Thứ bảy, 5/12/2009, 09h12

Đôi cánh nào cho chồi non mọc thẳng?

Tại nhiều địa phương ở An Giang hiện vẫn còn tình trạng mượn đình chùa hay tận dụng văn phòng ấp, trụ sở tập đoàn sản xuất, nhà dân.... làm lớp học cho học sinh mẫu giáo.
Không chỉ học trong môi trường tạm bợ, nhiều lớp mẫu giáo còn chịu cảnh “tạm bợ” về giáo viên đứng lớp. Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nền tảng thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ mà còn tác động xấu đến quá trình hình thành nhân cách đầu đời của học sinh. Đôi cánh này có đủ cho những chồi non mọc thẳng?
Lớp mẫu giáo điểm chùa Phú An, đơn sơ như cảnh chơi nhà... chòi.
1001 kiểu học tạm
Lách qua dãy bán cá, bán rau rồi mấy ụ quần áo may sẵn, tôi mới mò ra lớp mẫu giáo điểm Bình Phú của xã Bình Phước Xuân (Chợ Mới-An Giang) nằm khuất sau khu chợ ồn ào. Gọi là lớp, nhưng thực chất đây là một nửa cơ ngơi của văn phòng ấp được ngăn cách bởi vách tạm nên âm thanh chợ búa cứ xồng xộc ùa vào.
Thỉnh thoảng cô giáo Nguyễn Thị Mai phải “bắt” học sinh bịt tai lại để không phải nghe... mưa ngôn từ  từ chợ vọng vào. Tuy nhiên, theo cô Mai, như thế là còn may so với nhiều đồng nghiệp phải chật vật dạy trong gian bếp nhà chùa...
Dù được chỉ dẫn tường tận, nhưng thú thật tôi không tài nào dám tin khu nhà bếp 4 bề trống hoắc của chùa Phú An lại chính là lớp mẫu giáo của học sinh mẫu giáo ấp Bình Trung (xã Bình Phước Xuân). Cô Trúc cho biết: Cảnh tạm bợ nên không thể tổ chức dạy các môn cơ bản như trang trí lớp, góc học tập...
Trong khi đó, bản thân cô Trúc cũng chỉ dám tiếp nhận thiết bị gọn, nhẹ có thể cất gọn trong tủ nên đồ dùng dạy học lại càng thiếu. Vậy mà thỉnh thoảng lại xảy ra mất trộm, hư hỏng. Tay cầm tấm bảng bị xé toạc thành 2 mảnh, cô Trần Thị Trúc bức xúc: “Lớp chỉ có tấm bảng để dạy mà cũng không chừa”.
Đây không phải là trường hợp cá biệt. Bởi theo báo cáo của Sở GDĐT An Giang, toàn tỉnh phải mượn thêm 343 phòng ở trường tiểu học (TH), đình, chùa, nhà văn hóa, văn phòng ấp, nhà dân để mở lớp mẫu giáo. Thậm chí có xã như Bình Phước Xuân có 9/10 lớp mẫu giáo phải học trong phòng tạm. Không chỉ có ở địa bàn vùng sâu, mà ngay phường Châu Phú B, trung tâm của thị xã Châu Đốc (An Giang) cũng mượn văn phòng khóm Châu Thới I để mở 2 lớp mẫu giáo.
Nhiều địa phương ở An Giang còn đối mặt với nạn “tạm bợ” về đội ngũ giáo viên. Tính đến đầu năm học 2009-2010, toàn tỉnh thiếu trên 200 giáo viên mẫu giáo. Vì thế một số nơi, giáo viên phải “kham” nhiều lớp, hoặc phải dồn đến 60 học sinh vào một lớp. Theo dự báo, nguy cơ thiếu giáo viên hệ mầm nom ở An Giang sẽ tiếp tục căng thẳng trong thời gian tới do chính sách tiền lương dành cho giáo viên bậc học này quá thấp.  
Cô Trúc với tấm bảng của lớp bị xé rách.
Không thể kéo dài tạm bợ
Cô Trần Thị Trúc cho biết: “Năm học 2009-2010 lớp có 24 cháu thuộc 2 nhóm tuổi (4-5) đăng ký học. Do diện tích của lớp hạn hẹp nên đành phải nhập cả 2 nhóm tuổi dạy chung chương trình dành cho nhóm 5 tuổi”. Đáng lo là học sinh nhóm 4 tuổi không chỉ bị... đứng bên lề lớp học mà còn cầm chắc suất “lưu ban chương trình” vào năm học sau.
Không chỉ có vậy, các lớp “học gởi” nhà dân, văn phòng ấp... còn phải chấp nhận tạm ngưng dạy học bất cứ lúc nào khi chủ có nhu tổ chức đám tiệc, giỗ chạp, hội họp... Còn hầu hết các lớp mẫu giáo “học gởi” tại trường tiểu học đều phải chấp nhận “đẽo chương trình cho vừa hoàn cảnh”.
Cô Nguyễn Thị Bảo Thu ở điểm ấp Bình Phú (Bình Phước Xuân - Chợ Mới) cho biết: “Do áp lực điều tiết cho mẫu giáo ra chơi - vào học cùng giờ với tiểu học nên nhiều tiết học bị giảm tính sinh động”. Và chính sự tạm bợ, chắp vá của phòng ốc còn đẩy các cháu đến chỗ dễ tiêm nhiễm tật xấu. Cô Nguyễn Thị Mai âu lo: “Lớp nằm cạnh chợ, nên dù chủ động khép cửa lại nhưng mỗi khi ngoài chợ cự cãi là toàn bộ âm thanh lọt thẳng vào”.
Chuyện “học gởi” của các lớp mẫu giáo còn gây khó khăn cho chính “ân nhân” của mình. Cô Nguyễn Thị Mai bật mí: “Ngoại trừ trường hợp đột xuất, theo thoả thuận, ban tự quản ấp sẽ không làm việc vào buổi sáng để cho lớp dạy-học”. Điều này cũng phần nào đồng nghĩa với việc cắt xén 50% thời gian hoạt động của bộ máy hành chính cơ sở. Đáng nói là điều này đã tồn tại hơn chục năm nay.
Trong khi đó do đặc thù ca, hát và nhảy múa... chính là học, các lớp mẫu giáo “học gởi” đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến không khí học tập của các lớp đàn anh. Đây cũng là chuyện thường ngày ở nhiều tỉnh ĐBSCL.
Dạy - học trong môi trường tạm bợ không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nền tảng thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ đầu đời của học, hay chất lượng đứng lớp của giáo viên mà còn tác động tiêu cực đến hoạt động của các “khổ chủ”. Thực trạng này đang gióng lên hồi chuông báo động cần phải nhanh chóng có biện pháp cải thiện hữu hiệu thực trạng tình hình...
Lục Tùng/Lao Động