Thứ tư, 12/1/2011, 16h01

“Đói cho sạch, rách cho thơm”

Bất cứ người giáo viên nào khi đứng trên bục giảng đều có một ước muốn duy nhất: Mong học sinh được trưởng thành về nhân cách và tư duy. Đó là món quà, là niềm hạnh phúc lớn nhất của những người đưa đò, “chở” kiến thức đến những thế hệ tiếp nối. Và tôi cũng vậy, cũng có những mơ ước ấy. Với hơn 14 năm trong nghề, tôi đã có được những lớp học trò trưởng thành thật sự, để rồi khi gặp lại các em, tôi được chính các em gợi lại những kỷ niệm, những bài học mà tôi đã truyền cho các em. Không chỉ là những bài học về kiến thức khoa học hay xã hội mà là kiến thức về nhân cách, về lòng trung thực. Ngày đó, tôi được làm chủ nhiệm của một lớp có thể nói khá đặc biệt, vì các em ở lớp này thuộc nhiều thành phần khác nhau: giỏi ít, trung bình và yếu thì nhiều. Vào lớp, các em không nghe giảng mà hay làm việc riêng. Những ngày đầu nhận lớp, tôi hơi “ngộp” và cảm thấy chán, chỉ muốn bỏ cuộc giữa chừng. Nhưng, đêm về suy nghĩ thì lại thấy thương các em. Thương, bởi mỗi em mỗi cảnh khác nhau nên các em không được chăm chút đầy đủ từ phía gia đình. Và thế là tôi đã quyết định làm cho các em được vui trước khi học. Tôi hay kể chuyện vui gây sự hứng thú cho các em, với giọng điệu thật dí dỏm để “kéo” các em vào sự tập trung. Rồi tiếp nữa là những trò chơi tập thể để nối kết tất cả các em trong lớp. Dần dần, ngày qua ngày, những thói quen ấy được hình thành và trở thành một nếp tốt cho các em. Nhưng, điều quan trọng là việc giáo dục đức tính trung thực cho các em trong năm học ấy của tôi là một sự thành công. Thật sự mà nói, năm đó, trường tôi hay xảy ra tình trạng mất đồ dùng học sinh, tiền của giáo viên và học sinh. Tôi đã sinh hoạt với các em trong tiết chủ nhiệm như sau: “Nếu em nào thiếu hay khó khăn điều gì thì cứ trình bày với thầy. Thầy sẽ tìm cách giúp đỡ nhưng em nào lấy một cục phấn mà không xin phép thầy hay bạn thì thầy sẽ cho nghỉ học luôn, vì đó là đức tính xấu, các em nên tránh!”. Chỉ có vậy, và từ đó về sau, lớp tôi không xảy ra tình trạng mất đồ. Thậm chí, có những hôm tôi đi họp đột xuất, để cả tiền đóng học của các em nhưng cũng chẳng mất đi một đồng nào. Các em nhận ra một điều: Thầy đang dạy về đức tính trung thực. Tôi đã kết hợp, kể cho các em nghe một câu chuyện có liên quan đến câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Và dường như, các em đã hiểu được ý tôi đang muốn các em làm gì?
Lớp học trò ngày ấy bây giờ đã có công việc làm ổn định. Các em gặp lại tôi trong tình thân mật giữa thầy và trò. Nhưng điều quan trọng sau mỗi lần tôi gặp lại các em chính là tâm sự của các em về những bài học ứng xử, về tính trung thực mà các em đã được học. Các em luôn nói lời tri ân tôi, bởi bài học về lòng trung thực ấy không chỉ được các em thực hiện trong năm học tôi chủ nhiệm, mà các em đã ghi nhớ để vận dụng trong những tình huống “cạm bẫy” của cuộc đời. Bằng chứng cụ thể, các em đã biết ý thức để sáng suốt nhận ra những vấn đề ngay trong môi trường làm việc mà các em kể cho tôi nghe và lúc ấy, lòng tôi vui sướng vì bài học ngày nào tôi truyền cho các em vẫn còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc - chính các em đã biết vận dụng để sống tốt, sống có ích cho đời.
Minh Duy (Phú Nhuận)