Thứ tư, 29/9/2010, 17h10

Diễn đàn Đổi mới phương pháp dạy học: “Làm sao tránh đọc - Chép?”: Cần phân phối chương trình hợp lý

Phân phối chương trình hợp lý giờ học sẽ hiệu quả hơn

Đối với những người công tác trong ngành giáo dục, ai cũng hiểu với cách dạy thầy đọc, trò chép thì học sinh hoàn toàn thụ động để lĩnh hội kiến thức của người thầy. Cách dạy này không thể phát huy tối đa tính tích cực tư duy của học sinh. Học sinh học nhưng không thể nào hiểu sâu được kiến thức, từ đó dù thuộc bài nhưng chỉ một thời gian là các em quên và tất nhiên các em cũng khó có khả năng vận dụng kiến thức đã học vào đời sống thực tiễn. Dù biết vậy nhưng rất nhiều giáo viên phải đành sử dụng phương pháp này vì nếu không dạy cách này thì làm sao dạy kịp bài. Một tiết học ở bậc trung học cơ sở có thời gian là 45 phút, trong đó giáo viên có khi mất gần 10 phút cho việc ổn định lớp, kiểm tra bài cũ. Đối với lớp học có nhiều học sinh cá biệt, ngỗ nghịch thì khoảng thời gian này còn phải mất nhiều hơn. Trong khi đó phân phối chương trình cho một tiết học có khi lại có lượng kiến thức quá nhiều. Thử hỏi nếu không dạy theo kiểu “thầy đọc - trò chép” thì làm sao có đủ thời gian để dạy hết bài. Thế là giáo viên đành dạy theo cách này. Nếu giáo viên dạy trễ bài không theo kịp qui định của phân phối chương trình sẽ bị ban giám hiệu nhà trường khiển trách. Như vậy muốn giáo viên bỏ lối dạy cổ điển “thầy đọc - trò chép” thì các cấp lãnh đạo ngành giáo dục cần xem lại phân phối chương trình có hợp lý hay không? Làm sao để trong tiết học, giáo viên có đủ thời gian dạy hết bài thì chắc chắn giáo viên sẽ phân phối thời gian trong tiết học hợp lý để phát huy tính tích cực tư duy của học sinh. Chẳng hạn như phân phối chương trình môn toán lớp 7 có rất nhiều bất cập. Ngay tiết học đầu tiên của môn đại số là bài “Tập hợp Q các số hữu tỉ” với lượng kiến thức khá nhiều, trong đó gồm hình thành cho học sinh hiểu khái niệm về số hữu tỉ, biểu diễn số hữu tỉ lên trục và so sánh hai số hữu tỉ. Ngay khi vào bài học này giáo viên còn phải ôn lại về tập hợp số tự nhiên hay tập hợp số nguyên mà các em đã học ở các năm học trước. Ở phần 2 của bài là “Biểu diễn số hữu tỉ lên trục”, giáo viên mất rất nhiều thời gian để hướng dẫn các em mới biết cách biểu diễn, vì biểu diễn số hữu tỉ lên trục khó hơn so với biểu diễn số nguyên nhiều. Tôi đã dạy toán lớp 7 nhiều năm và không bao giờ tôi dạy kịp bài này chỉ trừ khi tôi giảng bài thật nhanh, bất chấp học sinh có hiểu bài hay không. Đa số học sinh đều thấy “choáng” với bài học đầu tiên quá dài này. Đã vậy sau khi học xong bài này thì đến tiết tiếp theo là học bài “Cộng, trừ số hữu tỉ”, nghĩa là các em không có một tiết luyện tập sau bài “Tập hợp Q các số hữu tỉ”. Để giúp cho học sinh hiểu sâu hơn về bài này, tôi phải tận dụng tiết dạy phụ đạo do nhà trường xếp lịch. Nhờ vậy mà các em học sinh mới biết cách biểu diễn số hữu tỉ lên trục. Nếu như không có tiết dạy phụ đạo thì chắc chắn học sinh có lỗ hổng kiến thức ngay bài học đầu tiên của môn đại số. Điều này sẽ làm cho các em khó hiểu các bài học sau này và việc các em mất căn bản môn toán rất dễ xảy ra.
 Không chỉ có môn toán mới có phân phối chương trình bất hợp lý mà có nhiều môn học khác cũng có tình trạng tương tự. Nhiều giáo viên bất đắc dĩ phải dạy theo kiểu “thầy đọc - trò chép” để kịp thời gian.
 Như vậy thì việc kiểm tra lại phân phối chương trình là việc cần làm ngay của ngành giáo dục. Các cấp lãnh đạo ngành cần đón nhận sự góp ý của giáo viên để soạn ra phân phối chương trình vì chỉ có giáo viên dạy lớp mới có sự nhìn nhận chính xác nhất về khoảng thời gian cần thiết để truyền thụ kiến thức cho học sinh đạt hiệu quả cao nhất. Đây là việc làm khá đơn giản nhưng nó sẽ góp phần hạn chế kiểu dạy “thầy đọc - trò chép” trên lớp học.
NGUYỄN THANH DŨNG
(GV Trường THCS Phước Lý, Cần Giuộc, Long An)

 

Tôi đã dạy toán lớp 7 nhiều năm và không bao giờ tôi dạy kịp bài “Tập hợp Q các số hữu tỉ”, chỉ trừ khi giảng bài thật nhanh, bất chấp học sinh có hiểu bài hay không. Đa số học sinh đều thấy “choáng” với bài học đầu tiên quá dài này.