Thứ bảy, 30/12/2017, 21h23

Điều chỉnh độ tuổi điều khiển xe gắn máy đối với học sinh: Là việc cần thiết!

Thông tin từ Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong năm 2018 (Năm ATGT cho trẻ em), một số quy định về ATGT có liên quan đến học sinh sẽ được nghiên cứu để có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Trong đó có vấn đề điều chỉnh độ tuổi học sinh đi xe máy, hoặc xem xét quy định về chứng chỉ điều khiển phương tiện an toàn đối với xe đạp điện hoặc xe máy điện.

Việc khuyến khích học sinh học lái xe, học luật giao thông, thi bằng lái xe sẽ tốt hơn là khi cấm chạy xe máy nhưng các em vẫn chạy

Đề xuất nghiên cứu trong năm 2018

Theo Điều 60 trong Luật Giao thông đường bộ quy định độ tuổi của người lái xe cụ thể như sau: “Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự như xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500kg, xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi”. Như vậy, theo quy định của pháp luật, người từ đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3, và người từ đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên. Tại Điều 58 quy định điều kiện của người lái xe tham gia giao thông là phải đủ độ tuổi, sức khỏe quy định, có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Điều 21 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP về xử phạt các hành vi vi phạm có quy định: Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô; Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên.

Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế cho thấy, trẻ em và thiếu niên hiện nay có sự phát triển về thể lực tốt hơn so với trước đây, nên có đề xuất cho rằng cần nghiên cứu, nếu thấy đủ điều kiện thì có thể cho học sinh từ 16 tuổi điều khiển và học thi giấy phép lái xe gắn máy trên 50cm3. Trong khuôn khổ của năm ATGT 2018 với chủ đề “Năm ATGT cho trẻ em”, Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến ATGT cho trẻ em và thiếu niên, thông qua việc cụ thể hóa trong quá trình sửa đổi Luật Giao thông đường bộ trong thời gian sắp tới. Theo đó, lực lượng chức năng sẽ đưa ra đề xuất điều chỉnh độ tuổi điều khiển xe máy đối với học sinh; đồng thời xem xét quy định xe đạp điện, xe máy điện là xe cơ giới và học sinh phải có chứng chỉ điều khiển phương tiện an toàn (giấy phép lái xe) đối với hai loại phương tiện này. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng hoàn thiện chế tài xử phạt đối với những trường hợp thiếu niên đủ điều kiện bị xử phạt. Trong trường hợp học sinh vi phạm, thì cả người giám hộ cũng bị xử phạt với mức phạt cao gấp đôi mức phạt so với thiếu niên.

Căn cứ từ tình hình thực tế

Theo bà Phạm Thị Mỹ Linh, một phụ huynh có con gái theo học ở Trường THPT Trần Văn Giàu (quận Bình Thạnh) cho biết, bà rất ủng hộ đề xuất điều chỉnh độ tuổi cho học sinh đi xe máy. Bà Linh đặt giả thiết: “Nếu học sinh được đào tạo về kỹ năng điều khiển xe máy, được thi giấy phép lái xe thì đây đúng là tin mừng cho phụ huynh. Vì thực tế rất nhiều người không có điều kiện đưa đón con đến trường, nhưng chẳng đặng đừng phải để con đi xe máy cũng không an tâm vì vừa lo con phạm luật vừa lo tay lái còn non yếu dễ có nguy cơ gây tai nạn. Trong khi đó trường nào cũng cấm học sinh đi xe máy mà thực tế thì tình trạng này vẫn xảy ra với nhiều cách đối phó khác nhau”. Ngay như câu chuyện của gia đình mình, bà Linh cho biết sau hai năm con gái phải dắt bộ nhiều lần vì chiếc xe đạp điện hư lên hư xuống, nhất là khi trời mưa, nên trong suốt năm lớp 12 bà phải thuê xe ôm đưa con đi học, chấp nhận mỗi tháng tốn hết 1.400.000đ chi phí đưa đón, vì vợ chồng bà phải đi làm từ 5g30 sáng nên không thể đưa con đến trường. Trong khi cháu gái bà đã “làm chủ” chiếc Vision từ năm lớp 10 với chiêu thức “lúc nào cũng bịt kín khi đi học, gửi bãi giữ xe gần trường nên chưa bị phát hiện lần nào”.

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hiệp (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia) lưu ý, cơ quan quản lý gồm CSGT, nhà trường, xã hội đều đã sử dụng nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn người dưới 16 tuổi đi xe máy. Tuy nhiên tình trạng thiếu niên, học sinh chưa đủ 16 tuổi đi xe máy đến trường vẫn đang diễn ra. Với kiểu “ngụy trang” như không mặc đồng phục khi lái xe máy trên đường, khi đó CSGT không thể tùy tiện chặn xe lại để kiểm tra xem em đã đủ tuổi hay chưa. Khi gần đến trường học, các em lại gửi xe ở bãi giữ xe gần trường, thay đồng phục rồi vào lớp thì nhà trường cũng không thể kiểm soát nổi. Thực tế đó ai cũng thấy, và khi không kiểm soát được, nên chăng chúng ta cần có nghiên cứu để điều chỉnh cho phù hợp.

Theo chuyên gia giao thông - Tiến sĩ Chu Công Minh, người đã thực hiện dự án “Nghiên cứu đánh giá về tình hình tham gia giao thông của học sinh trung học phổ thông tại Hà Nội” cho biết, TNGT liên quan đến lứa tuổi học sinh đa phần là do kỹ năng điều khiển xe máy của các em còn yếu, do chưa được đào tạo, hướng dẫn đầy đủ. Qua đó cho thấy việc giáo dục ATGT trong nhà trường còn ít, nội dung và thời lượng chỉ bằng 1/3 so với Nhật Bản và chỉ tập trung dạy lý thuyết về nguyên tắc tham gia giao thông, nhận biết biển báo, đèn tín hiệu giao thông… Do đó, việc giáo dục ATGT trong trường học cần thêm nội dung trực quan và cho học sinh thực hành kỹ năng điều khiển xe máy mới có thể giúp các em tham gia giao thông an toàn trong tình hình mới.

Bài, ảnh: Vũ Phương