Thứ hai, 30/7/2012, 15h07

Đoàn Quang Anh Khanh: Không buồn khi người khác nói mình “điên”

Đạo diễn Đoàn Quang Anh Khanh (ảnh nhân vật cung cấp)

Đạo diễn Đoàn Quang Anh Khanh được biết đến như một nhân vật “quái chiêu” trong làng showbiz Việt. Các vụ ồn ào của anh đã làm hao tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo giới. Mấy ngày gần đây anh lại gây ra nhiều tranh cãi khi đăng bài viết của mình trên trang báo mạng Thegioisaoonline.vn với nhận định “Nhạc Trịnh có ảnh hưởng xấu đến thần kinh người nghe”. Báo Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện thẳng thắn với đạo diễn Đoàn Quang Anh Khanh.
PV: Chào Anh Khanh, vừa qua Báo Giáo Dục TP.HCM có đăng bài Ca sĩ Trầm Hương lên tiếng sau sự cố scandal, với nội dung ca sĩ Trầm Hương phủ nhận hoàn toàn thông tin mình là đồng tác giả với Đoàn Quang Anh Khanh và cho rằng anh là người tự ý gắn tên của Trầm Hương vào đứng chung đồng tác giả của bài viết?
Đoàn Quang Anh Khanh: Tôi có đọc bài báo đó và thừa nhận Trầm Hương nói đúng sự thật. Qua việc này tôi cũng sẽ rút chút kinh nghiệm cho chính bản thân, nếu sau này muốn mời ai làm điều gì thì không nên chỉ nói suông bằng miệng.
Một số fan nhạc Trịnh đã “phản pháo” kịch liệt về bài viết của anh và họ cho rằng anh quá hồ đồ khi đưa ra nhận định “Nhạc Trịnh có ảnh hưởng xấu đến thần kinh người nghe”. Anh có lời giải thích nào với độc giả Báo Giáo Dục TP.HCM?
Tôi luôn tôn trọng các phản biện, thậm chí cả những lời mắng nhiếc của họ… Bởi vì tôi là người luôn tôn trọng sự khác biệt. Tôi nghĩ, nhiều người có cái nhìn thiện cảm về nhạc Trịnh, còn tôi thì ngược lại… Tại sao tôi không có quyền phát biểu, không có quyền đưa ra nhận định của mình? Tôi thiết nghĩ, vấn đề gì có trong xã hội thì cứ để cho dư luận đa chiều tồn tại, như vậy mọi người có nhiều góc nhìn để tham khảo hơn. Không nên cào bằng, ai cũng có sở thích giống ai, không khéo sẽ trở thành một “đàn chim cánh cụt”. Còn tôi thấy nhạc Trịnh sầu lụy thì đưa ra ý kiến, ai thấy tôi nói có lý thì coi như thêm một góc nhìn nữa để tham khảo, còn ai thấy tôi nói sai thì đừng có nghe theo tôi, mà cứ nghe nhạc Trịnh tiếp đi… hạnh phúc hay khổ đau tùy mỗi người. Còn tôi thì luôn có những góc nhìn lạ như vậy và chia sẻ với mọi người, đó là chân lý sống của tôi, tôi vẫn luôn tôn trọng sự khác biệt!
Nhưng nhạc Trịnh đa phần được viết trong những năm tháng đất nước bị chiến tranh, nên có giai điệu buồn bã cũng là điều dễ hiểu?
Trên phương diện nào đó tôi đồng ý với anh. Nhưng thử nghĩ, khi mình đến một gia đình có đám ma, mình nhảy vào khóc bù lu bù loa, theo họ thì chuyện đó quá là bình thường. Còn nếu như anh đến một gia đình đang có những chuyện đau buồn như vậy, anh lại mạnh mẽ trấn an tinh thần cho họ, anh có những hành vi, cử chỉ làm họ bớt buồn và quên đi nghịch cảnh hiện tại thì có phải đó là giải pháp tối ưu không? Hay là cứ vin vào hoàn cảnh đau buồn để rồi than khóc… Tôi thấy cái tầm, cái tâm là ở chỗ đó! Mà nói thiệt với anh! Trên thế giới này, từ cổ chí kim, từ xưa đến nay không có một dân tộc hay quốc gia nào mà không có chiến tranh xảy ra cả… anh thử xem đi! Nhưng âm nhạc của họ không phải vì đó mà buồn rầu mà than vãn… Đó là cách nghĩ của tôi, có thể tôi sai cũng có khi tôi lại có lý, điều này không quan trọng. Điều quan trọng là tôi dám động não, suy nghĩ và đưa ra ý kiến của mình… Tranh cãi là để tìm ra cái nào hợp với mình hơn thế thôi!
Có người nói, anh như “người điên” thì anh có buồn không?
Buồn làm chi cho mệt, có những người không hiểu nhau là chuyện bình thường. Người mà nói tôi điên thì chắc là họ tỉnh, người thì cứ ngỡ là mình rất tỉnh nhưng hóa ra thì chưa chắc… Đôi khi các bạn cũng nên nghe thử “người điên” nói chuyện có khi hay hơn người tỉnh! Người tỉnh đôi khi nỗi lo sợ nhiều quá nên chỉ nói ra những điều người khác quy định… nghe riết cũng nhàm chán, mà nhàm chán là một thảm họa. Tranh luận về một vấn đề là điều tốt, như vậy sẽ cho ra nhiều lý lẽ và nhiều góc nhìn sinh động hơn.
Xin cảm ơn anh!
Phong Vũ (thực hiện)