Thứ sáu, 2/1/2009, 14h01

Đòi chứng chỉ sư phạm, trường ĐH "đóng cửa" với xã hội

Các chuyên gia vào giảng dạy đều do "nể" các mối quan hệ cá nhân nên rất khó yêu cầu họ "trình" chứng chỉ sư phạm. Ảnh minh họa: Một giờ học với doanh nhân nước ngoài ở Trường ĐH Hà Nội.

Theo quy chế mới của Bộ GD-ĐT, giảng viên thỉnh giảng ở bậc ĐH phải đạt một trong 3 tiêu chuẩn: có chức danh GS hoặc PGS; tốt nghiệp ĐH chuyên ngành sư phạm hoặc có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Nhưng theo các trường, mời được chuyên gia về giảng dạy đã quý, yêu cầu họ "trình" chứng chỉ hay bỏ vài tháng đi học lấy chứng chỉ sư phạm là "bất khả thi".
 "Bế quan tỏa cảng"
Theo quy chế mới của Bộ GD-ĐT về giảng viên thỉnh giảng ở bậc ĐH, giảng viên vào giảng dạy ở các cơ sở giáo dục ĐH phải đạt một trong 3 tiêu chuẩn: có chức danh GS hoặc PGS; tốt nghiệp ĐH chuyên ngành sư phạm hoặc có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. 
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số trường, mời được các chuyên gia vào giảng dạy đã là rất quý. Giảng viên phải tận dụng những mối quan hệ thân thiết, chân tình để mời và các chuyên gia "nể" lắm mới nhận lời giúp. Vì thế, việc yêu cầu các chuyên gia "trình" chứng chỉ sư phạm trước khi vào giảng dạy là rất khó, đề nghị họ tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm vài tháng để lấy chửng chỉ càng "bất khả thi". 
Theo TS. Nguyễn Thị Thoa, Trưởng khoa Báo chí, HV Báo chí và Tuyên truyền, quy định cứng nhắc như vậy, các trường ĐH, đặc biệt là khối ngành đào tạo đặc thù như báo chí, nghệ thuật... chỉ còn cách “bế quan tỏa cảng”, đóng cửa với xã hội bên ngoài. 
Bà Thoa chia sẻ: “Thực chất, các nhà báo chỉ “rủ rỉ” kể những câu chuyện về nghề để chia sẻ với SV nên không nhất thiết phải có nghiệp vụ sư phạm. Trước khi mời nhà báo vào giảng, chúng tôi đã phải tìm hiểu kỹ về nhân thân, đạo đức, khả năng làm việc và năng khiếu diễn thuyết của từng người. 
Sau các buổi giảng còn có buổi rút kinh nghiệm để SV phản hồi lại xem họ học hỏi được những gì từ các nhà báo chuyên nghiệp. Nếu nhà báo không đáp ứng được yêu cầu của SV thì sẽ không tiếp tục mời nữa.” 
PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Trưởng khoa Thương mại Điện tử, Trường ĐH Thương mại cho rằng đối với những giảng viên mời vào dạy toàn khóa, bao gồm cả lý thuyết thì nên yêu cầu có chứng chỉ sư phạm. Nhưng với các doanh nghiệp bên ngoài vào báo cáo thực tế thì không nên đặt ra yêu cầu này. 
“Hầu hết những người này đều là lãnh đạo doanh nghiệp hoặc những người đã thành đạt nên đều có trình độ, thường xuyên phải thuyết trình trước đám đông nên cách truyền đạt rất hấp dẫn. Nhiều chuyên gia còn chuẩn bị slide thuyết trình chu đáo không khác gì giảng viên của khoa.” – ông Minh khẳng định. 
TS. Nguyễn Thanh Chương, Trưởng phòng Công tác Chính trị, giảng viên bộ môn Kinh tế Vận tải và Du lịch, Trường ĐH Giao thông Vận tải cho biết các chuyên gia bên ngoài có lợi thế là được tiếp cận với công nghệ và thiết bị tiên tiến và họ cũng thường xuyên phải thuyết trình dự án trước các đối tác và nhân viên. 
Hiện nay, trường đang có thỏa thuận hợp tác với một số tổng công ty lớn để sau khi hoàn thành dự án, họ sẽ chuyển giao máy móc, công nghệ cho nhà trường. Để thực hiện chuyển giao, các chuyên gia sẽ phải vào trường để hướng dẫn, giảng dạy. 
"Lách luật" hay "phạm luật"? 
Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết, nếu Bộ yêu cầu bắt buộc tất cả giảng viên thỉnh giảng đều phải có chứng chỉ sư phạm thì chúng tôi sẽ tổ chức mời chuyên gia về giảng theo hình thức học ngoại khoá, nói chuyện chuyên đề. 
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thoa cho biết đó cũng không phải là một giải pháp phù hợp vì theo cấu trúc chương trình hiện nay là 1/3 lý thuyết, 1/3 thực hành và 1/3 nghe báo cáo thực tế. Như vậy nếu chỉ sử dụng một số buổi học ngoài khóa là không đủ. Mời nhà báo vào giảng dạy chính thức phải được coi là một phần trong chương trình chính khóa. 
