Thứ hai, 4/4/2011, 14h04

Diễn đàn “Dạy và học như thế nào để đúng định hướng cá thể hóa?”: Tập trung đầu tư cơ sở vật chất

Chúng ta cần chú ý tập trung đầu tư xây dựng CSVC để đáp ứng được việc dạy học theo phương pháp cá thể hóa. Ảnh: M.Duy
Tôi đã được dự nhiều lớp tập huấn, hội nghị triển khai về việc tổ chức dạy học theo hướng cá thể hóa, đặc biệt là đã từng được nghe chính TS. Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM trực tiếp triển khai.
TS. Huỳnh Công Minh nói rằng: “Dạy học cá thể hóa là phương pháp giảng dạy yêu cầu người giáo viên (GV) phải quan tâm tới từng đối tượng học sinh (HS), dạy cho từng cá nhân chứ không phải dạy theo số đông”.
Tôi rất tâm đắc với ý kiến của TS. Huỳnh Công Minh, và theo tôi, dạy học theo phương pháp cá thể hóa đã thực sự có hiệu quả tốt trong dạy học hiện nay.
Chính thức từ năm học 2009-2010, ngành GD-ĐT TP.HCM đã triển khai việc “dạy học theo định hướng cá thể hóa” một cáchđầy đủ đến từng đơn vị trong xu thế đổi mới toàn diện nhà trường.Việc dạy học theo hướng cá thể như một “luồng gió” mới tiếp thêm sức mạnh nội lực cho ngành GD-ĐT thành phố. Như tôi đã nêu, việcdạy học theo hướng cá thể không còn mang tính riêng lẻ, mà đã được thực hiện đồng bộ, tạo thành một định hướng chung. Không chỉ có GV thực hiện, mà cả ban giám hiệu và các cấp quản lý cũng cùng thực hiện hoặc tổ chức hay hỗ trợ việc thực hiện tùy theo cương vị của mình. Vì vậy kết quả tốt đẹp của việc dạy học theo hướng cá thể không còn gói gọn trong những lớp học riêng lẻ mà đã lan tỏa nhiều lớp, nhiều trường trong thành phố. Ngày càng có nhiều HS được hưởng quyền lợi giáo dục từ việc tổ chức dạy học theo hướng cá thể hóa.
Trường Tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển (cũng như các trường tiểu học khác trong thành phố) đã triển khai đầy đủ các hoạt động trong chủ trương thực hiện đổi mới toàn diện nhà trường của Sở GD-ĐT TP.HCM đến từng tổ chuyên môn, từng GV. Bên cạnh đó, việc đầu tư, chỉnh trang cơ sở vật chất (CSVC) phục vụ cho việc dạy học cá thể cũng được lãnh đạo nhà trường hết sức quan tâm, chẳng hạn như đầu tư mua sắm máy chiếu projector, máy vi tính, máy photocopy… và sửa chữa, cải tạo phòng học, bàn ghế. Ngoài ra, trường còn thường xuyên tổ chức các chuyên đề, thao giảng, cung cấp các tài liệu chuyên môn theo định hướng cá thể hóa để GV có điều kiện trao đổi, bàn bạc, nghiên cứu. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa đồng đều theo như ý muốn của GV và HS. Chẳng hạn, thầy cô nào mạnh dạn dám xung kích đi đầu, tập trung đầu tư, nghiên cứu thì dễ thành công trong việc dạy học theo hướng cá thể hóa. Với từng cấp học cũng vậy, tổ chuyên môn nào có kế hoạch thực hiện tốt, đi đúng chủ trương thì hiệu quả sẽ hơn hẳn.
Nói tóm lại, kết quả tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất, cụ thể là nơi nào sĩ số ít, trang thiết bị đủ cho HS tự học thì việc vận dụng phương pháp dạy học cá thể sẽ rất thuận lợi và có hiệu quả tốt hơn. Ngoài ra, khi tiến hành dạy học theo hướng cá thể, trường cũng có một số khó khăn như sĩ số HS còn khá đông, GV không theo dõi hết từng em; CSVC chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học; một số ít GV chưa tập trung đầu tư, nghiên cứu đúng mức cho việc thực hiện dạy học cá thể hóa.
Để thực hiện dạy học theo hướng cá thể hóa đạt hiệu quả cao, theo tôi, chúng ta cần chú ý tập trung đầu tư xây dựng CSVC đáp ứng được việc dạy học theo phương pháp này, tiến tới xây dựng CSVC tiên tiến, hiện đại theo chủ trương của ngành. Bên cạnh đó, các trường nên tham mưu, đề xuất với phòng GD-ĐT, UBND quận, huyện cải tạo hoặc xây thêm phòng học mới nhằm đáp ứng sĩ số HS từ 35 em/ lớp trở xuống. Ngoài ra, các trường phải tăng cường hơn nữa chất lượng sinh hoạt tổ chuyên môn, tập trung chỉ đạo chuyên môn hỗ trợ, giúp đỡ GV tập trung đầu tư, nghiên cứu đúng mức cho việc thực hiện dạy học cá thể hóa. Bởi vì, muốn tổ chức dạy học theo hướng cá thể hóa có hiệu quả, GV phải nắm được năng lực tiếp nhận và cả đặc điểm tâm sinh lý của từng em, phải thiết kế bài dạy sao cho mỗi một hoạt động có nhiều cách thức phù hợp với từng đối tượng HS. Bởi vì mỗi HS có những đặc điểm khác nhau. Lấy ví dụ như khi dạy đối tượng HS khá, giỏi thì chúng ta không thể dạy giống như các em HS chậm, yếu mà phải có một cách thức riêng.
Bùi Ngọc Phi
(Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Trọng Tuyển, Bình Thạnh)

Muốn tổ chức dạy học theo hướng cá thể hóa có hiệu quả, GV phải nắm được năng lực tiếp nhận và cả đặc điểm tâm sinh lý của từng em, phải thiết kế bài dạy sao cho mỗi một hoạt động có nhiều cách thức phù hợp với từng đối tượng HS.