Thứ hai, 27/9/2010, 11h09

Diễn đàn Đổi mới phương pháp dạy học “Làm sao tránh đọc - Chép?”: Thi cử thế nào thì dạy và học như vậy

Cần phải thay đổi cách thi như hiện nay thì mới hy vọng tạo ra sự chuyển biến trong phương pháp dạy và học. Trong ảnh là cảnh thí sinh trao đổi sau buổi thi tốt nghiệp THPT 2010. Ảnh: T.Q

Muốn chống lối dạy học “đọc - chép tiêu cực” thì phải cải cách mạnh mẽ và toàn diện phương thức, nội dung kiểm tra và thi cử.
Xóa bỏ cách dạy đọc - chép có phải là xóa bỏ phương pháp thuyết giảng hay không?
Trước tiên tôi muốn nhấn mạnh rằng chỉ có cách dạy “đọc - chép tiêu cực” mới cần phải tránh, mới cần phải xóa; còn phương pháp “thuyết giảng” thì không việc gì phải chống, phải xóa bỏ nó đi. Để trình bày một nội dung nào đó một cách súc tích, đầy đủ và có cấu trúc rõ ràng trong một khoảng thời gian nhất định (với một lớp học mà sĩ số không phải là ít) thì cách thuyết giảng (phương pháp thuyết giảng) vẫn là phương pháp thường dùng. Vấn đề đặt ra là chúng ta đọc gì, đọc ra sao, đọc có lôi cuốn, có thu hút sự chú ý của HS hay không? Nội dung mà chúng ta thuyết giảng có phù hợp với trình độ của HS hay không? Còn về phía HS khi nghe giảng mà không chép bài thì lấy gì mà học. Vấn đề là chép gì, ghi gì? Một HS có năng lực thì biết chọn lọc để ghi những gì cần thiết (chỉ có HS không hiểu bài mới “vẽ” lại bài giảng một cách thô thiển mà thôi). Vì thế xin hãy đừng kết tội phương pháp thuyết giảng một cách đơn giản và không nên cho rằng để đổi mới phương pháp dạy học thì phải thay phương pháp thuyết giảng bằng những phương pháp khác một cách gượng ép. Hãy kết hợp một cách nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học một cách hợp lý và phù hợp với nội dung môn học và điều kiện dạy học.
Vì sao cách dạy “đọc - chép tiêu cực” lại phổ biến như thế?
Chúng ta nhất trí cao khi cho rằng cách dạy “đọc - chép tiêu cực” là không tốt, là cần phải xóa bỏ một cách triệt để. Trên lý thuyết là như thế. Thế nhưng trong thực tế, do cách thi cử lạc hậu nên cách dạy và học tiêu cực ấy lại thu được những kết quả hết sức ấn tượng. Chỉ cần nhìn cảnh truy bài hàng ngày của nhiều trường đã áp dụng trong nhiều năm qua thì sẽ hiểu rõ điều mà tôi vừa nêu ra. Tại sao người ta lại bắt HS nhai đi nhai lại một cách thụ động các bài học đã được soạn sẵn như vậy? Bởi vì với cách ấy sẽ có nhiều HS thi đậu hơn; có nhiều HS đậu với điểm số cao hơn. Như vậy chính cách thi cử hiện nay của chúng ta đã nuôi dưỡng và khuyến khích cho cách dạy và học thụ động. Do đó, công tác cải cách thi cử phải đi trước một bước thì mới tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ phương pháp dạy và học mà thôi. Bởi suy cho cùng thì thi thế nào sẽ dạy và học theo thế ấy.
Làm gì để xóa bỏ lối dạy “đọc - chép tiêu cực”?
Để xóa lối dạy tiêu cực đọc - chép thì cần phải làm rất nhiều việc. Thế nhưng, theo tôi có các nội dung mang tính quyết định như sau:
Chính cách thi cử như hiện nay đã nuôi dưỡng và khuyến khích cho cách dạy và học thụ động.
- Về phía nhà quản lý:Cần nhanh chóng thay đổi một cách toàn diện và sâu sắc phương thức và nội dung thi cử hiện nay. Mặc dù trong những năm gần đây việc ra đề thi (như tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH) đã có nhiều cải tiến theo hướng tích cực, nhưng như thế vẫn không đủ để thay đổi phương pháp dạy học một cách tích cực.
 - Về phía đào tạo giáo viên:Thực tiễn cho thấy rằng với những giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, có am hiểu sâu sắc về nghiệp vụ sư phạm thì ít khi (hoặc không bao giờ) chiu đọc bài giảng một cách thụ động. Nếu có phải vì bị gò bó do giới hạn về thời gian, về nội dung môn học, về chuyện phải hoàn tất chương trình nặng nề thì đối với một giáo viên có năng lực sẽ tìm được cách hợp lý (tuy rằng không thoải mái) để thực hiện bài giảng của mình một cách chủ động. Do vậy, theo tôi, vấn đề năng lực của đội ngũ giáo viên là một yếu tố vô cùng quan trọng. Thế nhưng đây lại là bài toán nan giải bởi trong những năm gần đây chất lượng tuyển sinh ở các trường sư phạm ngày một giảm sút (theo thống kê điểm chuẩn tuyển sinh Bộ GD-ĐT công bố) mà chưa thấy Nhà nước có một giải pháp nào.
- Về phía học sinh: Nhà trường cần phối hợp với gia đình để huấn luyện cho HS các phương pháp tự học với mức độ thích hợp tùy theo cấp lớp.
Tiến sĩ Nguyễn Cam
(Khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Thực tiễn cho thấy rằng với những giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, có am hiểu sâu sắc về nghiệp vụ sư phạm thì ít khi (hoặc không bao giờ) chịu đọc bài giảng một cách thụ động.