Thứ sáu, 3/2/2012, 10h02

Đổi giờ học, giờ làm tại Hà Nội: Phụ huynh mệt mỏi

Phụ huynh nháo nhào đưa con đến trường

Dù đã thực hiện đổi giờ học được hai ngày nhưng xem ra, người dân và học sinh (HS) thủ đô đều chưa thể thích nghi, có nhiều vấn đề nảy sinh.
Cháu tôi không có thời gian chơi à?
16h chiều ngày 1-2 tại Trường Tiểu học Quang Trung (quận Hoàn Kiếm) đã có vài phụ huynh đến đón con. Anh Nguyễn Hữu Tuấn - một phụ huynh - đến nơi đọc bảng thông báo của trường mới nhớ ra hôm nay con về muộn hơn so với ngày thường một giờ đồng hồ. Trách cái thói đãng trí của mình, anh Tuấn đành quay xe lại cơ quan và phàn nàn: Giờ giấc sinh hoạt của cả gia đình bị đảo lộn hết cả.
Cùng có mặt tại trường lúc này còn có bác Lý Thị Mận để đón cháu. Bác Mận cho biết hôm trước có thấy thằng cháu về đưa tờ giấy thông báo thay đổi giờ học của trường. Nhưng hôm nay, bác vẫn quên, có lẽ do thói quen đón cháu hàng ngày của bác chưa kịp thay đổi. Tuy nhiên, bác Mận cũng không khỏi băn khoăn, bình thường, 16h15 tan học thì cháu bác được chơi 30 phút. Bây giờ 17h mới tan, đứa cháu không còn được chơi nữa.
Giờ đi học và ra về thay đổi, điều này đồng nghĩa với việc HS phải ở trường nhiều thời gian hơn. Nhiều phụ huynh cũng rất lo lắng về vấn đề này. Chị Ngô Thị Hiền, nhà ở quận Đống Đa, có hai con đang học tiểu học và mẫu giáo băn khoăn: Các con phải có mặt ở trường từ 7h30 nhưng 8h mới vào học, không biết thời gian chưa vào lớp thì các con chơi thế nào.
Qua tìm hiểu của phóng viên Giáo Dục TP.HCM, đối với tiểu học, HS thường được chơi ở sân trường hoặc trong lớp; còn với HS THCS, thời gian đó có những em vẫn lang thang ở ngoài để ăn sáng.
Việc thay đổi giờ học cũng ảnh hưởng không nhỏ tới lịch làm việc, sinh hoạt của nhiều gia đình. Chị Thanh Mai, nhà ở quận Hai Bà Trưng, cho biết bình thường 7h30 chị mới đưa cậu con trai đi học tại một trường tiểu học trong quận rồi 8h đến cơ quan làm việc là vừa. Bây giờ 7h30 chị đã có mặt ở cơ quan trong khi đó, chợ thì chưa đi được.
Đối với HS THPT, thời gian học sớm về muộn đã khiến không ít em phải ra khỏi nhà từ tờ mờ sáng. Hải Hằng, HS Trường THPT Nguyễn Tất Thành, cho biết từ nhà đến trường em dài 30km, phải đi hai chặng xe buýt. Do đó, hai sáng nay, cứ 6h là em cắp cặp ra khỏi nhà. Nhưng điều đó chưa nhằm nhò gì so với thời gian buổi chiều phải ở lại đến tận 19h. Bởi lúc đó, sinh viên các trường ĐH thường cũng mới về nên xe buýt nêm cứng người. Nhiều xe bỏ bến, nên 20-21h Hằng mới về đến nhà.
Đường vẫn tắc

Học sinh hỗn loạn trước cổng trường THCS Ngô Sĩ Liên vào thời điểm giao ca

8h kém 15 sáng 2-2, đường Phố Huế (TP.Hà Nội) như đông hơn mọi ngày. Nhiều người phải vất vả lắm mới thoát ra được để kịp giờ đến cơ quan làm việc. Trước đó, lúc 17h ngày 1-2, ngày đầu tiên đổi giờ, nhiều người đi trên đoạn ngã tư Lý Thường Kiệt, Hàng Bài vẫn thấy không có gì thay đổi. Đường vẫn ùn ứ các phương tiện giao thông khi phụ huynh đón con tại Trường THCS Trưng Vương. Không những thế, nhiều phụ huynh đón con bằng ô tô đã làm tình trạng giao thông của ngã tư này thêm trầm trọng.
Cũng lúc 17h ngày 1-2, đường vành đai dẫn lên cầu Chương Dương vẫn tắc từ cửa khẩu Chương Dương Độ. Nhiều người đã phải chấp nhận “mua đường” qua lối cầu Vĩnh Tuy để tránh ùn tắc. Chị Nguyễn Thu Hương, nhà ở quận Long Biên có con học tại Trường Tiểu học Quang Trung (quận Hoàn Kiếm) cho biết bình thường 16h đi đón con, hai mẹ con chị về đường rất thông thoáng. Hôm nay 17h con tan trường, hai mẹ con chật vật lắm mới về được đến nhà.
Không chỉ tắc đường mà đối với những trường THCS phải chuyển ca, câu chuyện “tắc” ở sân trường đã khiến thầy cô và HS dở khóc dở cười. Nếu như trước đây, HS ca sáng của Trường THCS Ngô Sĩ Liên kết thúc buổi học vào lúc 11h50 thì nay thực hiện theo quy định mới về khung giờ học, giờ làm do UBND TP.Hà Nội ban hành, các em tan ca vào lúc 12h15. Trong khi đó, buổi chiều học sinh sẽ bắt đầu vào lớp lúc 12h30 để kịp ôn tập bài cũ và bước vào học tiết đầu tiên lúc 12h45.
Với khoảng thời gian giao giữa hai ca chỉ là 15 phút đã khiến cả toàn bộ khu vực phố Hàm Long, trước cổng trường THCS Ngô Sĩ Liên rơi vào tình trạng hỗn loạn. Mặc dù Ban giám hiệu nhà trường, thậm chí cả giáo viên, tình nguyện viên tham gia điều tiết giao thông nhưng không tránh được cảnh chen lấn giữa học sinh đi vào và học sinh đi ra. Dù đã bố trí một cách hết sức khoa học, đó là yêu cầu toàn bộ học sinh ca chiều đứng gọn sang hai bên để học sinh ca sáng ra về, nhưng với tâm lý sợ muộn giờ vào lớp nên đã tạo ra sự giao thoa quá lớn, gây ra cảnh rối loạn ùn tắc. Không những thế, khi học sinh ca chiều đã vào được bên trong thì cũng chưa thể lên lớp ngay mà tụ tập đông nghẹt trong sân trường vì còn phải chờ đợi dọn dẹp vệ sinh phòng học. Sự bất cập về khung giờ học khiến cho học sinh mệt mỏi vì đói do kết thúc ca học sáng khá muộn, còn thầy cô thì bở hơi tai để giải quyết các tình huống này.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Thời gian học sớm về muộn đã khiến không ít HS THPT phải ra khỏi nhà từ tờ mờ sáng.