Thứ năm, 16/3/2017, 20h49

Điều trị bệnh ở phòng khám Trung Quốc: “Ném tiền qua cửa sổ”

Dù cơ sở vật chất khá khang trang, sạch sẽ nhưng bước chân vào các phòng khám Trung Quốc (PKTQ), không ít bệnh nhân cảm thấy ớn lạnh, muốn “bỏ của chạy lấy người” vì chiêu hù dọa, “vẽ bệnh” của bác sĩ, giá cả thì kỳ kèo bớt một thêm hai như ở chợ…

Bệnh nhân ngồi chờ đăng ký khám bệnh tại Phòng khám đa khoa 3-2. Ảnh: H.X

Trả giá… như mua rau ở chợ

Dạo quanh một vài PKTQ, ấn tượng đầu tiên của tôi là thủ tục nhanh chóng, gọn lẹ, thậm chí chưa kịp đóng tiền cũng được ghi sổ, thăm khám và điều trị ngay.

Sáng 16-3, trong vai người bệnh, tôi có mặt tại Phòng khám đa khoa 3-2 (Q.11). Tại đây tôi được khám miễn phí (bình thường tiền khám là 100 ngàn đồng) vì điền thông tin là… có người giới thiệu. Sau khi điền thông tin sơ sài như tên, tuổi, địa chỉ (chỉ cần ghi quận), tôi được đưa lên phòng khám. Tại đây có một bác sĩ người nước ngoài, một nhân viên phiên dịch và một y tá đang chờ sẵn. Sau khi trình bày bệnh lý kinh nguyệt không đều, thường đau bụng, nhân viên phiên dịch tự trả lời bệnh nhân thay cho bác sĩ. Cụ thể, nhân viên này cho rằng tôi cần phải thăm khám thật kỹ, phải làm siêu âm, khám phụ khoa, soi cổ tử cung… với số tiền điều trị là 850 ngàn đồng. Tuy nhiên, khi thấy tôi phân vân về chuyện tiền bạc, nhân viên này lập tức giảm xuống còn 430 ngàn đồng và kêu tôi phải đóng ngay tại phòng khám. Lấy lý do muốn có thêm thời gian suy nghĩ, tôi ra ngoài ngồi. Lúc này, cạnh tôi là một bệnh nhân nữ. Qua trò chuyện, bệnh nhân này cho biết là có cảm giác bất an, ớn lạnh và khuyên tôi chưa đóng tiền thì nên qua chỗ khác khám.

Sáng cùng ngày, cũng vào vai bệnh nhân, tôi đến Phòng khám đa khoa Elizabeth (nằm trên đường Thành Thái, Q.10). Tại đây, tôi trình bày là bệnh… khó nói. Ngay lập tức tôi được yêu cầu đóng 50 ngàn đồng tiền khám (không hóa đơn) và đưa lên phòng khám. Tại đây, tôi được một bác sĩ người Hoa, một nhân viên phiên dịch và một y tá đón tiếp rất nhiệt tình. Sau khi tôi trình bày qua loa về tình trạng sức khỏe của mình, vị bác sĩ người Hoa lập tức siêu âm và kiểm tra cho bệnh nhân. Rồi người này khẳng định như “đinh đóng cột” rằng các triệu chứng mà tôi vừa bịa ra là có thật. Tiếp đến, người này tư vấn tôi cần làm thêm một số xét nghiệm. Khi tôi hỏi chi phí điều trị như thế nào, nhân viên phiên dịch trả lời: “Nãy giờ chị làm siêu âm, kiểm tra hết 600 ngàn đồng, nếu tiếp tục kiểm tra các khoản còn lại chắc hết khoảng 1 triệu”. Sau đó, vị bác sĩ này còn “dọa” tôi phải kiểm tra kỹ vì có nguy cơ mắc bệnh lý nghiêm trọng, đặc biệt là vấn đề liên quan đến tử cung, sau này có thể không sinh được con… Lúc đó tôi đã nghĩ, nếu thật sự mình là một bệnh nhân yếu bóng vía khi nghe bác sĩ phán như vậy thì ngay và luôn sẽ thực hiện hết các khâu kiểm tra mà bác sĩ yêu cầu. 

Khi tôi chuẩn bị về và quyết định không đóng 600 ngàn đồng vì quá phi lý, bác sĩ và bệnh nhân ở đây thống nhất chỉ trả tiền siêu âm với mức giá 200 ngàn đồng.

Cứ kiểm tra là phát hiện sai phạm

Thực tế, qua các đơn phản ánh của bệnh nhân, Sở Y tế TP.HCM đã nhiều lần kiểm tra các PKTQ và ghi nhận có nhiều sai phạm. Tháng trước, Sở Y tế đã kiểm tra phòng khám Baylor (đường Tô Hiến Thành, Q.10) và phát hiện những nhân sự người Trung Quốc làm việc ở đây không có giấy phép, nhà thuốc cũng chưa được cấp phép. Tuy nhiên, do chủ đầu tư không hợp tác đầy đủ nên hơn 10 ngày sau thanh tra mới lập được biên bản và đề xuất xử phạt hành chính 120 triệu đồng.

Tại một cuộc họp gần đây của Sở Y tế TP.HCM, TS.BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết, TP hiện có khoảng 13.000 cơ sở y tế, trong đó có 16 phòng khám có yếu tố Trung Quốc. Riêng năm 2016, Thanh tra Sở Y tế đã xử lý các sai phạm và xử phạt 10 tỷ đồng, trong đó PKTQ bị phạt 1 tỷ đồng.

Cũng theo ông Trạng, trong 250 phòng khám đa khoa đang hoạt động trên địa bàn TP, phản ánh của bệnh nhân chủ yếu là ở PKTQ. Sai phạm thường là quảng cáo không phép trên phương tiện truyền thông, lập sổ khám bệnh, ghi chép sổ khám bệnh không đúng quy định, không ghi địa chỉ người bệnh, sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề để khám bệnh… Đặc biệt, các phòng khám này thường thu giá khám bệnh khá cao và không công khai giá dịch vụ rõ ràng cho người bệnh.

Một trong những vấn đề khiến các phòng khám này đã nhiều lần được phản ánh trên các phương tiện thông tin truyền thông nhưng vẫn thu hút người bệnh đến khám là do phòng khám thường quảng cáo những bệnh... khó nói. Chẳng hạn như hai phòng khám đa khoa được phản ánh ở trên, chỉ cần lên mạng sẽ nhận được một lốc quảng cáo như chuyên trị bệnh nam khoa, phụ khoa, bệnh xã hội, phá thai an toàn, cắt bao quy đầu…

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 3 HĐND TP vào tháng 12-2016, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP nêu thực tế ở PKTQ: Người dân dễ tin vào quảng cáo, cứ thích đến phòng khám mặc dù chi phí cao. Thanh tra Sở Y tế đã nhiều lần kiểm tra các PKTQ nhưng chế tài còn thấp, sau khi phạt lại đến nơi khác hành nghề…

Từ thực tế này, hơn ai hết chính người dân phải biết tự bảo vệ sức khỏe của mình, không nên nghe những lời đường mật của các PKTQ dễ rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”...

Hà Xuyên