Thứ ba, 14/4/2009, 14h04

"Đọ sức" vào lớp 1

Đo trắc nghiệm tâm lý, kiểm tra kỹ năng giao tiếp, khả năng ngoại ngữ, đảm bảo sức khỏe loại A, cân nặng 19-20kg trở lên... là những yêu cầu khá "gắt gao" của một số trường ngoài công lập khi lựa chọn đầu vào lớp 1.

20 kg mới đạt chuẩn 
HS Trường Tiểu học dân lập Lý Thái Tổ, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Ảnh: Bích Ngọc
Do không có thời gian đưa đón nên chị Vân Thanh, quận Long Biên, Hà Nội đã xác định cho con vào Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Nhưng nghe nói trường yêu cầu HS phải kiểm tra đầu vào, đủ điểm mới được theo học nên chị Thanh cũng rất lo lắng.
Còn khoảng 3 tháng nữa đến kỳ thi, chị Thanh đã cho con đến trường để tham gia lớp "tiền lớp 1".
Trường mở lớp từ đầu tháng 3 và hiện đã có 28 lớp, mỗi lớp hơn 30 HS. Chị Thanh cho biết, một tuần có một ngày thứ 7, HS đến học tập và làm quen với môi trường mới. Tùy nhu cầu của phụ huynh, có thể cho trẻ học 1 hoặc 2, 3 tháng, không bắt buộc. Học phí mỗi tháng là 450.000 đồng.
Một trường dân lập khác ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính thì điều kiện đầu tiên cho trẻ vào lớp 1 là phải nặng từ 20kg trở lên.
Con chị Vân Anh, quận Đống Đa sinh giữa năm Quý Mùi nhưng đến giờ mới được 18 kg. Còn vài tháng nữa để chị "vỗ béo" cho con mà không biết có đạt được yêu cầu.
Ở một khu vực khác của thành phố, Trường Tiểu học dân lập Nguyễn Siêu, quận Ba Đình lại có cách kiểm tra đầu vào riêng.
Trước khi vào trường, trẻ phải tham gia khám sức khỏe, giao lưu giữa cô và trò, giáo viên nước ngoài kiểm tra khả năng học tập tiếng Anh... Đại diện ban tuyển sinh của trường cho biết, HS vào trường phải đạt sức khỏe loại A (cân nặng trên 19kg), không có bệnh mãn tính và đạt yêu cầu kiểm tra theo chương trình phát triển của trẻ.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm nói rõ, nhiều năm nay, trường đều tổ chức "test" đầu vào cho HS lớp 1, kiểm tra khả năng ngôn ngữ cũng như sức khỏe của trẻ. 
Bà Nguyễn Thị Diệp, Hiệu trưởng Trường dân lập Lý Thái Tổ, quận Cầu Giấy thì cho biết, trẻ phải cân nặng tối thiểu 20kg mới được nhập học. Theo bà Diệp, ở số cân đó trẻ mới đủ thể lực để học tập tốt.
Mở mắt đi học đã... trượt
Một trong những trường có đặc thù hoàn toàn khác, không thuộc giáo dục Hà Nội nhưng cũng là "địa chỉ đỏ" của rất nhiều phụ huynh - Trường Tiểu học Thực nghiệm (Liễu Giai), thuộc Viện Khoa học Giáo dục, Bộ GD-ĐT.
Theo Hiệu trưởng Nguyễn Đình Xuân, do việc tuyển dụng không căn cứ vào địa bàn, chỉ tiêu khoảng gần 140 HS (sĩ số 30 HS/lớp) nên đầu vào cũng khá căng thẳng.
Ông Xuân nói rõ, hàng năm có 400-500 HS đến đo trắc nghiệm tâm lý để đảm bảo trẻ phát triển bình thường thì sẽ xét từ trên xuống.
Những trẻ trượt không phải do IQ thấp mà có thể là sự tự tin chưa bằng các bạn khác. Do đặc thù là trường vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu nên quy mô chỉ vừa đủ để thử nghiệm và đầu vào phải chọn lọc.
Hiện nay, trường đang giảng dạy theo 2 chương trình: nửa theo chương trình đại trà, nửa còn lại theo lý thuyết công nghệ giáo dục.
Nhiều người cho rằng, trường đào tạo "chuột bạch", nhưng ông Xuân đã giải thích, quan điểm giáo dục ở trường là theo thế mở cho HS, tự tin, kỹ năng sống tốt và sống thân thiện.
Những trường Đoàn Thị Điểm, Lý Thái Tổ, Nguyễn Siêu đều là những trường đưa chương trình tiếng Anh do người nước ngoài dạy vào từ đầu cấp nên thay vì đưa con ra trung tâm, nhiều phụ huynh đã cố gắng "chạy đua" để con thi đỗ vào trường.
Tuy nhiên, do chỉ tiêu có hạn nên nhiều HS "lơ ngơ" đi học cũng đã phải chịu... trượt vỏ chuối.
Theo bà Hiền, từ năm học đầu tiên (1993-1994), trong gần 100 HS thi vào Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, trường cũng chỉ lấy được 27 HS. Đến năm học 2008-2009,  trường nhận 510 HS trong số hơn 1.000 HS tham gia làm bài trắc nghiệm đầu vào.
Trường mở lớp "tiền lớp 1" để trẻ đến làm quen với môi trường mới và vui chơi. Thời gian thi vào trường khoảng tháng 6. Giáo viên sẽ tiếp xúc với từng HS, kiểm tra trình độ, sự hiểu biết theo đúng độ tuổi và đặc biệt là khả năng nói tiếng Anh. Sau khi biết kết quả trúng - trượt, phụ huynh vẫn dư thời gian để đưa con về đúng tuyến tuyển sinh. Bà Hiền cũng nói rõ, gia đình cho con vào đây nên chuẩn bị sẵn 2 phương án. Dự kiến năm học tới trường tuyển sinh khoảng gần 600 HS.
Cũng do chỉ tiêu hàng năm rất thấp, khoảng 120-140 HS, mỗi lớp 20-22 HS nên Trường Tiểu học dân lập Nguyễn Siêu sau khi kiểm tra đầu vào sẽ xét từ trên xuống. Năm học trước có 400 HS thi tuyển, trường lấy vào 140 chỉ tiêu. Ban tuyển sinh cho biết, năm tới, dự kiến chỉ tiêu là 120 HS.
Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, các trường công lập trên địa bàn chưa có trường nào tổ chức dạy tăng cường tiếng Anh. Một số trường dân lập và trường có chỉ tiêu hạn chế, nhưng nhu cầu của phụ huynh quá cao nên phải tổ chức những "cuộc thi" để lựa chọn đầu vào.
Bảo Anh (Vietnamnet)