Thứ tư, 28/9/2011, 05h09

Đổi mới giáo dục: Đừng làm kiểu “chữa cháy”!

Từ đời sống giáo viên đến triết lý giáo dục đều đang tồn tại nhiều hạn chế, bất cập.
Tại tọa đàm khoa học về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 27-9 ở Hà Nội, nhiều ý kiến tâm huyết về vấn đề này đã được các nhà giáo, nhà khoa học trình bày.
Thay đổi từ cách nghĩ đến cách làm
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nói: “Tôi và nhiều đồng chí quan tâm đến giáo dục cho rằng muốn chuyển biến căn bản và toàn diện thì nhất thiết phải cải cách giáo dục. Đổi mới hay cải cách không đơn thuần là khác biệt về câu chữ. Đổi mới chắp vá, thiếu một tầm nhìn tổng thể, một kế hoạch đồng bộ như những năm qua và ngay như hiện nay, khi chưa có một đề án tổng thể, chưa xác định rõ phương hướng của cả hệ thống giáo dục mà đã tính chuyện làm mới chương trình và sách giáo khoa thì đổi mới ấy còn xa mới có tính căn bản và toàn diện”.
Những ý kiến tâm huyết của bà Nguyễn Thị Bình đã nhận được sự đồng thuận của nhiều đại biểu. Theo Giáo sư Lâm Quang Thiệp, “đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện” chính là cải cách giáo dục. Ông cho rằng đổi mới trong giáo dục của nước ta diễn ra ngập ngừng, không nhất quán, không đồng bộ vì không xác định được quan điểm cơ bản làm căn cứ và không có giải pháp triệt để. Ông dẫn chứng: “Chúng ta thừa nhận cơ chế thị trường nên đã cho ra đời hệ thống ĐH tư, theo hai cơ chế vì lợi nhuận và phi lợi nhuận. Mặt khác, chúng ta vẫn muốn giữ định hướng xã hội chủ nghĩa nên Nghị quyết 05/2005/NQ-CP của Chính phủ đã nêu chính sách ưu đãi đối với cơ sở ngoài công lập, đặc biệt là các cơ sở hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận. Tuy nhiên, từ 2005 đến nay, tất cả các quy chế về ĐH tư thục đều chỉ đề cập đến các trường theo cơ chế vì lợi nhuận”.
“Muốn giáo dục đổi mới căn bản, toàn diện nhất thiết phải thay đổi cách nghĩ, cách làm giáo dục” - bà Nguyễn Thị Bình nói. Nguyên tắc này khá đơn giản nhưng xem ra không dễ thực hiện vì chính bà cũng cho biết những vấn đề bà nói trong hội thảo hôm nay chỉ là nhắc lại, bà đã từng nhiều lần phát biểu với Bộ GD&ĐT và một số đồng chí lãnh đạo nhưng… không được ai lắng nghe.
Theo bà Nguyễn Thị Bình,  muốn giáo dục đổi mới căn bản, toàn diện nhất thiết phải thay đổi cách nghĩ, cách làm giáo dục. