Thứ ba, 10/7/2018, 20h41

Dinh dưỡng cho tuyến tụy

Với chức năng sản xuất và bài tiết dịch tụy chứa các men tiêu hóa, tiết vào trong máu các nội tiết tố, tuyến tụy có một vai trò quan trọng trong nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn cho cơ thể. Nếu không được quan tâm về khâu dinh dưỡng, các bệnh lý về tuyến tụy rất khó hồi phục trong quá trình điều trị lâu dài.

Các loại rau củ có lợi cho người bệnh tuyến tụy

Theo BS Trần Hà Hiếu - Khoa Nội Tiêu hóa (BV Quân y 175 TP.HCM), các bệnh lý về tuyến tụy ngoài điều trị nội khoa và ngoại khoa, người bệnh cần có chế độ ăn uống khoa học với các loại thực phẩm phù hợp để có sức đề kháng vượt qua bệnh tật.

Cảnh giác với bệnh lý từ tuyến tụy

Với chức năng ngoại tiết, tụy (còn gọi là lá mía) là cơ quan sau phúc mạc nằm sau dạ dày sát thành sau của ổ bụng làm nhiệm vụ sản xuất và bài tiết các dịch tụy chứa men tiêu hóa hay enzyme tiêu hóa. Bên cạnh đó sản xuất và tiết vào trong máu các nội tiết tố hay hormon là chức năng nội tiết của tuyến tụy. Theo y văn, thông thường để đảm bảo cấu trúc cũng như chức năng ngoại tiết bình thường của tụy thì các men được tiết ra dưới dạng tiền chất, nghĩa là chưa có khả năng tiêu hủy protein và mỡ. Tuy nhiên vì một lý do nào đó như do sự ứ trệ, nhiễm trùng, chấn thương..., các men này lại được hoạt hóa ngay trong lòng tụy gây nên sự tự tiêu hủy tụy. Trên lâm sàng có thể gặp tình trạng viêm tụy cấp do sỏi, do giun chui ống mật - tụy... Nếu tụy nội tiết có trục trặc trong việc tiết ra hormon thì sẽ gây ra tình trạng rối loạn trao đổi gluxit, làm tăng đường huyết dẫn đến bệnh đái tháo đường. Nếu lượng mỡ đưa về gan không được tuyến tụy ôxy hóa sẽ tích tụ mỡ gây bệnh gan nhiễm mỡ. Nhưng bệnh lý về tuyến tụy không chỉ dừng lại ở đó mà có thể ở mức độ nặng hơn như viêm tụy (viêm tụy cấp và viêm tụy mạn) u lành tính, ung thư tuyến tụy. Nếu ở mức độ nhẹ thì xơ nang tụy, nang giả tụy hay giun chui vào ống tụy...

Tuyến tụy giúp cơ thể hấp thu tối đa các chất dinh dưỡng từ thực phẩm từ người ăn. Thực tế cho thấy tuyến tụy làm việc không đúng cách có thể dẫn tới sự thiếu hụt vitamin. Vì thế, bệnh nhân cần lựa chọn các thực phẩm cần thiết để bổ sung các loại vitamin tổng hợp và có thể uống vitamin khi cần thiết theo ý kiến tham khảo của chuyên gia dinh dưỡng hay BS.

Ăn đúng cách và đúng thực phẩm

BS Trần Hà Hiếu cho biết, các loại thực phẩm bổ sung dinh dưỡng bao gồm nước trái cây, các chế phẩm từ sữa, sữa chua và các loại súp. Có thể có nhiều loại thực phẩm không phù hợp với tiêu hóa của người bệnh, nhưng bệnh nhân nên thử để tìm thấy thực phẩm phù hợp. Nếu bệnh nhân không cảm thấy ngon miệng, hoặc chỉ ăn được một lượng nhỏ thức ăn sẽ dẫn tới tình trạng giảm cân. Bởi thế thay vì theo chế độ ăn truyền thống ngày 3 bữa như người bình thường, bệnh nhân có thể chia làm nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày để giảm lượng thực phẩm cho mỗi lần ăn. Tốt nhất nên chuẩn bị những đồ ăn nhẹ bổ dưỡng dễ tiêu hóa và bất cứ khi nào muốn ăn, bạn có thể ăn. Nếu bệnh nhân đang gặp vấn đề với tiêu chảy sau khi phẫu thuật tuyến tụy, thì vấn đề khó khăn nhất là tiêu hóa chất béo. Trong trường hợp này, chúng ta cần tránh các loại thực phẩm chất xơ cao như ngũ cốc và trái cây sấy khô. Nếu triệu chứng tiêu chảy quá nặng, bạn cần thông báo với BS để dùng thuốc kiểm soát.

Ăn các loại thực phẩm phù hợp có thể chữa lành và nuôi dưỡng tuyến tụy, giúp tránh viêm tụy và các bệnh lý tụy khác. Vì thế người bệnh nên biết những loại thực phẩm nào thật sự có lợi cho tuyến tụy. Trước hết là các loại rau xanh như cải bó xôi, bông cải xanh còn gọi là súp lơ. Các loại cải xanh đặc biệt là bông cải có hàm lượng cao các hợp chất chứa lưu huỳnh, giúp giải độc cho các cơ quan trong cơ thể (bao gồm cả tuyến tụy) và giảm nguy cơ ung thư tuyến tụy. Hợp chất apigenin flavonoid trong bông cải xanh cũng có khả năng bảo vệ các mô trong cơ quan này. Các loại nấm như nấm mỡ, nấm đùi gà, nấm hương, nấm mèo đều có chứa các hợp chất chống viêm mạnh mẽ, có thể làm giảm viêm và sưng quanh tụy và do đó giảm nguy cơ phát triển viêm tụy. Hàm lượng selenium, chất xơ, kali và vitamin D cao trong nấm cũng giúp tăng cường sức khỏe của tuyến tụy. Đây là một trong những nguồn tốt nhất của resveratrol, hợp chất chống ôxy hóa mạnh mẽ, có thể bảo vệ các mô của tuyến tụy khỏi thiệt hại do gốc tự do và làm giảm nguy cơ viêm tụy hay ung thư tuyến tụy. Các loại khoai đặc biệt là khoai lang nhuận tràng vì có chứa beta-carotene, chất chống ôxy hóa mạnh mẽ và có tác dụng tích cực với tuyến tụy. Cà chua được các chuyên gia dinh dưỡng coi là nguồn tuyệt vời của lycopene và vitamin C, cà chua giúp duy trì sức khỏe tuyến tụy. Bên cạnh đó tỏi  là một loại gia vị quý có chức năng làm giảm lượng đường trong máu và kích thích tuyến tụy sản xuất đủ lượng insulin. Tỏi cũng chứa nồng độ cao lưu huỳnh, selen, arginine, oligosaccharide và flavonoid, giúp bảo vệ và tăng cường chức năng tuyến tụy. Ngoài ra sữa chua hay yaourt giúp bổ sung các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, giúp cải thiện tiêu hóa khỏe mạnh và tăng cường sức khỏe tụy. Theo BS Hiếu, một loại thảo dược khác cũng có tác dụng giải độc gan thông mật là cây bồ công anh. Đây được coi là vị thuốc nam có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ chữa các bệnh lý về tụy.  “Tuy nhiên về chế độ ăn dù được chia làm nhiều bữa nhỏ nhưng bệnh nhân không nên có thói quen ăn khuya sau 19 giờ vì ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe trong đó có cường độ làm việc của dạ dày và tuyến tụy” - BS Hiếu khuyên.

Bài, ảnh: Phương Đăng