Thứ tư, 21/10/2015, 15h59

Điều chỉnh giá dịch vụ y tế: Người bệnh có “bệnh” theo viện phí?

Khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, người tham gia BHYT sẽ có lợi nhiều hơn

Dự kiến cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12, các bệnh viện (BV) cùng hạng trên toàn quốc sẽ áp dụng thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB). Mức giá này có bổ sung chi phí trả phụ cấp đặc thù (bao gồm phụ cấp thường trực 24/24 giờ, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật) và tiền lương. Đó là những thông tin được ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế - cung cấp cho báo chí tại TP.HCM ngày 19-10.

1.800 dịch vụ sẽ được điều chỉnh giá

Theo ông Liên, hiện Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam đang dự thảo Thông tư liên bộ quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các BV cùng hạng trên toàn quốc. Theo đó sẽ có khoảng 1.800 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá, bao gồm: Giá khám bệnh (theo hạng BV); giá ngày giường bệnh (theo hạng BV và chuyên khoa); giá các dịch vụ kỹ thuật (áp dụng chung cho tất cả các hạng BV).

Lý giải về việc phải điều chỉnh lại viện phí, ông Liên cho biết: “Giá dịch vụ y tế tính đúng, tính đủ thì phải bao gồm 7 yếu tố chi phí: (1) Thuốc, vật tư trực tiếp; (2) Điện, nước, xử lý chất thải; (3) Duy tu, bảo dưỡng tài sản; (4) Tiền lương, phụ cấp; (5) Sửa chữa lớn tài sản cố định; (6) Khấu hao tài sản; (7) Chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Nhưng hiện nay giá một số dịch vụ y tế quy định tại Thông tư liên bộ số 03/2006 mới tính một phần các chi phí trực tiếp, giá một số dịch vụ theo Thông tư liên tịch số 04/2012 (được tính 3/7 yếu tố trực tiếp, gồm các yếu tố 1, 2, 3). Trên thực tế, sau 3 năm điều chỉnh giá dịch vụ y tế, hầu hết các địa phương mới chỉ điều chỉnh ở mức 60-80% của 3 yếu tố”.

Với lần điều chỉnh này (cộng chi phí trực tiếp và tiền lương của đội ngũ y, bác sĩ), viện phí mới sẽ tăng khoảng 20-30% so với giá hiện hành. Cụ thể, mức giá khám bệnh đối với BV hạng đặc biệt và hạng I dự kiến 40 ngàn đồng/lượt, hạng II - 39 ngàn đồng, hạng III - 34 ngàn đồng và hạng IV - 31 ngàn đồng. Trong khi mức thu hiện nay là 20 ngàn đồng/lượt (BV hạng đặc biệt, hạng I), 15 ngàn đồng (BV hạng II), 10 ngàn đồng (BV hạng III) và 7 ngàn đồng (BV hạng IV). Không chỉ có vậy, với mỗi phẫu thuật loại đặc biệt phải “cõng” thêm khoảng 1,5 triệu đồng phụ cấp và 980 ngàn đồng tiền lương cho một ê-kíp mổ từ 6-8 người.

Người tham gia BHYT được hưởng lợi

GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - khẳng định: “Bệnh tật là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nghèo đói, do mất sức lao động, ảnh hưởng đến mưu sinh; do chi phí KCB cao, nhất là bệnh hiểm nghèo”.

Chính vì vậy, việc các BV công lập đồng loạt áp dụng viện phí mới sẽ khiến cho người bệnh “bệnh” thêm. Tuy nhiên, ông Liên trấn an: “Trước mắt chỉ áp dụng cho người có thẻ BHYT, để cơ quan BHYT thanh toán cho BV. Đối với người không có thẻ BHYT, tạm thời áp dụng mức giá hiện nay đang thực hiện nên không bị ảnh hưởng”.

Song, ông Liên cũng cho biết thêm: “Theo lộ trình, trong năm 2016, liên bộ sẽ xem xét, hướng dẫn việc thực hiện đối với người không có thẻ BHYT”.

Theo lộ trình, từ năm 2016, viện phí tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp; năm 2018 tính đủ chi phí lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý; năm 2020 tính đủ chi phí lương, chi phí trực tiếp, quản lý và khấu hao tài sản.

Với điều chỉnh này, quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối đến hết năm 2017. Song, từ năm 2018 sẽ xem xét điều chỉnh mức đóng phù hợp (Luật quy định tối đa 6%, nhưng hiện nay chỉ đóng 4,5% lương).

Để không rơi vào tình cảnh nghèo đói khi mắc bệnh, người dân không còn cách nào khác là phải tham gia BHYT. Nhưng điều đáng nói là hiện nay vẫn còn gần 30% người dân chưa tham gia BHYT, tập trung chủ yếu các đối tượng cận nghèo, thu nhập thấp, nông dân... Với những người này không có bệnh đã khó khăn rồi, nếu bệnh cộng thêm viện phí tăng thì rất dễ tái nghèo và rơi vào tình cảnh nghèo. Về vấn đề này, ông Liên cho rằng: Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các tỉnh sử dụng ngân sách địa phương, các nguồn vốn khác và Bộ Y tế cũng đã huy động một số dự án ODA để hỗ trợ cho người cận nghèo, phấn đấu đạt 100% số người cận nghèo tham gia BHYT (hiện nay mới chỉ có 40% người cận nghèo có thẻ BHYT).

Với những người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội (khoảng 23,7 triệu người) có thẻ BHYT (ngân sách mua) chỉ có lợi, không phải chi trả thêm một số chi phí mà trước đây chưa kết cấu vào giá. Đối với hộ cận nghèo có thẻ BHYT, khi KCB được BHYT thanh toán 95% chi phí, chỉ phải đồng chi trả 5% (trước ngày 31-12-2014) chỉ được hưởng 80%, đồng chi trả 20%) nên dù viện phí tăng thì mức độ tác động cũng không nhiều.

Riêng các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí KCB BHYT thì có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều vì nếu chưa tính đủ giá, người bệnh phải trả thêm một số khoản chi phí, nay được tính đủ thì sẽ không phải trả thêm các chi phí này. “Mặt khác, từ ngày 1-1-2015, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi KCB đúng tuyến, nếu số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở” - ông Liên nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Hòa Triều

Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cho biết: Giá dịch vụ tính đủ chi phí, trong đó có tiền lương sẽ làm thay đổi nhận thức của cán bộ y tế, BV phải phục vụ tốt thì mới có nguồn thu để trả lương và thu nhập cho cán bộ. Các BV cũng có điều kiện mua các loại thuốc, vật tư, hóa chất, test, kit xét nghiệm với chất lượng cao hơn, làm tăng chất lượng của dịch vụ y tế...