Thứ năm, 12/7/2018, 23h08

Điểm thi môn sử thấp: Kết quả tất yếu

Kết quả thi THPT quốc gia 2018 chính thức được Bộ GD-ĐT công bố ngày 11-7. Theo đó, môn sử là một trong những môn có tỷ lệ thí sinh đạt diểm dưới trung bình thấp nhất trên cả nước. Tại TP.HCM, tỷ lệ này lên tới 80,9%, không có thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối ngoài một bài thi cao nhất đạt 9,75 điểm.

Thí sinh xem lại tài liệu sau buổi thi môn sử trong kỳ thi THPT quốc gia hồi tháng 6-2018. Ảnh: Y.Hoa

Nhiều giáo viên bộ môn cho biết, trước cơ chế kỳ thi “2 trong 1”, cách chọn bài thi tổ hợp dẫn đến cách học của học sinh cùng với cách ra đề quá “nặng kiến thức” thì họ không thật sự quá ngạc nhiên với kết quả này.

+ Cô Nguyễn Thị Ngọc Lan (Tổ trưởng Tổ sử, Trường THPT Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM):  Kiến thức quá nặng, đáp án “đánh đố” thí sinh

Ngay khi đọc đề thi, bản thân tôi là giáo viên bộ môn còn thấy đề “quá nặng nề về kiến thức”, thậm chí còn ra cả phần giảm tải trong SGK là phần “Lịch sử thế giới”. Những câu hỏi nằm trong SGK nhưng lại có cách hỏi quá xa, thậm chí có nhiều câu mà đáp án dưới dạng “chơi chữ” khiến các em lúng túng. Đặc biệt, đề yêu cầu các em không phải chỉ nhớ mà còn phải hiểu. Trong khi lượng kiến thức các em phải học, phải ôn quá khủng, quá nặng. Chỉ có học sinh giỏi mới có thể đủ sức “thu nạp” được kiến thức. Còn với học sinh yếu, trung bình, nắm được kiến thức cơ bản là đã khó chứ chưa nói gì đến hiểu sâu, đào rộng.

Trong khi để vượt qua kỳ thi, các em phải ôn rất nhiều môn, mà chỉ có hai tháng ôn tập. Chính sự quá tải trong việc học, việc ôn tập cùng với kiến thức cồng kềnh, nặng nề là một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả như trên.

+ Cô N.L.H. (giáo viên môn sử một trường THPT tại Q.3, TP.HCM): Do cách các em chọn bài thi tổ hợp

Trước hết, theo tôi, kết quả thi môn sử có nhiều điểm dưới trung bình là do cách các em chọn bài thi tổ hợp. Với đề thi này, nếu các em học hành nghiêm túc thì vẫn có thể đạt điểm 8, 9. Tuy nhiên, số % học sinh chọn môn sử để xét ĐH, CĐ chiếm rất ít. Tại trường tôi, con số này chỉ chiếm khoảng 10%. Còn lại đa phần là các em có lực học không khá trong tổ hợp môn khoa học tự nhiên mới chọn tổ hợp khoa học xã hội. Với bài thi tổ hợp khoa học xã hội, các em chỉ cần mất 1 tháng để ôn tập môn địa và GDCD là đã có thể đạt điểm 7, 8. Còn với môn sử phải mất cả 6 tháng vật lộn với quá nhiều sự kiện, để nhớ thôi là đã khó rồi.

Tại trường tôi, giáo viên môn sử đã chuyển qua dạy trắc nghiệm rồi, gom lại thành các chủ đề để các em liên hệ nắm sự kiện. Tuy nhiên, khối lượng kiến thức quá nhiều, bao gồm cả kiến thức lớp 11. Trong khi đề thi còn yêu cầu các em không chỉ là nhớ, là thuộc bài mà còn phải hiểu bài.

Về phần đề, dù rõ ràng nhưng kiến thức quá rộng khi ra luôn cả phần giảm tải. Thậm chí còn có những đáp án mang tính đánh tráo khái niệm như trong bài “Phương hướng đông xuân 1953-1954” nguyên văn SGK là “phân tán lực lượng của địch để tiêu diệt sinh lực địch”, để nhớ được cụm từ này đã khó rồi trong khi đề lại đưa ra đáp án là “điều địch để diệt địch”, đánh đố các em về từ ngữ. Nếu thí sinh thuộc bài máy móc là không thể làm được.

