Thứ bảy, 22/10/2016, 21h47

Doanh nghiệp muốn vươn ra biển lớn: Thông tin là nguyên tắc sống - còn

Đó là ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi với doanh nghiệp (DN) tại diễn đàn “Doanh nhân tiêu biểu xuất sắc đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hội nhập quốc tế thành công” do VCCI Cần Thơ tổ chức ngày 21-10.

TS. Trần Sĩ Chương, chuyên gia kinh tế, thẳng thắn: “Điểm mạnh của DN ĐBSCL là mau mắn, hòa đồng, chi xài thoải mái rộng rãi, nhưng trong công việc, đa số thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu nghiên cứu và lập kế hoạch. Một khuyết điểm khác là thiếu sự đoàn kết, rất yếu kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm. Đây cũng là yếu điểm chung của DN cả nước trong khi yêu cầu này rất quan trọng nếu muốn hội nhập. Tôi thí dụ, chúng ta cần thông tin để phục vụ sản xuất, kinh doanh từ chuyên gia bản địa. Giá mua tin không rẻ, nhưng nếu liên kết nhiều DN cùng chi trả thì trở thành giá rẻ cho việc kinh doanh của tập thể”.

Yếu tố thông tin là một trong những nguyên tắc sống - còn khi DN muốn vươn ra biển lớn. Ông Nestor Scherbey, Giám đốc CTRMS Việt Nam, cố vấn cao cấp của liên minh tạo thuận lợi thương mại quốc tế (đặt tại TP.HCM), chia sẻ: Các DN phải hiểu về thị trường quốc gia mà chúng ta muốn tham gia. Nắm vững Luật Quốc tế, Luật Thương mại.

Ông Nestor Scherbey cũng chỉ ra: “Các bạn đang gặp nhiều khó khăn khi muốn xuất khẩu hàng sang châu Âu, Hoa Kỳ và các nước khác. Tôi biết một DN ở Bến Tre đã nhờ các nhà khoa học TP.HCM nghiên cứu sản xuất thành công sản phẩm nước dừa lên men rất ngon, bổ dưỡng, và sản xuất một loại mỹ phẩm dưỡng da có nguyên liệu từ nước dừa. Họ nhờ tôi giới thiệu mỹ phẩm này sang Đức. Các spa ở Đức sử dụng sản phẩm đều khen ngợi nhưng để được nhập vào Đức nói riêng, châu Âu và Hoa Kỳ nói chung, sản phẩm phải được cơ quan chức năng kiểm nghiệm phân tích và nêu rõ hàm lượng các chất có trong đó, và làm lại bao bì đẹp hơn. Chi phí cho những công đoạn này làm tăng 25% tổng chi phí sản xuất, trong khi ở Hoa Kỳ chỉ 9%, còn bình quân của thế giới là 15%. Chi phí sản xuất cao, lại thêm chưa được hưởng những ưu đãi thuế quan nên DN đó chưa thể xuất khẩu dù sản phẩm được người tiêu dùng tại các quốc gia mà tôi giới thiệu đánh giá cao”.

Tại hội thảo, các chuyên gia khẳng định, muốn thành công khi tham gia thị trường quốc tế thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng sản phẩm phải đặt lên hàng đầu. Các sản phẩm phải đạt những quy chuẩn của nước sở tại. Mặt khác, để sản phẩm được thị trường chấp nhận, DN phải có tâm và tầm nhìn, phải sáng tạo và tận dụng thế mạnh tài nguyên của khu vực để tạo ra sản phẩm mới.

Sản phẩm chính của ĐBSCL là nông sản, chủ yếu lúa gạo. Các chuyên gia lưu ý, để vào thị trường các nước lớn, sản phẩm phải sạch, nghĩa là phải đáp ứng an ninh lương thực. Thực tế, nhiều sản phẩm gạo, tôm, cá của vùng đã bị trả về do vi phạm quy định này. Mới đây một lượng lớn gạo Việt Nam bị Hoa Kỳ trả về vì qua kiểm tra của Cục Quản lý thực phẩm và Dược Hoa Kỳ (FDA), trong gạo tồn dư hơn 30% thuốc trừ sâu và các hóa chất khác. Đây đang là vấn nạn của sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL, là nguyên nhân chính khiến hạt gạo không thể vào các thị trường giàu có; Công tác xuất khẩu gạo VN ngày càng khó khăn, thậm chí nhiều người VN hiện nay chọn gạo Thái Lan sử dụng để an toàn.

Vấn đề đặt ra là làm sao tạo chuyển biến trong nông dân để bà con có ý thức sản xuất gạo sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP... Một trong số ít DN xuất khẩu gạo vẫn duy trì được các thị trường truyền thống là Công ty TNHH Xuất khẩu gạo Trung An (Cần Thơ). Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc công ty, cho biết: Duy trì được là do DN liên kết nông dân một số tỉnh, thành trong vùng sản xuất gạo thơm hữu cơ, với diện tích hơn 7.000ha. Công ty chỉ xuất khẩu những sản phẩm này.

Đan Phượng