Thứ tư, 30/9/2015, 08h15

Doanh nghiệp cần lao động có tay nghề

Thời điểm này hầu hết các trường ĐH đã “chốt” xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Vậy với những thí sinh không trúng tuyển ĐH thì còn những cơ hội nào? Đó là vấn đề được các chuyên gia tư vấn đặt ra tại chương trình Tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển CĐ nghề, TCCN và TC nghề với chủ đề “ĐH không phải là con đường duy nhất”.

Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại Tiền Giang và Bình Phước (được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh - Truyền hình hai địa phương trên).

Thí sinh vẫn còn nhiều cơ hội

Theo các chuyên gia tư vấn, mỗi năm cả nước có khoảng 1,3-1,4 triệu thí sinh đăng ký vào ĐH, CĐ. Riêng năm 2015, cả nước có khoảng 1,3 triệu thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH nhưng chỉ tiêu vào các trường thuộc bậc này chỉ hơn 400.000 sinh viên. Như vậy, số thí sinh còn lại phải chọn những con đường khác như vào học CĐ, TC.

Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, nêu thực trạng: “Hầu hết gia đình muốn con khi học xong THPT vào ĐH nên cơ cấu nhân lực sẽ bị phá vỡ. Cơ cấu nhân lực nước ta hiện chỉ cần 13% có trình độ ĐH, 12% CĐ, 35% TC, còn lại là lao động phổ thông”. Ông Cường nói thêm: “Thời gian qua nước ta đào tạo ĐH tương đối nhiều nên khi ra trường phải cạnh tranh cao. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp ở bậc TC, CĐ nghề lại nhiều hơn là ĐH”.

Chuyên gia tư vấn trao đổi với học sinh Tiền Giang bên lề chương trình

Tỉnh Tiền Giang nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp nên nhu cầu nhân lực có tay nghề là rất lớn, đặc biệt là các nghề trọng điểm như cơ khí, chế biến lương thực thực phẩm, hóa chất, điện tử viễn thông…. Vì thế, tỉnh Tiền Giang đã có nhiều chính sách hỗ trợ khi học sinh chọn học nghề. Ông Lê Văn Cơ, Phó trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH Tiền Giang, cho biết: “Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ học sinh sau trung học vào học nghề như miễn giảm học phí, được vay vốn tín dụng khi học nghề… Trong khi đó, ở Tiền Giang, Sở LĐ-TB&XH đã hỗ trợ các trường nghề rất nhiều trong việc hợp tác với doanh nghiệp để tạo đầu mối giới thiệu việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp”.

Ngoài lợi thế có những chính sách miễn giảm học phí, tạo việc làm cho học sinh khi tốt nghiệp thì khi chọn học nghề, học sinh còn có lợi thế là “đầu vào” rất dễ. Bà Trần Thị Thúy Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường TC Bách khoa Sài Gòn, chia sẻ: “Các trường TCCN, TC nghề, CĐ nghề chỉ xét học bạ và giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời. Đối với hệ TC, nếu không đỗ tốt nghiệp THPT thì các em cũng được xét học bạ vào học nghề và ở trường chúng tôi sẽ đào tạo khoảng 2 năm 3 tháng”.

Có tay nghề mới phát triển bền vững

Cuối năm 2015, Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Muốn tồn tại và phát triển trong môi trường lao động hội nhập và cạnh tranh này, người lao động phải có tay nghề cao là nhận định của nhiều chuyên gia.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường TC Nghề Vạn Tường, chia sẻ: “Trường nghề rất chú trọng việc rèn luyện tay nghề cho học sinh nên phần lớn thời gian giảng dạy ở trường là thực hành. Khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, nhu cầu nhân lực có tay nghề để cạnh tranh với lao động các nước khác sẽ rất cao nhưng thực tế kỹ năng thực hành của lao động Việt còn thấp”.

Nói về tầm quan trọng của tay nghề trong thời kỳ hội nhập, ông Hoàng Quốc Long, Hiệu trưởng Trường TC Nguyễn Tất Thành, cho biết: “Năm 2007, châu Âu phải đối phó với “cơn bão” tài chính, nhiều nước bị suy thoái kinh tế nhưng riêng nước Đức vẫn đứng vững vì có lực lượng lao động kỹ thuật vững chắc. Chính lao động có tay nghề đã làm thay đổi thế giới, có tay nghề thì mới phát triển bền vững được”.

Dù có tay nghề mới phát triển bền vững nhưng các chuyên gia cũng cho rằng để cạnh tranh với lao động các nước khác, học TC, CĐ cũng phải có năng lực ngoại ngữ và giao tiếp. “Lao động Việt không còn bó hẹp ở trong nước mà có thể dịch chuyển sang nhiều nước khác. Hơn nữa ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đầu tư. Vì thế, dù học ở bậc nào thì các em cũng phải nâng cao ngoại ngữ để có thể giao tiếp với người nước ngoài. Ngoài ra, với dây chuyền sản xuất hiện đại, đòi hỏi người lao động cũng cần trang bị cho mình tác phong công nghiệp, làm việc nhóm, giao tiếp tốt…”.

Bài, ảnh: Dương Bình

Dù có tay nghề mới phát triển bền vững nhưng các chuyên gia cũng cho rằng để cạnh tranh với lao động các nước khác, học TC, CĐ cũng phải có năng lực ngoại ngữ và giao tiếp.