Thứ ba, 21/3/2017, 21h13

Do thanh kiểm tra còn lỏng lẻo

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Hội nghị “Tổng kết công tác thanh tra y tế năm 2016, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2017” tổ chức tại TP.HCM ngày 20-3.

Đoàn thanh tra Bộ Y tế kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất bánh kẹo Bảo Khánh xã La Phù (Hà Nội). Ảnh: I.T

Năm qua, Thanh tra Y tế đã tiến hành thanh tra trên tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Y tế như khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, dược, mỹ phẩm, thiết bị y tế...

Riêng lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP), bác sĩ Vũ Sỹ Vân, Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế, cho biết: Trong năm 2016, Bộ Y tế đã triển khai 14 đoàn kiểm tra, thanh tra (3 đoàn kiểm tra, 11 đoàn thanh tra), xử phạt hơn 7 tỷ đồng, thu hồi và tiêu hủy trên 10 tấn thực phẩm chức năng, hàng hóa không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, trị giá hàng trăm triệu đồng. Cục ATTP cũng đã tổ chức thành lập 19 đoàn kiểm tra liên ngành trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, lễ hội mùa xuân, Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh ATTP, Tết Trung thu 2016 tại 39 tỉnh, thành phố đã phát hiện 89 cơ sở vi phạm với 106 hành vi vi phạm ATTP. Tổng số tiền xử phạt lên đến gần 6 tỷ đồng, thu hồi 25 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP.

Cùng với đó, tại các tỉnh, thành phố, công tác thanh tra cũng được siết chặt. Trong năm 2016, các địa phương đã thanh kiểm tra 461.218 cơ sở với tổng mức tiền phạt gần 32 tỷ đồng.

Tại hội nghị, nhiều tham luận đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong quá trình triển khai thanh tra về ATTP, trong xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực y tế.

Theo Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM Bùi Minh Trạng, trong thực tiễn, một số người hành nghề không phép sau khi được kiểm tra thì ngưng hoạt động và không đến làm việc theo thư mời nên không thể xử lý được. Ngoài ra, có hiện tượng đóng cửa nơi này lại sang nơi khác hành nghề không phép nên gây khó khăn cho công tác xử lý; một số trường hợp người hành nghề là người nước ngoài trở về nước khi vi phạm nên không thể xử lý được…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, ATTP là vấn đề nóng, gây nhiều bức xúc trong dư luận nhưng hoạt động thanh kiểm tra xử lý chưa nghiêm khiến những mặt hàng kém chất lượng vẫn lên bàn ăn. “Các địa phương như Tiền Giang, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM… nhiều cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp không đảm bảo an toàn, gây ngộ độc cho công nhân, học sinh… nhưng vẫn không xử lý triệt để nên không ít cơ sở vi phạm tái đi tái lại nhiều lần. Sai phạm đã rõ ràng, tại sao không rút giấy phép, thông báo cấm sản xuất, ngưng hoạt động mà cứ chờ xử lý?”, bà Tiến bức xúc.

Bên cạnh lĩnh vực ATTP, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận nhiều tồn tại khác trong ngành như sai phạm tại các cơ sở khám chữa bệnh có yếu tố nước ngoài, sai phạm trục lợi bảo hiểm y tế tại một số phòng khám tư nhân. Trong đó, nhiều cơ sở có “tiền sử” sai phạm thâm niên, hoạt động thanh kiểm tra phát hiện xử lý nhiều lần nhưng vẫn tái phạm, thực tế trên đang gây bức xúc trong dư luận.

Bà Tiến khẳng định, tình trạng “lờn thuốc” tại các cơ sở sai phạm là do hoạt động thanh kiểm tra còn lỏng lẻo, phát hiện, xử lý sai phạm chưa nghiêm, chưa quyết liệt. Không xử lý triệt để các sai phạm là lỗi của thanh tra y tế, không thể đổ cho lý do này hay nguyên nhân khác.

Trong năm 2017, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu thanh tra y tế phải có trách nhiệm phối hợp với thanh tra liên ngành, xử lý triệt để các sai phạm. “Tôi mong anh em thanh tra thất nghiệp, không còn phải thanh tra theo đơn thư khiếu nại, tố cáo mà chỉ tập trung thanh tra theo kế hoạch, thanh tra dự phòng”, bà Tiến nói.

Gia Nguyên