Thứ sáu, 8/10/2010, 14h10

Diễn đàn Đổi mới phương pháp dạy học: “Làm sao tránh đọc - chép?”: Điều tiết, phân phối lại chương trình

Muốn chấm dứt tình trạng đọc-chép ở bộ môn hóa học hiện nay rất khó. Vì giáo viên không đủ thời gian truyền thụ hết kiến thức cho học sinh theo quy định. Theo tôi, muốn xóa tình trạng đọc-chép, tạo ra sự hứng thú và sáng tạo cho học sinh nên điều tiết, phân phối lại chương trình bộ môn. Bởi hóa học là bộ môn thực nghiệm rất gần gũi với đời sống hàng ngày, nếu chỉ dạy lý thuyết không thì học sinh sẽ hoài nghi kiến thức: tại sao hiện tượng này lại xảy ra, hiện tượng kia lại không xảy ra? Và nếu cứ học thuộc lòng thì các em cũng không thể hiểu bài. Từ đó có tình trạng học mà không hiểu vấn đề. Còn áp dụng đưa thí nghiệm vào bộ môn thì học sẽ có kết quả tốt hơn, nhưng thực tế thời gian qua vẫn có nơi chưa chú trọng vấn đề này. Vì đòi hỏi giáo viên phải làm thí nghiệm trên lớp và sau đó đưa bài học về ứng dụng thực tế chứ không thể học lý thuyết suông theo kiểu học xong để đó. Đây là cách theo tôi biết chưa có trường nào làm. Ví dụ: dạy bài PH (nồng độ ion H+ trong dung dịch đó), sau khi giảng lý thuyết giáo viên nên đưa ra các vấn đề giải quyết như nước mưa khác nước sinh hoạt như thế nào? Nước sau khi đun sôi dùng để uống như thế nào? Các loại nước đó có môi trường ra sao? Làm sao lọc nước sông Thị Nghè (con sông gần Trường THPT Gia Định) để làm ra nước sinh hoạt?...
Trần Thị Phương Thảo
(GV Trường THPT Gia Định)