Thứ sáu, 16/3/2012, 15h03

“Diễn viên” đóng thế trong lớp học

Tình nguyện làm “diễn viên” đóng thế để giúp bạn hay trở thành “anh hùng” khi thủ phạm thật sự chẳng chịu nhận lỗi. Đôi khi, chính những “diễn viên” này đã cứu cho cả lớp một bàn thua trông thấy khi thầy cô đang nóng giận…
1. Những “diễn viên” đóng thế thường xuất hiện trong trường hợp cực kì “nguy ngập” khi thầy cô nóng giận vì hành động ngỗ ngược của một bạn nào đó trong lớp. Bạn Nguyễn Văn Thắng (HS lớp 10 Trường THPT T.), kể: “Chẳng biết bạn nào bực tức gì mà ném cả cây thước về phía bục giảng thầy đang đứng. Thầy cho đó là một hành động vô lễ nên hỏi ai ném cây thước lên? Cả lớp chẳng bạn nào đứng dậy. Hơn 40 bạn nhìn thầy với đôi mắt như muốn nói: “Thưa thầy, em vô tội!”. Thầy thật sự rất tức giận nên bỏ ra ngoài. Khi thầy bước vào lớp, bạn Hoàng đứng lên lí nhí: “Em xin lỗi thầy, em chỉ giỡn với bạn chứ không cố ý ném cây thước lên chỗ thầy đâu. Em xin lỗi vì không đứng lên nhận lỗi liền, em mong thầy bỏ qua”. Vậy thôi, thầy đã mỉm cười mà không phạt Hoàng tội giỡn trong giờ học. Thật ra, trong lớp bạn nào cũng quý thầy, lúc nào cũng “Thầy ơi bài này giải sao ạ?”. Ngoài giờ học, các bạn còn chơi thể thao với thầy nữa, thầy rất vui tính. Có những học sinh còn “gan lì” hơn khi thay cả ba mẹ của bạn kí vào bản kiểm điểm hay sổ theo dõi... Dĩ nhiên thì phải “có qua có lại”, những “diễn viên” đóng thế luôn được đáp đền hậu hĩnh bằng kem, trà sữa...
2. “Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma”, dối trá rồi cũng có ngày phơi bày trước ánh sáng mà hậu quả của nó thì khôn lường - trong sổ đầu bài hay sổ theo dõi các bạn dính ngay một “sẹo”. Quan trọng hơn là các bạn đã làm mất lòng tin của thầy cô và gia đình như trường hợp của Hải Anh (HS lớp 11 Trường THPT D.). Cô bạn này có tội cúp học triền miên nên không dám gửi giấy mời họp cho ba mẹ mà nhờ một anh ở gần nhà làm “diễn viên” đóng thế ba mẹ đi họp với tư cách là… anh trai. Những tưởng “anh hùng cứu được mĩ nhân”, ai ngờ cô giáo chủ nhiệm biết Hải Anh là con một không có anh hay chị em gì cả. Ngay chiều hôm đó cô giáo đến nhà nói chuyện với mẹ của em. Chẳng nói cũng biết tiếng xấu đồn xa, em đã rất xấu hổ trước bạn bè của mình và mỗi lần đi đâu mẹ cũng hỏi thăm xem em có nói dối hay không.
Chính như Hoàng, mặc dù đã từng cứu lớp “một bàn thua” nhưng có lần chính em bị bạn “vu oan”. Thầy bước vào lớp nhìn thấy chiếc bảng lau chưa sạch nên hỏi hôm nay ai trực nhật? Cả lớp im phăng phắc. Một bạn nhanh nhảu nói: “Bạn Hoàng đó thầy”. Thầy cho cả lớp ngồi xuống, riêng Hoàng lên lau bảng lại. Cả lớp ngồi cười rúc rích. Tức khí em phải tự bảo vệ mình nên báo cáo với thầy: “Tuần này tổ 3 trực nhật chứ không phải tổ của em”. Vậy là thầy phải phân xử lại. Nếu lần trước Hoàng không nhận tội bừa thì chắc lần này chẳng ai dám đổ tội sang cho em như thế.
Thật đáng khen cho những HS nào luôn có trái tim ấm áp, xả thân cứu người, không sợ nguy hiểm. Nhưng liều mình để trở thành “diễn viên” đóng thế như trên thì quả thật là không nên. Không những không mang lại “bình yên” cho lớp mà còn làm cho thầy cô thất vọng vì bị dối lừa. Vô tình lại tiếp tay cho những sai lầm, khuyết điểm của bạn mình. Cuối cùng, mình lại tự hại chính bản thân, hại luôn cả người có tội không dám đứng lên nhận lỗi để sửa chữa.
Phạm Quyên