Thứ tư, 9/5/2012, 10h05

Đôi điều cần bàn trong việc Thúy Kiều báo oán

Việc Kiều báo oán có những điều cần bàn: Thứ nhất, việc tha Hoạn Thư. Sau lời lẽ có tình, có lí và tự nhận lời của Hoạn Thư, Thúy Kiều có chút đắn đo, suy nghĩ: Khen cho: Thật đã nên rằng/ Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời/ Tha ra thì cũng may đời/ Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen/ Đã lòng tri quá thì nên/ Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay. Hoạn Thư là chủ mưu, ấy thế bọn tay sai lại bị tử hình: Trước là Bạc Hạnh, Bạc bà/ Bên là Ưng, Khuyển, bên là Sở Khanh (…) Máu rơi thịt nát tan tành. Có gì không công bằng trong việc truyền lệnh ấy? Phải chăng người cùng khổ khi cầm cân nảy mực thường có chệnh choạng? Phải chăng lần đầu tiên trong lịch sử văn học một người phụ nữ ngồi ghế chánh án liệu có xử lí nặng cảm tính, nhẹ luật pháp? Thứ hai, tại sao không bắt mẹ Hoạn Thư ra xử tội? Thanh Tâm Tài Nhân có cho mụ Hoạn ấy ra chỗ pháp trường. Mụ già sợ quá lăn đùng ra chết. Nguyễn Du không cho quân bắt mụ mặc dù mụ là đồng mưu với Hoạn Thư và ra tay cho tôi tớ đánh đập Thúy Kiều. Chi tiết này, một nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc đã cho rằng ý thức đấu tranh với kẻ thống trị của Nguyễn Du bị hạn chế. Chê bai như vậy cũng có lí nhưng hình như Nguyễn Du đã né tránh điều ấy. Cụ đã dùng chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư, ấy cũng là một cách tránh né khi không lôi cổ Hoạn bà. Chúng tôi nghĩ: Không phải do ý thức đấu tranh của cụ Nguyễn bị hạn chế mà bà Hoạn kia là vợ ông tể tướng. Khi Nguyễn Du viết Truyện Kiều trong thâm tâm cụ viết về quê hương đất nước ta ngày ấy. Mà bà tể tướng, chắc có mối liên tưởng thoáng qua, mẹ Nguyễn Du cũng là tể tướng phu nhân… Dù lôi cổ Hoạn bà, một nhân vật tưởng tượng, ở bên kia Trung Quốc, lòng người con không nỡ làm vậy. Có lẽ nên thông cảm với cụ hơn là trách cứ! Thứ ba, tại sao lại bỏ sót một số nhân vật? Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam có nhắc vấn đề này trong chuyên mục Tìm trong kho báu, Bàn về Truyện Kiều. Thắc mắc của thính giả là tại sao Nguyễn Du không cho binh lính Từ Hải bắt hai thằng bán tơ, bọn sai nha đến đánh đập cướp bóc nhà Thúy Kiều? Tại sao không đền ơn Mã Kiều, người đã chăm sóc, tâm tình với Thúy Kiều khi ở Lâm Truy? Ý kiến của nhà thơ Vương Trọng trả lời: Thời gian quá lâu, có khi đã hơn 10 năm nên các nhân vật này đã thay đổi chỗ ở, đi đâu đó. Chúng tôi cho rằng, trả lời như vậy là đơn giản hóa vấn đề. Cần tách bạch các đối tượng: Hai thằng bán tơ. Nguyễn Du có thể xem chúng không có tội chính trong việc gieo tai họa cho Vương ông và gia đình Thúy Kiều. Bởi chúng là kẻ cướp trong diện triều đình truy nã, Vương ông và Vương Quan uống rượu với chúng hai đêm (xem Kim Vân Kiều truyện)… Vương ông bị nghi là tòng phạm hay phạm tội che giấu kẻ cướp. Vì vậy, việc làm của bọn sai nha là đúng (nhắc lại, xem Kim Vân Kiều truyện, Trung Quốc). Thằng bán tơ và cả sai nha không có tội trong việc gia đình Kiều tan nát. Nguyễn Du đã bỏ chi tiết hai thằng bán tơ là bọn Khuyển mã đưa ngòi bút lên án vào bọn sai nha. Bọn sai nha ở Bắc Kinh, nơi mà sự chiếm cứ của quân lính Từ Hải chưa vươn tới được. Nếu được, Từ đã không ước mơ có dịp cho Kiều về gặp gia đình.
Mã Kiều có ơn hay không? Có thể trong sâu thẳm lòng cô gái cùng cảnh ngộ bán thân này có thương Thúy Kiều. Nhưng có thể, đây là tay sai của mụ Tú. Mã Kiều lo chạy chữa cho Kiều bởi mụ Tú cần Kiều sống. Mã Kiều nói rõ tên Sở Khanh có thể là tự đáy lòng Mã Kiều căm ghét hắn nhưng có thể là bài tâm lí do mụ Tú dàn dựng cốt để Thúy Kiều nhụt chí, chán đời mà không đôi co, vạch mặt Sở Khanh và yên phận làm gái lầu xanh.
Lê Xuân Lít