thì quá thấp... Nhiều trường chỉ lấy có 12-13 điểm/3 môn. Thậm chí, không ít trường ĐH danh giá, có thương hiệu cũng đưa ra mức điểm sàn khá thấp. Chẳng hạn như ĐH Quốc gia Hà Nội, có nhiều ngành chỉ lấy từ 15 điểm; hay như ĐH Cần Thơ có tới 18 ngành có điểm sàn từ 14 điểm... Điều đáng nói là, mức điểm sàn này đã bao gồm cả điểm ưu tiên. Điều này cũng có nghĩa điểm sàn thực tế thấp hơn.

Nhiều trường ĐH ngụy biện rằng, đầu vào không quan trọng, quan trọng là đầu ra. Nhưng thử hỏi với những thí sinh chỉ được 3 đến 4 điểm/môn đã có thể ung dung bước vào giảng đường ĐH thì các em sẽ học được gì ở trường ĐH. Ừ thì cách học và dạy ở trường ĐH khác trường phổ thông nhưng nếu không có căn bản sẽ không cách nào có thể học được.

Gần 2 thập kỷ trước, không có bất kỳ trường THPT nào, dù là trường chuyên có tỷ lệ HS trúng tuyển ĐH lên đến 70-80% nhưng nay thì có rất nhiều trường công bố tỷ lệ này lên tới 90-95%, thậm chí có trường lên tới 98-99%. Có thể nói, đậu ĐH chưa bao giờ dễ như bây giờ, còn dễ hơn cả rớt ĐH.

Điều này là đáng mừng hay lo?

Nếu chỉ nhìn vào bằng cấp, cứ ra ngõ là gặp cử nhân thì điều này rất đáng mừng. Nhưng thực tế thì sao?

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, chất lượng đào tạo chưa cao, đặc biệt là đào tạo sau ĐH, liên kết, liên thông… nên còn khoảng 200.000 lao động trình độ ĐH trong độ tuổi lao động chưa có việc làm.

Trên thực tế, số cử nhân thất nghiệp chắc chắn không dừng lại ở con số 200.000 như báo cáo của Bộ GD-ĐT. Bởi nhiều trường ĐH vẫn thường thông tin là tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngay đạt 80-90% nhưng cũng chỉ là báo cáo cho vui, hoàn toàn không có ai kiểm chứng.

Đó là chưa kể trong số những cử nhân trình độ ĐH có việc làm, rất nhiều người làm trái ngành nghề đã được đào tạo. Chẳng hạn, cử nhân sư phạm làm công nhân may, cử nhân ngôn ngữ làm bảo mẫu ở trường mầm non...

Hàng chục năm trở lại đây, trường ĐH mọc lên như nấm sau mưa. Tỉnh tỉnh, thành thành đua nhau mở trường ĐH; bộ bộ, ngành ngành rủ nhau thành lập trường ĐH. Bên cạnh đó là hàng loạt các trường ĐH ngoài công lập, rồi các trường CĐ, trung cấp... Để có người học, các trường phải giành nhau thí sinh. Cách giành “có học” nhất, chính là đưa ra mức điểm đầu vào thấp lè tè. Càng “vét” được nhiều thí sinh thì các trường ĐH thu càng được nhiều học phí. Còn chuyện người học có học nổi hay không, ra trường có xin được việc làm hay không, thậm chí xin được việc nhưng có làm được việc hay không... đó là chuyện của người học, chuyện của xã hội, các trường ĐH vô can. Bởi vậy mới có tình trạng, các doanh nghiệp sau khi tuyển được cử nhân ĐH (trong đó có những cử nhân tốt nghiệp loại giỏi) phải đào tạo lại.

Thêm vào đó, rất nhiều giáo viên sử dụng những hình phạt phản giáo dục đối với HS, không ít y bác sĩ tiêm nhầm thuốc khiến bệnh nhân tử vong, nhiều công trình xây dựng bị sập gây hậu quả nghiêm trọng... đều là “sản phẩm” của tư duy vét cho đủ thí sinh ở các trường ĐH.

Việc Bộ GD-ĐT bỏ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là để các trường ĐH được tự chủ hơn trong công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, trong khi chất lượng của các trường ĐH còn chưa đồng đều; nhất là những trường mới thành lập, trường ngoài công lập, trường vùng, trường địa phương thì Bộ GD-ĐT cần có lộ trình bỏ ngưỡng điểm sàn. Thời gian đầu chỉ nên thí điểm đối với những trường ĐH, với những ngành đào tạo của từng trường ĐH lâu nay có điểm sàn từ 20 điểm trở lên. Riêng với những ngành mà xã hội đang có nhu cầu thì thấp hơn 2 điểm (18 điểm/3 môn). Bởi mục đích ra đời và tồn tại của các trường ĐH là đào tạo nhân lực có chất lượng cho xã hội. Muốn vậy thì đầu vào không thể buông lỏng được, đương nhiên đầu ra càng phải siết chặt hơn...

Kim Anh