Trong đề thi, kiến thức lớp 11 chiếm 2 điểm, không chỉ nhớ mà còn phải hiểu. Học sinh yếu, trung bình thường khi ôn đã bỏ qua chương trình sử lớp 11. Rồi bỏ thêm 2 điểm những câu hỏi nâng cao nữa. Còn 6 điểm và muốn đạt 6 điểm này trong đề thì các em phải ôn một lượng kiến thức lớp 12 rất nặng. Có những bài như về Cách mạng tháng Tám, phải mất cả tháng các em mới có thể thuộc và hiểu được bài. Vì vậy, kết quả này là đương nhiên rồi.

Dạy trắc nghiệm môn sử ở bậc THPT bản thân tôi thấy dễ hơn so với dạy theo hướng tự luận. Đa phần giáo viên đã thay đổi phương pháp dạy, sau mỗi bài học đều có các câu hỏi trắc nghiệm để kiểm tra các em. Giáo viên làm theo chủ đề, dạy từng sự kiện, các em nắm và liên hệ các sự kiện. Vấn đề cốt lõi là cách các em học, đầu tư cho môn học như thế nào thôi.

“Nhiều học sinh của tôi nói rằng không phải các em không thích học sử nhưng để lựa chọn phải học sử hay địa, GDCD trong kỳ thi này thì các em chọn địa và GDCD để có thể đạt kết quả cao”, cô Nguyễn Thị Xuân Hương (Tổ trưởng Tổ sử, Trường THPT Tenlơman) nói.

+ Cô Nguyễn Thị Xuân Hương (Tổ trưởng Tổ sử, Trường THPT Tenlơman, Q.1, TP.HCM):  Kết quả phản ánh đúng thực trạng học của học sinh

80,9% học sinh dưới điểm trung bình môn sử là kết quả phản ánh đúng thực trạng học và thi bộ môn này. Kết quả này không mấy bất ngờ với đa phần giáo viên dạy sử. Theo tôi, nguyên nhân của kết quả này có thể tập trung vào vài vấn đề sau:

Thứ nhất, học sinh thường coi môn sử là bộ môn phụ. Thậm chí, ngay trong nhà trường cũng có tình trạng giáo viên tập trung đầu tư vào các môn tự nhiên nhiều hơn. Trong số học sinh chọn tổ hợp môn khoa học xã hội trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, ngoài một sốt ít các em chọn vì đam mê và vì yêu môn sử để xét tuyển ĐH, CĐ thì đa phần các em chọn tổ hợp này do tâm lý sợ tổ hợp môn khoa học tự nhiên, cho rằng với tổ hợp khoa học xã hội sẽ dễ dàng làm trắc nghiệm đạt điểm cao. Đặc biệt, môn địa và GDCD được xem là 2 môn “cứu cánh” trong tổ hợp này. Từ đó, các em hình thành tâm lý xem nhẹ việc học môn sử, chỉ cần học để vượt qua điểm liệt. Đây là một trong những mặt trái tất yếu của kỳ thi “2 trong 1” như hiện nay. Nhiều học sinh của tôi nói rằng không phải các em không thích học sử nhưng để lựa chọn phải học sử hay địa, GDCD trong kỳ thi này thì các em chọn địa và GDCD để có thể đạt kết quả cao.

Bên cạnh đó, để thi môn sử, khối lượng kiến thức mà các em phải ôn tập là quá nhiều (bao gồm toàn bộ chương trình lớp 11 và 12), khiến các em “sợ hãi” khi học. Không chỉ phải ghi nhớ rất nhiều sự kiện, với môn sử, các em còn phải rèn luyện nhiều kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá các sự kiện, phải hiểu sâu, hiểu chắc sự kiện mới có thể chọn được đáp án đúng. Mức độ đề thi năm nay tương đối khó, có sự phân hóa cao, có nhiều câu mở rộng nhiều so với chương trình SGK phổ thông.

Còn về phía giáo viên, tôi nghĩ các thầy cô đã tự thay đổi rất nhiều trong phương pháp giảng dạy để bắt kịp với xu hướng ra đề hiện nay.

Đỗ Yến (ghi)