Chủ nhật, 25/10/2015, 21h50

Điều chỉnh đề thi THPT môn sử và văn

Trước kỳ thi THPT quốc gia 2015, Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi minh họa. Nhưng khi kỳ thi diễn ra, dư luận vẫn chưa hài lòng về nhiều đề thi chính thức. Nhằm chuẩn bị sớm cho kỳ thi năm 2016, chúng tôi xin có một số ý kiến sau đây.

Thay đổi để “cởi trói” cho môn sử

Từ năm 2014, ngoài 3 môn bắt buộc (toán, văn, ngoại ngữ), học sinh (HS) được chọn thêm 1 môn trong các môn chính còn lại để làm cơ sở xét tốt nghiệp. Thế là thực trạng đáng buồn của bộ môn sử bấy lâu khuất lấp nay có điều kiện phơi bày.

Kỳ thi THPT quốc gia 2015 là kỳ thi có rất nhiều điểm đổi mới, nhất là đề đi theo hướng mở, phát huy sáng tạo của thí sinh, nhưng tình hình đăng ký thi môn sử cũng chẳng lạc quan hơn. Khi chỉ có 153.688 (13,5%) HS đăng ký trên tổng số 1.004.484 em đăng ký dự thi. Nếu so với môn xã hội khác là môn địa (có đến 386.941 HS đăng ký, chiếm 38,5%) thì cũng chênh lệch hơn một nửa.

Theo nhiều giáo viên THPT, Bộ GD-ĐT cần thiết phải điều chỉnh chương trình và đề thi THPT. Trong ảnh là tiết học môn văn của học sinh lớp 12. Ảnh: Anh Khôi

“Điệp khúc buồn” ấy ngay từ đầu năm học lại được “tấu” lên: Nhiều lớp 12 năm nay không có HS nào đăng ký học thi môn sử. Nhiều trường số lượng HS chọn học môn sử để thi chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là những em chọn ngành xét vào ĐH có môn này.

Môn sử ít được HS lựa chọn có nhiều nguyên nhân. Khảo sát với đối tượng HS lớp 12 nhiều năm, chúng tôi thấy có các nguyên nhân chính là chương trình học nặng; phương pháp dạy của giáo viên còn khô khan, đơn điệu; có quá nhiều kiến thức, sự kiện, số liệu cần phải nhớ, phải thuộc lòng... Trong khi đó để làm bài thi có điểm, HS phải nhớ kỹ bài học, vì đề thi chưa thực sự có sự thay đổi đột phá về cấu trúc câu hỏi. Vì thế, để “cởi trói” cho môn sử, trước mắt cần thay đổi cách kiểm tra đánh giá theo hướng hạn chế việc học lý thuyết, nặng nề về tái hiện, nhớ bài học mà hướng đến lượng giá kiến thức đã học bằng trắc nghiệm; gợi mở, phát huy tự do sáng tạo của cá nhân... Trong thời đại công nghệ số hóa đang “bủa vây” giới trẻ, việc ra đề như thế làm cho HS cảm thấy ngán ngẩm, nặng nề.

