Thứ tư, 14/12/2011, 11h12

Đìu hiu... trường nghề

 

Máy móc, trang thiết bị cũ kỹ cũng là một trong những nguyên nhân học sinh không “mặn” với trường nghề. Ảnh: V.M

 

Hàng loạt trường cao đẳng nghề (CĐN), trung cấp nghề (TCN) tại TP.HCM không tuyển sinh được, dù TP.HCM là địa phương có lợi thế rất lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho mình.
Không tìm ra… học viên
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó hiệu trưởng Trường CĐN CNTT iSPACE cho biết: Mỗi năm trường ra chỉ tiêu tuyển sinh khoảng hơn 1.000 sinh viên nhưng tình trạng thiếu đầu vào luôn phổ biến. Mùa tuyển sinh vừa qua, trường có chỉ tiêu tuyển 1.000 sinh viên, nhưng chỉ tuyển được vài trăm hồ sơ. Với lượng hồ sơ ít ỏi như vậy, trường không thể tuyển được như chỉ tiêu dự kiến. Dù thế mạnh của trường là ngành CNTT, nhưng ngành vẫn tuyển không bao giờ đủ.
Cũng nằm trong hoàn cảnh khan hiếm học viên là Trường TCN Khôi Việt, năm 2011 chỉ tiêu tuyển sinh được Sở Lao động - Thương binh - Xã hội cho là 400, nhưng chỉ 80 hồ sơ nộp đến trường. Trao đổi với phóng viên, ông Hà Kim Vọng, Hiệu trưởng Trường TCN Khôi Việt cho biết chưa có năm nào lại tuyển sinh khó khăn đến thế, chúng tôi làm nhiều cách để quảng bá hình ảnh của trường, nhưng vẫn không tuyển được.
Lý giải tình trạng này, ông Hà Kim Vọng nói: “Sở dĩ xảy ra tình trạng “đói” học viên vì thực chất trường CĐN, TCN nói chung vẫn chưa thu hút được sinh viên đăng ký vào. Mang tiếng là hệ CĐ nhưng nặng về chữ “nghề” hơn nên nhiều học sinh không mặn mà với trường. Theo tôi, trường nào có dính vào chữ “nghề” là học sinh tỏ ra không thích, họ chỉ thích đi tìm những trường CĐ ngoài hệ thống trường nghề. Thậm chí, học nghề cũng khiến cho nhiều học sinh bị “mặc cảm” vì khi đi xin việc bị các doanh nghiệp chê là yếu kỹ năng này nọ và bắt buộc phải đào tạo lại! Như trường chúng tôi, trang thiết bị cực tốt những vẫn tuyển không được, rồi làm mọi cách mà vẫn không có người học”.
Còn theo lý giải của ông Nguyễn Hoàng Anh thì các trường nghề nói riêng, trường CĐ - ĐH nói chung mở ra rầm rộ, nên học sinh có nhiều sự lựa chọn hơn. Hơn nữa, vừa qua Bộ GD-ĐT đã lấy điểm sàn quá thấp nên các trường CĐN hay TCN “ế” là chuyện đương nhiên.
Tương tự, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Quan hệ và tuyển sinh, Trường TC Tổng hợp Đông Nam Á thì cho rằng, trường nghề tuyển sinh không được là do tâm lý các em còn có sự phân biệt giữa bằng chuyên nghiệp và bằng nghề. Ngoài ra, vấn đề chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất của nhiều trường nghề vẫn chưa đủ tin tưởng để cho các học sinh nộp hồ sơ vào học. “Nhiều học sinh cũng chưa hiểu hết được lợi ích của việc học nghề. Các em cứ nghĩ rằng nhiều sinh viên trường ĐH, CĐ chính quy còn thất nghiệp huống chi là trường nghề. Trong khi nhu cầu nhân lực của các công ty, doanh nghiệp hiện nay là rất lớn, có khi sinh viên trường nghề còn có cơ hội việc làm cao hơn nhiều so với các sinh viên chính quy khác”, ông Dũng nói.
Doanh nghiệp “loay hoay” tìm lao động

Học nghề sẽ rất dễ có việc làm nhưng học sinh vẫn “chê” trường nghề. Ảnh: T.L

Nghịch lý là trong những năm gần đây, dù không tuyển sinh được nhưng các trường CĐN và TCN cứ thi nhau “mọc lên như nấm sau mưa”. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp tìm đỏ mắt cũng không đủ lao động qua đào tạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ông Lê Phú Hưng, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt Nam thừa nhận: “Nhiều công ty thành viên đang báo cáo lên tổng công ty là thiếu công nhân mà không tuyển ở đâu được. Cứ đến thời điểm cuối năm học, chúng tôi lại tìm về các trường nghề tìm công nhân được đào tạo cơ bản để tuyển dụng. Nhưng thật ra, để tìm được số lượng công nhân làm được việc ngay quả là khó như mò kim đáy bể”. Ông Hưng khuyên các em phải luôn xác định cho mình một hướng đi, nếu không vào được các trường CĐ, ĐH thì con đường vào trường nghề là một bước đi đúng đắn. Ở Công ty Thép Việt Nam nhiều công nhân lương rất cao từ 7-10 triệu đồng, nên tôi khuyên các em đừng chê các trường đào tạo nghề.
Tương tự, ông Nguyễn Đăng Trình,  Giám đốc Công ty Xây dựng Hưng Thịnh cho biết: Công ty chúng tôi luôn tìm đến những trường CĐN, TCN để tìm các nguồn lao động có tay nghề cho công ty, nhưng tìm “đỏ mắt” cũng không thể tìm ra, mặc dù lương ở công ty cũng khá cao. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TP.HCM cho biết: Trong thời gian tới, thị trường lao động TP.HCM vẫn tiếp tục biến động. Đồng thời có sự dịch chuyển giữa lao động có tay nghề và lao động phổ thông. Để giảm bớt những nghịch lý về cung - cầu lao động, các trường nghề cũng cần đẩy mạnh tư vấn, hướng nghiệp cho người học chọn những nghề mà xã hội cần chứ không phải đào tạo những nghề mình có, đồng thời nắm bắt đúng nhu cầu của các nhà tuyển dụng hiện nay.
An Lộc