Thứ hai, 12/2/2018, 11h57

Đôi dép và chân trần

Không nhớ từ bao giờ, tôi có thói quen đi chợ quê mỗi lần về thăm nhà.

Về quê đi chợ thích dừng lại bên hàng hàn dép, thau nhựa... mà không phải chợ miền nào cũng có. Mới tới đầu chợ đã nghe cái mùi khen khét không lẫn vào đâu được khi bác thợ vùi cây sắt trong lửa than rồi ép lên nhựa dẻo để hàn dép đứt, thau bể. Thợ hàn nhựa lúc bấy giờ sống được lắm, lại thường xuyên chạy chợ. Có phiên chợ tan mà hàng còn nhiều quá phải gom về nhà hàn, phiên sau đem trả.

Hồi đó, đến mùa khai giảng, má bấm bụng lấy tiền lúa non mua cho mỗi đứa một đôi dép nhựa. Cưng dép mới như cha mẹ cưng con, không dám chạy chớ đừng nói đi nhanh, sợ dép... đau.

Dép há mồm má đem ra chợ hàn. Mối hàn này chồng mối hàn kia, trước sau đều có. Có khi tiền hàn cộng lại còn hơn tiền mua dép nhưng vì tiền hàn thì có, tiền mua dép mới lại không. Đi học, con nhà giàu nhìn vào đôi dép mà chọn bạn chơi.

Từ cái khó khổ, lớn lên đứa nào cũng ý thức trong chi tiêu, chỉ cho phép mua sắm những gì thật sự cần thiết. Đôi dép, đôi giày mang đến hỏng nát không thể “cứu” nữa mới thôi.

Cũng đã lâu, 20 năm có lẽ không nghe được mùi nhựa dép cháy khét. Nghe đâu, số ít người làm nghề cũng đã chuyển sang tìm việc khác vì nhiều lý do, nhưng đa phần khách hàng không còn. Dù vậy tôi vẫn nhớ hai cha con ông thợ hàn nhựa với thân hình nhỏ thó, da ngâm và vận đồ lem luốc vết nhựa dẻo.

Dép nhựa bây giờ dễ mua, nhiều kiểu để chọn lựa mà giá chỉ bằng tô hủ tiếu bình dân. Vì rẻ nên có đứt thì quăng rác. Bọn trẻ bây giờ giày dép hơn cả quần áo, nhiều kiểu, chất liệu phong phú, đủ màu, và quăng... đủ chỗ. Nào là dép đi trong lớp, dép đi ở nhà, giày đi chơi, đi mưa, đi nắng... Có khi mua về chưa mang một lần.

Thương phận người cả đời không một đôi dép, hai chân trần vất vả ngược xuôi.

Trn Trng Tri