Thứ tư, 15/9/2010, 14h09

Diễn đàn Đổi mới phương pháp dạy học “Làm sao tránh đọc - Chép?”: Làm chủ giáo án

Muốn khắc phục tình trạng thụ động của HS, cũng như tránh tình trạng đọc - chép, GV cần phải làm chủ giáo án (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

Từ lâu giáo án đã trở thành phương tiện quan trọng trong quá trình lên lớp của giáo viên (GV). Việc chuẩn bị tốt giáo án, làm chủ giáo án sẽ giúp GV tự tin trong thể hiện nội dung cũng như cách sử dụng phương pháp dạy học, nhất là đối với các môn khoa học xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay một số GV ở các trường phổ thông nhất là THCS và THPT vẫn bị lệ thuộc hoàn toàn vào giáo án khi lên lớp. Từ đó làm cho chính bản thân người dạy không thể chủ động với nội dung, phụ thuộc vào giáo án và đã dẫn đến họ không thể điều khiển được quá trình dạy học, tiết học nhàm chán, chỉ đọc chép, nặng về thuyết trình. Cả GV và học sinh không thể tạo nên được bầu không khí sôi động, hấp dẫn của tiết học mà đổi lại là sự đơn điệu kéo dài gây ra sự mệt mỏi, hiệu quả lĩnh hội kiến thức thấp, tư duy thiếu linh hoạt… Do vậy, khắc phục sự thụ động với giáo án, khắc phục tình trạng đọc chép xuôi chiều, theo chúng tôi, GV cần phải lưu ý một số yêu cầu đối với giáo án của mình như sau:
1. Chuẩn bị giáo án khoa học
Giáo án lên lớp không phải là sự sao chép toàn bộ các nội dung trong giáo trình, mà phải biến nó thành “sản phẩm” của chính bản thân, thẩm thấu và trở thành kiến thức thường trực của mỗi người. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ rằng để truyền tải các nội dung thật hấp dẫn sinh động GV phải biết liên kết các nội dung thật khoa học và lôgic. Từ những nội dung khô cứng có thể chuyển hóa thành những câu chuyện sinh động hàng ngày và người dạy rút ra những vấn đề để học sinh lĩnh hội một cách thuận lợi nhất. Các vấn đề thường có những sự liên kết bằng cách thiết kế dạng câu hỏi gợi mở để dẫn dắt sang các vấn đề mới. Đối với GV mới vào nghề nhất thiết phải biên soạn giáo án theo kiểu đề cương chi tiết, còn đối với GV nhiều kinh nghiệm có thể biên soạn giáo án theo dạng khái quát, tuy nhiên cũng không được chủ quan đối với các khái niệm và những nội dung cơ bản, nhất là những vấn đề có tính định lượng. Nếu giáo án điện tử thì cần thiết kế các slide có sử dụng các hình ảnh trực quan hợp lý sẽ càng tạo nên sự hấp dẫn của bài học.
2. Đưa các tình huống có vấn đề vào khai thác nội dung trọng tâm
Để giúp người học nắm vững kiến thức (hiểu, nhớ và biết vận dụng sáng tạo) GV cần chú ý chuẩn bị tốt phần trọng tâm, trọng điểm trong giáo án của mình. Phần này thường chiếm thời gian nhiều nhất trong toàn bài do vậy cần khai thác khoa học các nội dung đồng thời nhất thiết đưa các tình huống có vấn đề thật đắt giá. Có thể các phần khác học sinh chỉ cần hiểu những vấn đề cơ bản nhất nhưng ở phần trọng tâm, trọng điểm buộc người học phải nắm vững. Do vậy GV cần phải khơi gợi, nêu câu hỏi, gợi mở… để dẫn dắt người học tìm kiếm kiến thức, trong giáo án phải được chuẩn bị kỹ càng phần này, thậm chí một số ví dụ, hoặc các câu hỏi đắt giá phải thể hiện ngay trong giáo án của mình. Hiện nay cũng có một số ý kiến cho rằng đối với các môn học như văn, giáo dục công dân… không cần thiết phải đưa tình huống có vấn đề trong bài học. Điều này là chủ quan, phiến diện thậm chí ở tất cả các cấp học, các đối tượng đều có thể sử dụng kiểu dạy học nêu vấn đề, học sinh THCS, THPT yêu cầu lại càng cao. Tuy nhiên thiết kế được tình huống có vấn đề gây được sự hấp dẫn của người học không phải đơn giản, thậm chí trong toàn bài chỉ cần một tình huống có vấn đề đã là thành công.
3. Khuyến khích học sinh truy bài
Làm chủ giáo án cũng có nghĩa là GV biết khai thác vai trò của người học, theo quan điểm dạy học hiện đại, GV không phải là người bày cỗ sẵn cho học sinh mà là tổ chức, điều khiển quá trình dạy học của người học. Để giải quyết vấn đề này trong giáo án GV cần phải thiết kế các tình huống giả định để tạo cho người học buộc phải giải quyết. Đôi khi đó là một cuộc tranh luận gay gắt, thậm chí cũng có thể GV phải chấp nhận khi người học chưa tán thành quan điểm của mình, như vậy mới kích thích được sự hứng thú trong giờ học, làm cho người học hăng say. Để thực hiện điều này, GV phải thực sự nắm vững nội dung, có những cách giải quyết vấn đề khả thi nhất làm cho học sinh phải thực sự tâm phục khẩu phục.
Ngoài ra, việc GV chủ động với giáo án đòi hỏi trong quá trình biên soạn phải có kiến thức toàn diện, nhất là các môn khoa học xã hội, đồng thời phải biết kết hợp các phương pháp, các phương tiện dạy học hiện đại để hỗ trợ trong quá trình giảng dạy.
Tóm lại, để khắc phục tình trạng đọc - chép, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học có rất nhiều giải pháp, trong đó làm chủ giáo án là một trong những yêu cầu cần thiết đối với GV bậc phổ thông hiện nay.
Nguyễn Văn Công
(GV môn tâm lý - giáo dục học, Trường Sĩ quan Lục quân 2, Đồng Nai)