Thứ hai, 15/11/2010, 14h11

Diễn đàn “Xây dựng trường chất lượng cao thời kỳ hội nhập: Những điều kiện cần và đủ?”

Phương hướng xây dựng trường chất lượng cao

Trường CLC không nhất thiết phải to lớn nhưng phải đảm bảo các điều kiện của nhà trường về không gian, môi trường… Trong ảnh là cảnh HS đọc sách trong giờ ra chơi ở Trường TH Hồ Văn Huê (Phú Nhuận) - một ngôi trường được xây dựng CLC trong tương lai. (Ảnh của trường cung cấp)

Sau khi nghiên cứu điều kiện và tiêu chuẩn để xây dựng trường chất lượng cao (CLC) vì một nền giáo dục tiên tiến mang đậm bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong xu thế hội nhập quốc tế, bản thân là cán bộ quản lý, tôi xin được nêu vài ý kiến của mình về việc xây dựng trường CLC trong tình hình hiện nay.
Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng trường CLC
Trường CLC là nhà trường hội đủ những yếu tố tạo ra kết quả giáo dục cao cho những học sinh (HS) theo học. Nhà trường là nơi đào tạo những con người mới đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cá nhân người học, gia đình của họ và cho cộng đồng. Mục tiêu đào tạo những con người mới ấy với những phẩm chất tốt đẹp về nhân cách: đức, trí, thể, mỹ, lao động. Từ mục tiêu, yêu cầu đào tạo đòi hỏi nhà trường phải hội đủ những điều kiện đào tạo phù hợp để đáp ứng: Về cơ sở vật chất: Trường lớp không nhất thiết phải quá to lớn nhưng phải đảm bảo các điều kiện hoạt động của nhà trường về không gian, môi trường và trang thiết bị cho quá trình dạy và học hiện đại. Xu hướng chung của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đều giảm sĩ số trong lớp. Phổ biến là 20 HS/ lớp, một số trường còn nhiều HS trong lớp cũng đang có kế hoạch giảm dần. HS học tập và hoạt động cả ngày trong trường (2 buổi/ ngày). Về đội ngũ sư phạm: Đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có năng lực chuyên môn và nghiệp vụ tốt để thực thi quan điểm dạy học hiện đại, hướng về người học, phát huy được năng khiếu và thái độ tích cực học tập đối với từng HS (giáo viên phải đạt và vượt chuẩn sư phạm, tâm huyết với công việc dạy học, luôn thương yêu HS, am hiểu tâm lý HS, tổ chức hướng dẫn HS hoạt động để học tập tốt) => điều này rất khó với những trường qui mô nhỏ, ít lớp, ở vùng sâu. Giáo viên được đào tạo đạt chuẩn, mỗi giáo viên là một nhà sư phạm thật sự về phẩm chất và năng lực chuyên môn, được trang bị đủ điều kiện để thực hiện dạy học cá thể theo quan điểm sư phạm hiện đại. Về nội dung chương trình: Theo quy chuẩn quốc gia, không hạ thấp, không nâng cao vượt chuẩn theo chủ quan của người dạy và nhà trường. Nội dung ôm đồm nhiều kiến thức, giáo viên và HS không tải hết, vì vậy dàn trải không chiều sâu. Về công tác quản lý nhà trường: Đặt ra yêu cầu chuẩn mực rõ ràng, đầy đủ về mục tiêu đào tạo của nhà trường, phân cấp mạnh mẽ cho cơ sở trường học và cho giáo viên, đồng thời thực hiện tốt công tác thanh kiểm tra, xác định đúng giá trị quá trình dạy học và chất lượng tốt nghiệp của nhà trường. BGH tạo điều kiện tốt nhất cho thầy cô giáo dạy học cá thể. Coi trọng công tác thanh tra, giám sát. Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo bồi dưỡng, cập nhật tốt đội ngũ và phát huy tốt năng lực sáng tạo của giáo viên (cán bộ quản lý phải hiểu giáo viên, biết chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho giáo viên, có khả năng giúp đỡ bồi dưỡng giáo viên về chuyên môn nghiệp vụ, đánh giá đúng giáo viên). Về phối hợp 3 môi trường giáo dục: Sự gắn kết giữa nhà trường, gia đình và xã hội hiệu quả, đặc biệt là về nhận thức, thống nhất những biện pháp giáo dục HS với nhà trường. Gắn bó chặt chẽ, định kỳ có những hoạt động phối hợp của 3 môi trường để giải quyết kịp thời những vướng mắc khó khăn nhằm chăm lo tốt nhất cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Trường CLC phải mang tính tiên tiến, nhưng đồng thời phải khả thi, phù hợp với thực tế của TP.HCM, có tính thu hút phụ huynh tự nguyện gửi con em theo học và tham gia góp sức cùng với Nhà nước cho sự phát triển nhà trường. Khung đóng góp học phí và các khoản khác phải phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân từng vùng, miền.
Yếu tố cấu tạo thành trường CLC ở đây trước hết là công tác quản lý, xây dựng đội ngũ sư phạm, xây dựng cơ sở vật chất và quan trọng nhất là tuyển sinh đầu vào cao. Nhược điểm dễ xảy ra ở đây là sĩ số trong lớp đông, sự đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên theo quan điểm dạy học cá thể, chăm sóc phát huy năng khiếu của từng HS…
Phương hướng xây dựng trường CLC hiện nay
Để có nền giáo dục tiên tiến, trước hết phải có nhà trường tiên tiến. Trường tiên tiến ở đây là nhà trường đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tiếp cận với thiết chế tổ chức nhà trường của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, không phải nhà trường tiên tiến theo danh hiệu thi đua. Điều kiện tiên quyết để chọn xây dựng CLC là ngôi trường phụ huynh tự nguyện gửi con theo học, ngôi trường ở trong địa bàn có nhiều ngôi trường được tổ chức theo nhiều hệ khác nhau (quận 9 nên đầu tư một trường có thể là Trường THCS Hoa Lư).
Sự đồng thuận của các lực lượng xã hội: Cán bộ quản lý và giáo viên phải quyết tâm vượt khó, tích cực đổi mới, không ngừng học tập nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu giáo dục hiện đại, CLC về giáo dục toàn diện và về kết quả tốt nghiệp, chuyển cấp hàng năm. Phụ huynh HS nhận thức đầy đủ công cuộc đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo trong điều kiện còn nhiều khó khăn về tư duy, về đầu tư hiện nay mà góp phần chia sẻ với nhà trường, nhằm nâng cấp dịch vụ giáo dục cho con em mình…
Biện pháp tiến hành: Tập huấn, phổ biến rộng rãi trong nhà trường và trong xã hội chủ trương, tiêu chí xây dựng trường CLC thời kỳ hội nhập. Xây dựng điển hình, sơ tổng kết, hội thảo khoa học, tổ chức ngày hội giới thiệu và nhân rộng điển hình. Phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với các cơ quan thông tấn, báo, đài. Không ngừng củng cố, cập nhập kết quả qui hoạch và quản lý tốt qui hoạch, dành đất xây trường. Thúc đẩy tốc độ xây dựng trường lớp, đáp ứng yêu cầu qui mô và chất lượng, phát triển giáo dục và đào tạo (giảm sĩ số/ lớp, tăng 2 buổi/ ngày).
Nguyễn Ngọc Loan
(Hiệu trưởng Trường THCS Tăng Nhơn Phú B, Q.9)