Thứ tư, 28/10/2015, 09h18

Đổi mới chương trình tổng thể: Không cẩn thận dễ “tẩu hỏa nhập ma”

Học sinh TP.HCM học chương trình tích hợp các môn tự nhiên xã hội tại Thảo Cầm Viên. Ảnh: N.Trinh

Vừa qua, tại Hà Nội, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, Hiệp hội Giáo dục vì mọi người và Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức tọa đàm “Góp ý cho chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (GDPTTT)”.

Theo PGS. Văn Như Cương, đổi mới của Bộ GD-ĐT đang vấp phải một điều rất lớn đó là sự thống nhất ý kiến giữa cơ quan đầu não Bộ GD-ĐT với các cơ sở GD. Mặt khác, theo PGS. Văn Như Cương, cần xác định rõ mục tiêu, mục đích của GD Việt Nam. Hiện nay, mục tiêu của các cấp học cuối cùng để thi ĐH. “Một nền GD ứng thí, phục vụ việc thi, việc lên lớp, không phải để phục vụ đời sống cao hơn. Do đó, toàn bộ đổi mới lần này phải nhắm vào việc bằng cấp không có giá trị mà là lao động có giá trị, làm được ra của cải cho xã hội” - PGS. Cương nhấn mạnh. Cũng theo ông Cương, nếu không thay đổi lại mục tiêu GD, không phân luồng, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu cả thợ bậc cao, còn lao động Việt Nam chỉ đi làm thuê những ngành nghề đơn giản nhất. Ông mạnh mẽ nhận xét: “Chúng ta đang sống trong xã hội hiếu học lạc hậu, bởi ai cũng muốn vào ĐH, dù số đông sinh viên ra trường không có việc làm. Tệ hại là bậc trung cấp thiếu người học, nghề thiếu người học, mặc dù học ra có thể xin được việc ngay”. Ông Hồ Quang Diệu, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định thì cho rằng vẫn chưa nhìn thấy “đổi mới căn bản, toàn diện” là cái gì. Một chuyên gia khác có mặt tại buổi tọa đàm khẳng định, Bộ GD-ĐT xác định đổi mới thi cử là khâu đột phá là không chuẩn. “Thi tuyển sinh chỉ là vấn đề kỹ thuật, không phải vấn đề cải cách” - vị chuyên gia khẳng định.

Tham khảo chương trình của 40 nước: Vừa mừng vừa lo

Theo TS. Lê Viết Khuyến, khi biết Bộ GD-ĐT tham khảo hệ thống GD của trên 40 nước, các chuyên gia vừa mừng vừa lo vì các hệ thống khác nhau, rõ nhất là trong việc phân luồng. Ông Khuyến phân tích hiện nay trên thế giới có hai xu hướng phân luồng. Thứ nhất là sau THPT, phổ biến ở các nước phát triển, có nguồn lực lớn phổ cập THPT, như Hoa Kỳ. Ông khẳng định “Nếu theo luồng này, chương trình GDPTTT phải xây dựng theo kiểu khác”. Xu hướng thứ hai là thực hiện phân luồng học sinh từ THCS, ở các nước đang phát triển và cả các nước phát triển. Luồng phổ thông vào hướng hàn lâm, luồng 2 vào công nghệ nặng về ứng dụng và thực hành hơn. Theo ông Khuyến, tham khảo quốc tế là đúng. Nhưng ông ngần ngại không biết chính xác bộ theo luồng nào. Không cẩn thận sẽ có hậu quả khôn lường. Trước đây, chúng ta chỉ theo một mô hình của Liên Xô (cũ) nên không có sự trục trặc như hiện nay. Đến khi mở cửa, có cơ hội tiếp cận nhiều, nên lại thành ra chắp vá. GD không cẩn thận, không có phân tích, sẽ dẫn đến tình trạng “tẩu hỏa nhập ma”. Do đó, 3 hiệp hội (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, Hiệp hội GD vì mọi người và Hội Khuyến học Việt Nam) dự kiến sẽ có bản góp ý chung gửi Bộ GD-ĐT về chương trình GDPTTT. 

Một tiết ôn tập môn văn theo chương trình hiện hành tại Trường THPT Lương Văn Can (TP.HCM). Ảnh: A.K

Thứ nhất, khi bộ tiếp thu kinh nghiệm thế giới về phát triển chương trình GDPT cần đặc biệt ưu tiên học tập kinh nghiệm của những nước có hệ thống GDPT như Việt Nam theo định hướng của Nghị quyết 29. Thứ hai, xu hướng chung của thế giới thì chương trình THPT đa số quốc gia được phân luồng thành: Trung học nghề, THPT kỹ thuật và THPT. Đề án này chỉ đề cập tới định hướng nghề nghiệp sau THPT, trong khi các trình độ sơ học và trung học ở bậc GD nghề nghiệp, theo Luật GD nghề nghiệp, lại không phải là một luồng khác sau THCS, cùng với luồng THPT. Do vậy, vấn đề phân luồng học sinh sau THCS, như Nghị quyết 29 đã chỉ ra, vẫn đang được bỏ ngỏ. Bộ nào chịu trách nhiệm về vấn đề này? Về mục tiêu của chương trình GD cấp THPT ý định giúp học sinh hình thành phẩm chất và năng lực của người lao động, theo hiệp hội là không phù hợp (nhất là không đề cập tới luồng trung học nghề). Có lẽ chỉ nên đặt mục tiêu của chương trình ở cấp độ này là giúp học sinh phát triển tối đa điều kiện và tiềm năng của từng con người. Ngoài ra việc cho rằng sau THPT học sinh có khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp để học lên hoặc bước vào cuộc sống lao động cũng không chính xác (đặc biệt nếu bỏ khâu phân luồng). Hiệp hội cũng đề nghị Bộ GD-ĐT cần công bố công khai danh tính “kiến trúc sư” của toàn chương trình GDPTTT, cũng như của từng môn học cụ thể để toàn xã hội biết. Không nên vẫn theo cách làm lâu nay là chỉ gắn chương trình với một tập thể (mà thường là gồm những người có chức sắc), hoặc gắn với người đứng đầu ngành. Và một vài kiến nghị nhỏ khác đề nghị trong dự thảo phải đưa vào. Về phát triển chương trình GDPT, Bộ GD-ĐT chỉ nên ban hành chương trình chuẩn và cho phép các địa phương, các trường được quyền điều chỉnh để hoàn thành chương trình cụ thể. Còn nếu bộ vẫn muốn quản lý đến chương trình cụ thể thì thực tế bộ vẫn chưa vượt ra khỏi tư duy “tiếp cận nội dung” như mong muốn ban đầu của chương trình. Lãnh đạo các hiệp hội cũng nhất trí rằng, các ý kiến đóng góp cho chương trình GDPTTT này sẽ được tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong thời gian gần nhất.

Nghiêm Huê