Thứ sáu, 24/4/2009, 10h04

Doanh nghiệp phần mềm và bài toán sa thải nhân viên

Do không ký được hợp đồng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam buộc phải cắt giảm nhân viên nhưng đến khi có việc lại khó tuyển người mới. Còn nếu duy trì bộ máy hiện có, họ lại phải gồng mình để "nuôi" nguồn lực nhàn rỗi.

Cách đây 6 tháng, các công ty phần mềm sẵn sàng nhận bất kỳ hồ sơ nào do khủng hoảng thiếu và chọn giải pháp "đào tạo dần còn hơn không có". Nhưng chỉ sau nửa năm, mọi việc diễn ra hoàn toàn ngược lại và doanh nghiệp đứng giữa hai lựa chọn. Thứ nhất, họ có thể cơ cấu lại công ty do không có việc, nhưng khi nền kinh tế phục hồi, quy trình tuyển người lại trở nên khó khăn và họ sẽ phải vào đào tạo nhân viên từ đầu. Thứ hai, nếu không cắt giảm, doanh nghiệp lại phải vất vả để duy trì bộ máy, chưa kể việc "luyện quân" cũng kém hiệu quả do không có cơ hội thực hành thường xuyên.
Năm nay dự kiến có 15.000 sinh viên đại học và 10.000 sinh viên từ các trường cao đẳng CNTT tốt nghiệp. Ngành phần mềm VN đang nhắm đến một triệu nhân lực trong 10 năm tới để trở thành cường quốc CNTT, nhưng nếu số sinh viên này thất nghiệp, số người đăng ký học CNTT thời gian tới sẽ giảm đi do cảm thấy thiếu động lực, dẫn đến tình trạng khan hiếm lao động trong tương lai.
Ngành phần mềm Việt Nam được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn và luôn có tốc độ phát triển trên 30% trong suốt 5 năm qua. Nhưng do suy thoái kinh tế, thị trường chưa kịp ghi dấu ấn đủ mạnh với khách hàng thế giới thì đã bị thu hẹp với tốc độ chóng mặt, hợp đồng xuất khẩu cắt giảm, nhiều đơn đặt hàng sắp ký bị dừng vô thời hạn, thậm chí có hợp đồng đang thực hiện dở cũng bị hủy. Còn trong lĩnh vực nội dung số, đa số doanh nghiệp chưa thể tự làm ra tiền trong khi các nhà đầu tư cũng khắt khe hơn khi rải vốn.

 


Ông Trương Gia Bình chia sẻ những khó khăn của ngành CNTT.

Các doanh nghiệp Đông Âu đang tăng tốc để chiếm lĩnh thị trường châu Âu nhờ lợi thế về địa lý và văn hóa, Trung Quốc giảm giá để giữ chân khách hàng Nhật trong khi Ấn Độ tăng hiệu quả với thị trường Mỹ và Anh, chưa kể nhiều đối thủ đang lấn chiếm trên chính sân nhà Việt Nam.
Theo ước tính của Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa), tăng trưởng trong ngành đã giảm xuống dưới 20% với doanh số tối đa chỉ khoảng 600 triệu USD năm 2008 (2007 là 498 triệu USD). Giới phân tích bi quan rằng ngành phần mềm 2009 có thể không tăng hoặc tăng tối đa 10%. Con số này được nhìn nhận từ các dự án bị bãi bỏ, những khách hàng đột nhiên biến mất trên thị trường xuất khẩu và mục tiêu tăng trưởng của các doanh nghiệp hội viên đã 2 - 3 lần thay đổi theo chiều hướng xấu.
Trong khi công ty Việt Nam khó khăn về thị trường, đối tác... thì Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển mạnh với tốc độ 29,8% và doanh số 110,8 tỷ USD, Ấn Độ đạt 24,4% với 52 tỷ USD năm ngoái...
Tuy nhiên, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Vinasa khẳng định, dù bị cạnh tranh, nhân công ở Việt Nam vẫn rẻ hơn 30% so với Trung Quốc và sẽ là điểm đến hấp dẫn cho những đối tác muốn hạn chế chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ, sản phẩm... Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp nếu không bán được hàng hay không ký được hợp đồng mới nên tập trung nghiên cứu và phát triển công nghệ để chuẩn bị cho tương lai. Ngoài ra, đầu tư vào giáo dục luôn là giải pháp đúng đắn và hợp lý tại mọi thời kỳ.
Trong năm 2008, Vinasa đã triển khai một số hoạt động nhằm hỗ trợ hội viên và cùng các chuyên gia IPA xây dựng hệ thống xếp bậc nhân lực. Năm 2009, Hiệp hội sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi xúc tiến thương mại tại Đức, Nhật, Singapore, Mỹ...

Theo Lê Nguyên (VnExpress)