Thứ hai, 13/12/2010, 16h12

Diễn đàn “Xây dựng trường chất lượng cao thời kỳ hội nhập: Những điều kiện cần và đủ?”: Cần hội đủ nhiều yếu tố

Học sinh Trường MN phường 1, quận 10 đang vẽ tranh trong thư viện thoáng mát. Ảnh: L.Q.Huy

Mục tiêu của giáo dục mầm non (MN) là giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp 1 nhằm đáp ứng yêu cầu: giúp trẻ phát triển cơ thể cân đối, khỏe mạnh, nhanh nhẹn; cung cấp kỹ năng sống phù hợp lứa tuổi; giúp trẻ em biết kính trọng, yêu mến, lễ phép với ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo; thật thà, mạnh dạn, tự tin và hồn nhiên…
Từ mục tiêu, yêu cầu đào tạo vừa nêu, đòi hỏi nhà trường phải hội đủ những điều kiện đào tạo phù hợp để đáp ứng công tác nuôi dạy chất lượng cao, xây dựng cơ sở nhà trường theo định hướng hiện đại phù hợp với xu thế phát triển chung của giáo dục toàn cầu nhằm tạo điều kiện cho trẻ có thể chất tốt, kiến thức tốt, hòa nhập với tập thể, tự chủ, năng động, sáng tạo. Để có nền giáo dục tiên tiến, trước hết phải có nhà trường tiên tiến. Trường tiên tiến ở đây là nhà trường đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tiếp cận với thiết chế tổ chức nhà trường của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Về cơ sở vật chất: Trường lớp phải đảm bảo các điều kiện hoạt động của nhà trường về không gian, môi trường và trang thiết bị cho quá trình dạy và học hiện đại. Sân trường phải có hệ thống cây xanh thoáng mát để trẻ được gần gũi với thiên nhiên. Trẻ sẽ được tự mình khám phá sáng tạo, năng động hơn, khỏe mạnh hơn, mạnh dạn và tự tin hơn. Các phòng học cần được thiết kế thông thoáng, ánh sáng tự nhiên chan hòa, tạo cảm giác thoải mái khi trẻ học tập và vui chơi theo phương châm “chơi mà học, học mà chơi” giúp trẻ phát triển trí tuệ, năng khiếu… Trang bị sân chơi với nhiều đồ chơi hiện đại sinh động, tạo cho trẻ có sự hứng thú khi đến trường. Để phù hợp với điều kiện học tập của trẻ mầm non, nhà trường nên thiết kế các phòng với không gian mở, cùng với dụng cụ học tập, đồ chơi phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của từng lứa tuổi mầm non… Xây dựng hệ thống bếp ăn một chiều sạch sẽ, có hệ thống tủ bếp, đồ dùng dụng cụ nhà bếp bằng inox… đảm bảo quy trình chế biến thức ăn phù hợp tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
 Đội ngũ sư phạm: Giáo viên là một trong những nhân tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục của một quốc gia, do đó phải quan tâm đến chuẩn đào tạo giáo viên (chuẩn đầu vào và chuẩn đầu ra), các chính sách đối với giáo viên (lương, sự điều chuyển…), việc phối hợp các lực lượng tham gia (Nhà nước, các cơ sở đào tạo, nơi tiếp quản…), việc thiết kế các chương trình đào tạo giáo viên (làm sao để đảm bảo sự hợp lí giữa khoa học cơ bản và khoa học giáo dục, giữa lý thuyết và thực tập…), làm thế nào để tăng vị trí và sự kính trọng của xã hội đối với giáo viên MN.
Nội dung chương trình: Áp dụng từng bước phương pháp giáo dục tiên tiến của các nước trên thế giới. Với phương pháp lấy trẻ làm trung tâm, kích thích sáng tạo, phát huy vai trò làm chủ của trẻ, kích thích niềm đam mê khám phá và chinh phục thế giới xung quanh; phát hiện, hướng dẫn, khuyến khích và hỗ trợ trẻ tự khám phá thiên hướng của riêng mình và phát triển thiên hướng đó qua các trò chơi, các bài học phù hợp, nhờ đó trẻ phát triển các năng lực tiềm tàng, trở nên dễ thích ứng ở các môi trường khác nhau trong đời sống và có khả năng hoạt động độc lập cao. Chương trình học kết hợp các yếu tố: giáo dục tri thức, thể chất và giáo dục hành vi giao tiếp xã hội nhằm tạo cơ hội cho trẻ tự tin vào chính mình, có tư duy tốt và phát triển một cách toàn diện. Coi trọng công tác nêu gương trong quá trình giáo dục đạo đức, nhân cách trẻ.
Công tác quản lý nhà trường: Tạo điều kiện tốt nhất cho thầy cô giáo dạy học cá thể. Coi trọng công tác thanh tra, giám sát. Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo bồi dưỡng, cập nhật tốt đội ngũ và phát huy tốt năng lực sáng tạo của giáo viên (cán bộ quản lý phải hiểu giáo viên, biết chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho giáo viên, có khả năng giúp đỡ bồi dưỡng giáo viên về chuyên môn nghiệp vụ, đánh giá đúng giáo viên).
Phối hợp ba môi trường giáo dục: Nguyên lý giáo dục kết hợp ba môi trường mà Bác Hồ thường nhắc nhở lúc sinh thời là nhà trường phải kết hợp với gia đình và gắn liền với xã hội. Chân lý này không phải chỉ đúng với nước ta mà kinh nghiệm các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đã áp dụng rất hiệu quả. Môi trường xã hội sẽ đóng góp một phần rất quan trọng trong việc tạo nên hệ thống giá trị, làm nền tảng vững chắc cho chất lượng giáo dục đạo đức và hình thành nhân cách cho học sinh. Nâng cao đời sống tinh thần của từng gia đình. Gia đình là tế bào rất quan trọng của cộng đồng xã hội và là nền tảng, là pháo đài rất quan trọng trong mặt trận văn hóa của dân tộc, một nhân tố rất quyết định trong việc giáo dục đạo đức và hình thành nhân cách cho con em.
Sự đồng thuận của các lực lượng xã hội: Cán bộ quản lý và giáo viên phải quyết tâm vượt khó, tích cực đổi mới, không ngừng học tập nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu giáo dục hiện đại, chất lượng cao về giáo dục toàn diện. Phụ huynh học sinh nhận thức đầy đủ công cuộc đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo trong điều kiện còn nhiều khó khăn về tư duy, về đầu tư hiện nay mà góp phần chia sẻ với nhà trường, nhằm nâng cấp dịch vụ giáo dục cho con em mình.
Hoàng Thúy Ái
(Phó hiệu trưởng Trường MN Phước Long B, Q.9)