Thứ ba, 3/5/2011, 15h05

Diễn đàn “Dạy và học như thế nào để đúng định hướng cá thể hóa?”: Ba phương pháp dạy học tích cực

Thông qua thuyết trình, HS sẽ khắc sâu kiến thức hơn. Trong ảnh là tiết học tiếng Anh tại Trường THPT Lê Quý Đôn. Ảnh: P.N.Q
Đổi mới dạy học là đổi mới phương pháp (PP) giảng dạy của người thầy. Ngoài những PP mà chúng ta đã biết, còn có ba PP tiêu biểu khác, đó là PP hoạt động theo nhóm, PP đóng vai và PP thuyết trình.
Các bước tiến hành
PP hoạt động nhóm: PP này có thể tiến hành bằng các cách sau: Làm việc chung cả lớp - nêu vấn đề, xác định nhiệm vụ nhận thức; tổ chức các nhóm, giao nhiệm vụ, hướng dẫn cách làm việc trong nhóm; làm việc theo nhóm - phân công trong nhóm. Cá nhân làm việc độc lập rồi trao đổi hoặc tổ chức thảo luận và cử đại diện phân công trình bày kết quả làm việc theo nhóm; tổng kết trước lớp - các nhóm lần lượt báo cáo kết quả; thảo luận chung - giáo viên (GV) tổng kết đặt vấn dề cho bài hoặc vấn đề tiếp theo. PP đóng vai: Đâylà PP tổ chức cho học sinh (HS) thực hành một số cách ứng xử trong một tình huống giả định. Cách tiến hành, GV chia nhóm và giao tình huống đóng vai cho từng nhóm. Quy định rõ thời gian chuẩn mực, thời gian đóng vai. Các nhóm thảo luận chuẩn bị và sau đó lên đóng vai. GV đứng ra phỏng vấn người đóng vai. Các câu hỏi đặt ra: Vì sao em lại ứng xử như vậy? Cảm xúc và thái độ của em khi thực hiện các ứng xử?... Sau đó lớp thảo luận, nhận xét: Các ứng xử của các vai diễn có phù hợp chưa? Vì sao? PP thuyết trình: PP này có ba loại: Thuyết trình kiểu thuật chuyện thông qua những sự kiện trong đời sống xã hội và văn học, HS phân tích, rút ra nhận xét và khái quát các tư liệu đó nhằm xây dựng biểu tượng, khắc sâu nội dung kiến thức của bài học. Thuyết trình kiểu mô tả, phân tích: HS dùng công thức, sơ đồ, biểu mẫu để mô tả phân tích nhằm chỉ ra những đặc điểm, khía cạnh của từng nội dung. Trên cơ sở đưa ra những chứng cứ logic, lập luận chặt chẽ để làm rõ bản chất vấn đề. Thuyết trình kiểu so sánh, tổng hợp: Nếu nội dung của vấn đề trình bày chứa đựng những mặt tương phản thì GV cần xác định những tiêu chí để so sánh từng mặt, thuộc tính hoặc quan hệ giữa hai đối tượng đối lập nhau nhằm rút ra kết luận cho từng tiêu chí so sánh. Mặt khác, GV có thể sử dụng số liệu thống kê để phân tích, so sánh rút ra kết luận nhằm góp phần làm tăng tính chính xác và tính thuyết phục của vấn đề.
Những ưu điểm và hạn chế
Muốn hoạt động nhóm đạt hiệu quả thì lớp học phải được chia từng nhóm nhỏ (4-6 người). Tùy mục đích và yêu cầu của vấn đề bài học mà các nhóm được chia ngẫu nhiên hay có chủ đích, được duy trì ổn định hay thay đổi trong từng phần của tiết học, được giao cùng nhiệm vụ hay những nhiệm vụ khác nhau. Nhóm tự bầu nhóm trưởng (nếu thấy cần) và phân công mỗi người một phần việc cụ thể trong nhóm. Mỗi thành viên phải có trách nhiệm làm việc tích cực, không ỷ lại người có hiểu biết và năng động hơn. Nhóm có thể cử hoặc phân công mỗi thành viên để trình bày kết quả làm việc của nhóm mình.
PP hoạt động nhóm giúp các thành viên “gỡ rối” những băn khoăn, thắc mắc và cả kinh nghiệm cho bản thân để cùng nhau xây dựng nhận thức mới. Tự nói ra những điều mình đang nghĩ để mọi người đánh giá được trình độ hiểu biết của mình về chủ đề nêu ra, mình cần học hỏi thêm những gì khi thấy được “lỗ hổng” kiến thức. Bài học đi ra từ quá trình học hỏi lẫn nhau chứ không phải là sự tiếp nhận thụ động từ GV. Thành công của bài học luôn tỷ lệ thuận với sự tham gia tích cực của mọi thành viên. Vì vậy, đây còn gọi là PP cùng tham gia. Tuy nhiên, do không gian và thời gian lớp học chật hẹp nên GV phải biết tổ chức hợp lí và HS phải thật quen với PP này mới có kết quả như ý muốn. Cần tránh khuynh hướng phô trương hình thức và đề phòng lạm dụng thái quá, coi đây là dấu hiệu tiêu biểu nhất của đổi mới PP và quan niệm sai lầm “cứ hoạt động nhóm càng nhiều thì chứng tỏ PP dạy học càng đổi mới”.
Ưu điểm của PP đóng vai là gây hứng thú và chú ý cho HS. Các em được rèn luyện kỹ năng ứng xử và bày tỏ thái độ trong môi trường an toàn trước khi thực hành trong thực tiễn. HS nảy sinh óc sáng tạo và thay đổi thái độ hành vi ứng xử ngay trong vai diễn của mình. Tình huống nên để mở, không cho biết trước kịch bản, lời thoại. Phải dành thời gian phù hợp cho các nhóm chuẩn bị đóng vai, không vội vàng “đốt cháy giai đoạn”. Người đóng vai phải nhập vai, hiểu rõ “số phận” mình trong bài tập đóng vai để không lạc đề, sai hướng. GV cần khích lệ cả những HS nhút nhát và khuyến khích các em tham gia. Nên hóa trang và thiết kế đạo cụ đơn giản để tăng tính hấp dẫn, tạo lực hút mạnh của trò đóng vai.
Vũ Quang Thọ
(Tổ trưởng Tổ phổ thông - Phòng GD-ĐT Phú Nhuận)