ThS. Phạm Lê Thu Nga, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh và Du lịch, Trường ĐH Hà Nội đồng tình với chủ trương của Bộ GD-ĐT yêu cầu giảng viên thỉnh giảng phải có chứng chỉ sư phạm. 
Nhưng theo bà Nga, cần có điều chỉnh linh hoạt để tạo điều kiện cho các trường. Như ở khoa Quản trị Kinh doanh và Du lịch, mỗi khi mời chuyên gia bên ngoài vào giảng dạy, khoa phải tổ chức một ban nghe giảng thử, sau đó nhà trường phỏng vấn rồi mới đưa ra quyết định. 
Như vậy, thay vì bắt cuộc phải có chứng chỉ sư phạm, các trường có thể tự xây dựng quy trình thẩm định chặt chẽ cả về trình độ chuyên môn lẫn khả năng truyền đạt của giảng viên mời. 
Cũng đồng tình với yêu cầu của Bộ GD-ĐT, TS. Nguyễn Thanh Chương cho rằng cần phải có chuẩn đối với giảng viên thỉnh giảng và yêu cầu chứng chỉ sư phạm là một bước để chuyên nghiệp hoá công tác giảng dạy. 
Tuy nhiên, ông Chương cũng khẳng định chuyên nghiệp phải đi kèm với chế độ đãi ngộ xứng đáng. 
"Hiện nay, trường mới chỉ có thể trả thù lao cho giảng viên mời với mức cao nhất có thể, nhưng vẫn chưa tới 30.000 đồng/tiết. Giảng viên dạy một lớp, một kỳ mới chỉ được 500.000 đồng, lại phải đóng thuế thu nhập mất 10%. Như vậy rất khó để khuyến khích họ coi giảng dạy là một “nghề tay trái” của mình. 
Trong khi đi làm tư vấn giám sát công trình, thu nhập rất cao nên họ đổ xô đi học lấy chứng chỉ tư vấn. Nếu giảng dạy cũng có thu nhập cao như vậy, không ít chuyên gia sẽ sẵn sàng học lấy chứng chỉ sư phạm." - ông Chương bày tỏ thẳng thắn.
Mời chuyên gia vào giảng dạy: Hai bên cùng có lợi
PGS.TS. Phạm Công Đoàn, Trưởng khoa Quản trị Doanh nghiệp, Trường ĐH Thương mại:  
Với tất cả các học phần, chúng tôi đều yêu cầu giảng viên phụ trách mời các chuyên gia bên ngoài vào giảng dạy về các vấn đề "nóng" mà thực tiễn đang đặt ra. Đó không chỉ là cơ hội rất quý để bổ sung kiến thức thực tế cho SV mà còn là gợi ý cho các đề tài nghiên cứu khoa học của giảng viên. Vì thế, chúng tôi yêu cầu cả những giảng viên không có giờ giảng phải tham dự các tiết học do chuyên gia đứng lớp. 
Cũng thông qua các buổi học này, SV còn có cơ hội tiếp cận với doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội việc làm, được các doanh nghiệp tư vấn, gợi ý cho hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai. 
Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro):
Dù rất bận rộn với công việc kinh doanh nhưng hàng năm, tôi đều dành vài buổi để vào dạy ở một số trường ĐH thuộc khối ngành kinh tế, thương mại.
Vào giảng dạy tại các trường ĐH cho chúng tôi cơ hội được cập nhật kiến thức hàn lâm, tằng cường nền tảng lý thuyết vững chắc. Chính các bạn SV cũng đặt ra những câu hỏi, những vấn đề thực tiễn rất thú vị, thiết thực gợi mở cho chúng tôi hướng suy nghĩ mới, thậm chí chúng tôi chưa từng nghĩ tớ.
Bên cạnh đó, tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao đang là một trong những yêu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp. Vì thế, chúng tôi cũng đang tận dụng các cơ hội tiếp cận với những SV giỏi ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Lương Ngọc Đức (SV năm thứ 4, ĐH Hà Nội):
Họ là những người có hiểu biết về lý thuyết và đã gặt hái nhiều thành công trong công việc nên việc giảng dạy và cách tiếp cận vấn đề của các chuyên gia này cũng có những sự khác biệt. Nhiều ví dụ đến từ kinh nghiệm từ các khách mời làm bài học trở nên sinh động, dễ hiểu và mang tính thực tế cao.
Mặt khác, khi thành công trong thực tế, họ cũng là những người có một nền tảng lý thuyết vững chắc chứ không phải là chỉ được xây dựng dựa trên những trải nghiệm.
  
Lan Hương (VietNamNet)