Thứ sáu, 28/4/2017, 20h47

Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông: Vừa là cơ hội vừa là thách thức

“Đổi mới chương trình giáo dục (GD) phổ thông vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với GD phổ thông và đội ngũ cán bộ quản lý GD trong đó có hiệu trưởng. Khi chương trình GD phổ thông đổi mới tiếp cận phát triển năng lực GD thì phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá và các yếu tố khác cũng đổi mới một cách đồng bộ”. Đó là khẳng định của ThS. Ngô Xuân Đông - Trưởng phòng GD-ĐT Q.7 tại Hội thảo khoa học “Quản lý nhà trường trước yêu cầu đổi mới của GD-ĐT”, do Báo Giáo dục TP.HCM và Phòng GD-ĐT Q.7 phối hợp tổ chức cuối tuần qua.

Quang cảnh hội thảo tổ chức vào sáng 28-4. Ảnh: N.Quang

Đổi mới phải được hiện thực hóa đồng bộ

Cũng theo ông Đông, thách thức này đòi hỏi ngành GD phải có định hướng rõ ràng và cụ thể. Có như vậy đổi mới nội dung GD phổ thông mới đi đúng quỹ đạo theo hướng tinh giản, hiện đại, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và định hướng nghề nghiệp, vận dụng kiến thức vào thực tiễn tích hợp cao ở các lớp dưới và phân hóa đều ở các lớp trên.

Với TS. Huỳnh Công Minh - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn chuyên môn Trường THCS,THPT Quang Trung Nguyễn Huệ, bàn về quản lý nhà trường trước yêu cầu của GD là phần lý luận có vai trò định hướng giúp các cơ sở biết vận dụng vào thực tế một cách đúng đắn nhất. Đi sâu vào nhiệm vụ quản lý tư tưởng nhận thức, từ trước tới nay đã có rất nhiều mỹ từ khi nói đến đổi mới nhưng đó chưa phải điều quan trọng. Điều quan trọng là sự đổi mới đó được hiện thực hóa như thế nào vào trong từng cá nhân của người cán bộ, thầy cô giáo để giúp họ hiểu đúng bản chất của sự đổi mới. Thực tế cho thấy, có đơn vị đã làm tốt công tác đổi mới nhưng vẫn còn một vài cơ sở làm sơ sài, chưa đến nơi đến chốn. Trách nhiệm trước hết thuộc BGH nhà trường, yêu cầu hiệu trưởng phải rà soát, kiểm tra lại mức độ đổi mới của đơn vị mình. Làm sao nhà quản lý GD phải trả lời được câu hỏi: Tại sao chúng ta lại phải đổi mới? Trong năm học đã thực hiện được đổi mới hay chưa và thực hiện đến đâu? Khi xác định được tầm quan trọng của công tác đổi mới GD nói chung và đổi mới quản lý trường học nói riêng thì chúng ta mới cụ thể hóa được vào từng công việc. Mỗi người, bất kỳ ai, cần có sự chuyển biến về nhận thức, thay đổi về cảm xúc để hòa mình vào công cuộc đổi mới toàn diện và căn bản về GD. Không có sự chuyển biến và cảm xúc thì khó có thể có động lực mạnh để tiến hành một cách đồng bộ. Đổi mới theo hướng tiếp cận năng lực người học là yêu cầu bức thiết về đổi mới GD nhưng sự tiếp cận năng lực đó phải được thể hiện trong mỗi tiết dạy như thế nào, hiệu quả ra sao? Hay chỉ là hình thức đối phó theo phong trào.

Vai trò từ trường sư phạm trong đổi mới

TS. Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng: Dựa trên chương trình tổng thể trong chương trình GD phổ thông bao gồm môn thi bắt buộc, bắt buộc có phân hóa, tự chọn, tự chọn bắt buộc, các nhà trường cần có sự định hướng trong phân ban, chọn môn, phân luồng cho người học. Có như vậy HS mới được trang bị đầy đủ kiến thức để bước vào đời. Đây chính là mối quan hệ giữa thi cử và dạy học, nhất là trong dự thảo chương trình mới về liên môn, tích hợp. Không chỉ bậc THPT mà giáo viên mầm non, tiểu học TH và THCS cũng cần định hướng bài học, bài thi liên quan đến tổ hợp với xu thế đổi mới SGK và chương trình.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Chủ tịch UBND Q.7 - đánh giá: “Qua tham luận của các đại biểu và các nhà khoa học trình bày, tôi thật sự tâm đắc với những nội dung mà hội thảo đề cập đến. Nhiều ý kiến đưa ra nhận định xác đáng và phân tích sâu sắc về phương pháp quản lý nhà trường trước yêu cầu đổi mới GD. Đây không chỉ là vai trò trách nhiệm của người quản lý mà còn là nhiệm vụ của đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên trong nhà trường. Đối với ngành GD-ĐT Q.7, chúng tôi đang từng bước chuẩn hóa để hướng đến xây dựng trường chuẩn quốc gia, xây dựng mô hình trường học tiên tiến hiện đại trước nhu cầu đổi mới căn bản và toàn diện của ngành GD-ĐT”.

Đề cập đến vai trò quản lý nhà trường, TS. Nguyễn Trọng Thuyết - ĐH Sài Gòn - yêu cầu cần giải quyết tốt bài toán về nhân lực và khẳng định cần thiết nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ quản lý ngành học mầm non theo hướng tiếp cận năng lực. Có như vậy mới theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng thứ 4 của loài người từ cuối thế kỷ 20 đến nay.

Theo TS. Ninh Văn Bình - giảng viên chính Trường ĐH Sài Gòn - thì không thể bỏ qua vai trò của trường sư phạm trong việc nâng cao chất lượng và đổi mới GD. Trường sư phạm cần xây dựng cơ chế rõ ràng giữa trường sư phạm với trường phổ thông trong phạm vi địa phương chứ không thể để tình trạng mạnh ai nấy làm. Đào tạo người thầy không chỉ chú trọng về chuyên môn nghiệp vụ mà cần chú trọng cả đạo đức, lối sống. Bên cạnh đó trường sư phạm cũng nên thay đổi cách đào tạo về nghiệp vụ. Muốn làm được việc này cần có sự quan tâm của Bộ GD-ĐT và toàn ngành. Ngoài ra, không thể phủ nhận mối quan hệ giữa SGK, chương trình và phương thức đào tạo. Có như vậy giáo viên mới đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

Phan Ngọc Quang