Thứ ba, 28/3/2017, 21h39

Đọc “phây” không… “chây” đọc sách

Đọc trên facebook, sinh viên (SV) như được dọn sẵn những “bữa ăn nhanh”, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, không thu thập thêm kiến thức cũng như ít tiếp cận thông tin đa chiều có thể khiến hiểu biết của các em ngày càng bị thu hẹp.

Ông Trương Phạm Hoài Chung (Quản lý giáo dục Công ty Stella Education) đang trao đổi với SV về phương pháp đọc sách hiệu quả

Vấn đề này được ông Trương Phạm Hoài Chung, Quản lý giáo dục Công ty Stella Education (Mô hình tư vấn toàn diện cho du học sinh tương lai), đề cập tại buổi giao lưu với SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ngày 26-3, chủ đề “Văn hóa đọc dưới góc nhìn của giới trẻ”.

Đọc và “gặp” tác giả

Ông Chung so sánh, thế hệ trước, SV muốn tìm hiểu chủ đề kiến thức nào đó phải vào thư viện, lục danh bạ tìm mượn sách đọc vài trang thấy không hợp thì đổi trả. Nhưng hiện nay, SV khá thuận lợi, trước khi đọc sách đã có thể xem qua phản hồi về nội dung sách đó, đối chiếu có phù hợp với nội dung mình cần tìm hay không. Chính công đoạn này giúp các em tiếp cận được đúng cuốn sách mình cần trong thời gian tiết kiệm nhất. Đồng thời, CNTT hiện đại tạo điều kiện cho bạn trẻ tương tác với tác giả thông qua việc gửi tin nhắn bình luận, phản hồi ý kiến về một đoạn, ý nào đó trong sách. “Việc đọc sách như đang được ngồi cà phê với tác giả dù không gặp trực tiếp, được chia sẻ kiến thức trải nghiệm với người viết sách”, ông Chung nói.

Lưu Quang Minh (SV ngành đồ họa - mỹ thuật công nghiệp Trường ĐH Tôn Đức Thắng, tác giả của nhiều tác phẩm văn học trẻ) cũng cho rằng mạng xã hội nhất là facebook có 2 mặt, SV có thể… đốt thời gian cho nó hoặc biến nó thành công cụ hữu ích. Trước kia, các anh chị SV mất rất nhiều thì giờ tìm kiếm thông tin nhưng chưa chắc đã có được nội dung mình cần. Hiện nay, SV khi viết bài luận chẳng hạn, không chỉ lên thư viện mà thông qua nhiều nguồn tham khảo, trong đó có công cụ tìm kiếm Google. Dù vậy, Quang Minh nhìn nhận, bản thân người dùng cần làm chủ được công cụ tìm kiếm thông tin khi sử dụng.

Cùng quan điểm, ông Chung cho rằng, bên cạnh những “bữa ăn nhanh” trên facebook hoặc tiếp nhận thông tin từ những tác giả, nghiên cứu, giảng viên… uy tín mà mình thường xuyên theo dõi, SV còn cần duy trì thói quen đọc sách vì một quyển sách luôn tập trung chứa đựng rất nhiều ý kiến, quan điểm, thông tin đa chiều.

Đọc sách có trách nhiệm

Nhận thức được tầm quan trọng của việc đọc sách, Đào Hồng Cẩm (SV ngành tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) băn khoăn làm sao để tạo được hứng thú cũng như xây dựng thói quen này. Ông Chung chia sẻ, ở nước ngoài việc đọc và tìm sách rất dễ vì có khá nhiều thư viện sách công cộng. Trong khi ở Việt Nam, một số đầu sách nổi tiếng, SV phải kiếm rất lâu.

Làm cách nào để tóm lược nhanh nội dung chính của sách?

Tại buổi giao lưu, Phạm Thị Thu Diễm (SV năm 2 Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) hỏi: “Làm cách nào để tóm lược nhanh những nội dung chính một cuốn sách dày vì hiện nay lượng sách, giáo trình mà SV cần đọc rất nhiều?”. Ông Trương Phạm Hoài Chung lưu ý, ở ĐH, SV không nhất thiết đọc hết cuốn sách để tóm tắt nội dung mà dựa trên mục đích ban đầu, chủ đề thông tin bản thân cần tìm để lựa chọn chủ điểm đọc. Các em có thể dừng lại ở một nội dung, mối quan tâm nào đó và đi tìm mỗi nơi một ít thông tin bổ sung thêm. Ngoài ra, quan tâm đến nghiên cứu của một tác giả, SV có thể đọc theo dây chuyền bằng cách tìm những cuốn sách, tài liệu liên quan đến tác giả đó để đọc thêm…

Qua kinh nghiệm lĩnh hội được từ SV các nước khi còn du học ở ĐH Harvard, ông Chung nêu ra 3 gợi ý: “Khi tò mò về vấn đề nào đó, SV nên ngay lập tức tìm hiểu, tra cứu những cuốn sách liên quan. Sau khi đọc sách, các em nên viết cảm nhận, đánh giá về nội dung sách để khi cần lục lại nhanh nhất. Điều này hết sức quan trọng vì qua thời gian, người đọc không thể nhớ được trọn vẹn nội dung cuốn sách, phần cảm nhận sẽ gợi lại một số nội dung cần thiết. Giới thiệu sách cho người khác và cùng thảo luận để kích thích tư duy phản biện”.

Ngoài ra, theo ông Chung, việc đọc sách gắn với trách nhiệm, mục tiêu cụ thể sẽ tạo hiệu quả và hứng thú hơn. Chẳng hạn, gắn mục tiêu viết cảm nhận, ghi chú sau khi đọc sách sẽ thôi thúc SV tập trung, chủ động suy nghĩ, cô đọng kiến thức... thay vì chỉ đọc mà không bắt buộc phải nhớ.

Mê Tâm