Thứ hai, 22/5/2017, 09h37

Doanh nghiệp tư nhân: Vật vã với những rào cản06:17 ngày 22 tháng 05 năm 2017TP -

Theo các chuyên gia, những chính sách khuyến khích khu vực tư nhân sẽ trở nên vô cùng cần thiết trong bối cảnh ngân sách nhà nước gặp khó khăn, sức mạnh của nền kinh tế không được cải thiện nhiều. Gánh nặng “phí ngoài luồng” và các rào cản mềm từ các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương đã khiến không ít doanh nghiệp tư nhân bị thiệt hại, thậm chí không lớn nổi.

Doanh nghiệp tư nhân: Vật vã với những rào cản

Theo Ngân hàng Thế giới, chi phí nộp thuế của DN Việt Nam cao nhất so với ASEAN 4, ở mức 39,1% lợi nhuận. Trong ảnh: Doanh nghiệp kê khai thuế tại Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Khổ vì các khoản “phí” bôi trơn

Chia sẻ với PV Tiền Phong, lãnh đạo một doanh nghiệp tư nhân đang bàn giao căn hộ tại dự án quận Cầu Giấy cho biết, doanh nghiệp tư nhân khi kinh doanh bất động sản ngay từ đầu đã thua doanh nghiệp nhà nước vì “ít mối quan hệ” nên những vị trí ngon cơ bản đều rơi vào doanh nghiệp nhà nước. “Ngoài ra, một năm doanh nghiệp phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra từ phường cho đến cấp bộ. Riêng thủ tục để chuẩn bị cho đoàn thanh tra cũng khiến doanh nghiệp mất thời gian mà không tập trung được vào công việc chuyên môn. Đoàn thanh tra này vừa ra, đoàn thanh tra khác lại vào khiến doanh nghiệp mệt mỏi”, lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Đa, Phó giám đốc Cty Vinaconex Xuân Mai cho rằng, doanh nghiệp mình đã làm thành công nhiều dự án nhà ở xã hội tại quận Hà Đông như: Ngô Thì Nhậm, Kiến Hưng. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp có muốn làm dự án nhà ở xã hội nữa cũng không có mà làm, vì cơ quan chức năng chỉ ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước với vị trí đẹp.

Liên quan đến phí “bôi trơn” trong doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành khẳng định, chuyện “bôi trơn” trong xã hội Việt Nam là có thật và nó đã bao trùm lên tất cả các lĩnh vực cần đề cao yếu tố kể cả những lĩnh vực đạo đức như giáo dục, y tế, thanh tra... Ví dụ, một khu vực chỉ được xây 20 tầng thì người ta có thể “chạy” để xây thêm 5 tầng; quy định chỉ có 2.000 dân thì người ta “chạy” để tăng thêm 500-1.000 dân. Chuyện này là có thật, ai mạnh thì có thể được chỉ tiêu cao hơn, kéo theo doanh số, mức lãi cao hơn. Những chỉ tiêu này “có giá” hàng tỷ đồng là chuyện bình thường.

Không chỉ riêng trong ngành bất động sản, hoạt động kinh doanh siêu thị của tư nhân cũng bị hành bởi nhiều loại phí vô hình. Một giám đốc một hệ thống siêu thị tư nhân ở Hà Nội thẳng thắn: Ngoài việc không được ưu tiên khi làm chương trình bình ổn giá với hệ thống siêu thị nhà nước, hệ thống siêu thị tư nhân bị các đoàn thanh tra “hành” về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, điện, nước trong siêu thị...

Đến những khoản thuế, phí “ngoài luồng”

Ông N.T, Giám đốc một doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Hà Nội chuyên nhập khẩu ô tô cho hay, các chính sách, văn bản đã được ban hành rất nhiều nhưng để tháo gỡ rào cản cho kinh tế tư nhân phát triển thực sự lại là việc rất khác. Theo vị này, dù nhập khẩu làm đầy đủ các thủ tục nhưng một chiếc ô tô thường vẫn phải bỏ thêm 1-2% trị giá chiếc xe cho các khoản chi phí không chính thức khác. Trong đó những khoản chi phí không chính thức chiếm tỷ lệ nhiều nhất là “lót tay” cho các cán bộ thuế, hải quan, đăng kiểm...

Không chỉ ở các địa phương, chuyện doanh nghiệp bị “hành” không phải là hiếm gặp ngay tại Hà Nội. Bước chân từ một doanh nghiệp FDI ra lập doanh nghiệp riêng, anh T. cảm thấy sốc khi mới đây bị cán bộ thuế ở một Chi cục thuế cấp huyện hành bằng việc không cho làm thủ tục cấp hóa đơn giá trị gia tăng với lý do “khi cán bộ thuế đến kiểm tra tại trụ sở thì không gặp ai”. Trong khi cuộc kiểm tra không hề được thông báo trước. Sau khi giải trình, tiếp xúc, nhờ vả, rốt cuộc doanh nghiệp cũng vượt qua được màn “chào sân” khi gia nhập thương trường.