Cần điều chỉnh đề môn văn

Nếu so với các kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH-CĐ trước đó, thì đề thi và đáp án chấm môn văn của kỳ thi THPT quốc gia 2015 có nhiều điểm đổi mới tích cực. Tuy nhiên, từ sự đánh giá của dư luận, và đặc biệt qua thực tế chấm bài thi, chúng tôi thấy còn nhiều điểm phải điều chỉnh cho hợp lý. Cụ thể, ở đề thi nên thay đổi một số yêu cầu câu hỏi cho phù hợp với mục đích kỳ thi “2 trong 1” này. Chẳng hạn ở phần đọc hiểu, các câu hỏi vận dụng (câu 4 và 8 của đề thi 2015) thay vì yêu cầu viết từ 5 đến 7 dòng thì nên yêu cầu viết dài hơn (trong khoảng trên 10 dòng). Sẽ tốt hơn nếu yêu cầu kèm theo việc vận dụng một số thao tác lập luận, một số phương thức biểu đạt hoặc một cách triển khai cụ thể nào đó... Hoặc nếu không, để khuyến khích thí sinh viết tự do, thì trong đáp án chấm phải có yêu cầu cụ thể các mặt này để phân loại trình độ bài làm. Thay đổi yêu cầu như thế để đánh giá đúng năng lực của người viết, vì trong khoảng 5 đến 7 dòng là quá ít, quá ngắn, khó đánh giá được kỹ năng, kiến thức của thí sinh. Bởi vì, để viết một đoạn văn hoàn chỉnh thì cần phải có một bố cục triển khai gồm mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn. Và trong tư duy người viết tốt bao giờ cũng kèm theo sử dụng những thao tác lập luận phù hợp nhất định. Theo nhận xét chung của giám khảo trong kỳ chấm vừa rồi, những bài làm tốt là những bài viết dài hơn yêu cầu của các câu hỏi này. Tuy nhiên, các em bị mất điểm, và bị đánh đồng điểm với những thí sinh làm bài chưa thật tốt nhưng đáp ứng được yêu cầu giới hạn độ dài. Vì vậy, tính phân loại thí sinh không cao của đề thi môn văn vừa rồi một phần lớn nằm ở điểm này.

Trần Ngọc Tuấn (GV THPT tại TP.HCM)

 

“Kéo” HS về với môn sử

Theo chúng tôi, việc ra cấu trúc đề thi của một môn học nào trước hết cần phải nắm được đặc trưng, bản chất của môn học ấy. Ví dụ, so sánh môn sử với môn văn ta thấy bản chất có khác nhau. Nếu môn văn là: Đọc hiểu - cảm nhận - viết; thì môn sử phải là: Nhớ - tái hiện - bình luận. Nên chăng Bộ GD-ĐT cần thay đổi cấu trúc đề thi môn sử theo cấu trúc như sau: Phần 1 (trắc nghiệm/nhớ) - 4 điểm; phần 2 (viết/tái hiện) - 3 điểm; phần 3 (viết/bàn luận: Ý kiến cá nhân, dạng câu hỏi mở về một sự kiện lịch sử...) - 3 điểm. Cách ra đề này phù hợp với quan điểm đổi mới mà chủ trương của Bộ GD-ĐT đã đưa ra: Giảm thiểu tối đa cách ra đề thi theo yêu cầu tái hiện kiến thức. Phần bàn luận chú ý đến dạng đề mở để kiểm tra thái độ, đánh giá quan điểm, chính kiến của thí sinh về nhân vật, sự kiện, biến cố lịch sử... Có như thế mới hy vọng kéo HS về với việc học và thi môn sử.

Đáp án chung chung dẫn đến thiếu công bằng

Ý kiến của nhiều giám khảo trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua đều cho rằng đáp án quá chung chung. Điều này dễ dẫn đến lệch điểm giữa các giám khảo, giữa các hội đồng chấm và sẽ thiếu công bằng cho thí sinh. Ngoài câu 4 và 8 ở phần đọc hiểu như đã nói trên, thì còn nhiều câu chưa ổn. Chẳng hạn đối với những câu hỏi nhận biết, Bộ GD-ĐT phải có hướng dẫn rõ ràng dứt khoát cách chấm đúng/sai; lượng định các phương án trả lời để yêu cầu cho điểm thống nhất toàn quốc. Chứ không để cho mỗi hội đồng chấm có một cách thống nhất chấm riêng. Chẳng hạn với câu xác định thể thơ (câu 1/phần đọc hiểu) nhiều hội đồng chỉ chấp nhận cho điểm khi thí sinh trả lời đúng một phương án duy nhất, nhưng cũng có hội đồng chấm “du di” cho điểm tuyệt đối nếu thí sinh liệt kê may rủi ra 2-3 phương án (thậm chí 4) mà trong đó chỉ có 1 phương án trả lời đúng...