Thứ bảy, 30/7/2016, 13h50

Điểm trường tốp cao có thể giảm

Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, căn cứ vào phổ điểm của TS, phân khúc điểm cao giảm mạnh so với năm 2015.

Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2016 tại TP.HCM /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2016 tại TP.HCM ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
TS có tổng điểm từ 25 trở lên ở năm trước chỉ còn phân nửa. Vì vậy, dự báo các trường có sức hút mạnh như ĐH Y Dược, ĐH Ngoại thương, kể cả các trường khối ngành công an, quân đội có thể giảm điểm chuẩn vì ít TS điểm cao hơn. Từ đó tác động đến các ngành có điểm chuẩn khoảng 20 - 25 năm trước giảm. Ngược lại, các trường có điểm chuẩn 15 - 18 năm ngoái sẽ không ảnh hưởng nhiều.
Điều âu lo này khiến ĐH Quốc gia TP.HCM có quyết định như năm 2015 là không có mức điểm sàn riêng mà nhận đơn bằng với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ (15 điểm). Tiến sĩ Nghĩa cho rằng năm nay và năm trước, mỗi năm đăng ký xét tuyển khác nhau, rất khó lường, nhất là năm nay TS nộp hồ sơ lại không được rút ra. Ngoài ra, trước đó ĐH Quốc gia TP.HCM đã có điều kiện sơ tuyển cao hơn quy định Bộ là TS học 3 năm THPT phải đạt điểm trung bình 6,5 trở lên. Khi được hỏi nếu đặt mức điểm sàn như vậy, các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM có “hút” hết TS của trường khác không, tiến sĩ Nghĩa cho biết trên thực tế, năm 2015, gần như không có TS dưới 18 điểm đăng ký vào các trường thành viên. TS đều biết cách chọn lựa trường nào vừa sức với mình.
Điều này ngược lại với các trường được tốp giữa. Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết có nhiều lý do để trường quy định điểm xét tuyển cao hơn sàn. Điểm chuẩn trung bình hằng năm của trường đều tăng dần: 15 điểm (2013), 16 điểm (2014), 17 điểm (2015). Vì vậy, năm nay trường sẽ tính toán điểm xét tuyển gần với điểm chuẩn nhất để tiện cho TS tính toán việc nộp hồ sơ. Trường dự báo điểm chuẩn năm nay của trường sẽ nằm ở mức 18 - 23 điểm.
 
Quan trọng hơn, trường đi theo định hướng nghiên cứu nên phải nâng cao chất lượng. Tiến sĩ Lý cho biết hiệu trưởng nhà trường chấp nhận thà thiếu chút ít về số lượng để hướng về chất lượng.
Ở nhóm trường ĐH ngoài công lập, năm ngoái có một số trường có điểm xét tuyển hơn điểm sàn thì với tình hình năm nay, các trường này đều chỉ dám xét bằng “sàn”.
Nếu năm ngoái nhiều ngành của Trường ĐH Hoa Sen có điểm xét tuyển từ 17 - 19 thì năm nay tất cả các ngành đều từ 15 điểm. Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Hoa Sen, cho biết năm nay trường phải chọn giải pháp này để yên tâm về nguồn tuyển. Chỉ tiêu nhiều mà nguồn tuyển thì ít có thể dẫn đến chuyện thiếu hụt nguồn tuyển cho các trường công tốp giữa và ngoài công lập.
Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cũng cho biết dù năm ngoái, điểm chuẩn nhiều ngành của trường cao hơn điểm sàn, năm nay trường cũng công bố điểm xét tuyển bằng điểm sàn để chắc chắn.

Đăng Nguyên/TNO