Chuyện doanh nghiệp bị vòi vĩnh, mất tiền nhưng vì bị cơ quan quản lý đe dọa, bị ép không dám thừa nhận sự thật cũng là chuyện PV Tiền Phong đã từng gặp cách đây ít lâu. Cụ thể tại Hội nghị “Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua kết nối doanh nghiệp xuất nhập khẩu và Hiệp hội chủ hàng” do Bộ Công Thương tổ chức hồi năm 2016, bức xúc vì thói nhũng nhiễu, đòi ăn chặn của cán bộ cơ quan quản lý nhà nước, đại diện Công ty Cổ phần Bột giặt và Hóa chất Đức Giang đề nghị Bộ Công Thương làm việc với Tổng cục Hải quan và Chi cục Hải quan ở Hải Phòng, để can thiệp hỗ trợ doanh nghiệp không phải trả những “chi phí ngoài” khi làm thủ tục xuất khẩu hàng. Theo vị này, doanh nghiệp xuất khẩu rất nỗ lực mới tìm kiếm được các hợp đồng, nhưng khi xuất khẩu buộc phải trả những khoản tiền “không có hóa đơn” khiến chi phí của doanh nghiệp đội lên khá nhiều. Tính trung bình, doanh nghiệp phải chi khoảng 15 triệu đồng phí ngoài cho các khâu làm thủ tục hải quan mỗi lô hàng xuất khẩu.

Sau khi bức xúc của doanh nghiệp (có sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ và nhiều cục vụ của Bộ Công Thương) được báo chí đăng tải, Chi cục Hải quan Hải Phòng có văn bản gửi báo Tiền Phong cho rằng, đã làm việc với đại diện doanh nghiệp và đại diện doanh nghiệp khẳng định không có chuyện đó. Trao đổi với PV Tiền Phong sau đó, đại diện DN cho biết không muốn gặp rắc rối thêm về vụ việc và muốn được yên ổn để làm ăn.

Đừng để “luật bất thành văn” hại doanh nghiệp

Liên quan những khoản phí “bôi trơn” của doanh nghiệp, trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, đây là việc đã được nói quá nhiều và đã trở thành “luật bất thành văn” của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Theo bà Lan, tại Việt Nam, chi phí mà doanh nghiệp phải trả cho các khoản phí và thuế chiếm tới 40,8% tổng số lợi nhuận, trong đó có rất nhiều loại thuế, phí không thể kiểm soát được. “Tiền “bôi trơn” của doanh nghiệp Việt Nam chiếm 0,72-1,02 lần lợi nhuận của họ. Nghĩa là doanh nghiệp làm ra 1 đồng thì họ phải chi ít nhất 0,72 đồng cho phí tham nhũng, “bôi trơn”; thậm chí phải chịu phí “lót tay” vượt quá lợi nhuận đến 0,2 đồng. Như vậy làm sao doanh nghiệp phát triển được”, bà Lan nói.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, nguyên nhân của thực trạng DN phải chi khoản lớn phí bôi trơn là một bộ phận người thi hành công vụ không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không đầy đủ cho DN, tìm cách bắt lỗi DN, quan liêu, chưa coi DN là đối tượng phục vụ. Từ phía DN, chạy theo xu thế kinh doanh bằng “quan hệ” thay thế cho năng lực yếu kém của mình nên đã chủ động “chi ngầm” để có được các thuận lợi trong kinh doanh. “Nếu các chi phí không chính thức không được đẩy lùi, sẽ gây muôn vàn khó khăn cho doanh nhân  mệt mỏi, nản chí kinh doanh; giảm sức cạnh tranh của DN”, ông Thân nói.

Theo ông Thân, cơ quan quản lý cần thúc đẩy nhanh việc đồng bộ điện tử hoá sẽ giúp nhà nước quản lý tốt hơn, sự tuân thủ pháp luật sẽ tốt hơn. Khi điện tử hoá các dịch vụ công, người dân, DN được phục vụ, sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng và sẽ giảm được chi phí cho DN.

Gánh nặng thanh, kiểm tra

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, việc thanh kiểm tra của cơ quan nhà nước dường như vẫn là một gánh nặng đối với nhiều doanh nghiệp dân doanh Việt Nam. Theo kết quả điều tra PCI 2015, có tới 74% doanh nghiệp từng đón tiếp các đoàn thanh kiểm tra trong tất cả các lĩnh vực trong năm vừa qua. Có một hiện tượng đáng lo ngại: Các doanh nghiệp có quy mô càng lớn, gánh nặng về thanh kiểm tra càng cao. Chi phí thực hiện thủ tục hành chính tăng, rủi ro tăng lên khi quy mô tăng có thể là một nguyên nhân khiến các DNNVV Việt Nam “ngại lớn”.

Cụ thể, thông thường các DNNVV phải tiếp đón 1-2 cuộc thanh kiểm tra trong năm. Với các doanh nghiệp quy mô lớn, con số này là khoảng 3 cuộc. Tính toán chung, có 18% doanh nghiệp siêu nhỏ, 24% doanh nghiệp nhỏ và 43% doanh nghiệp quy mô vừa đón tiếp ít nhất 3 đoàn thanh kiểm tra doanh nghiệp trong năm gần nhất, trong khi con số này là 50% đối với doanh nghiệp quy mô lớn. “Kết quả khảo sát cho thấy 25% doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và 30% doanh nghiệp vừa cho biết nội dung thanh kiểm tra của các đoàn bị trùng lặp. Với các doanh nghiệp quy mô lớn, con số này lên tới 32%”, ông Tuấn cho hay.

Theo Tiền Phong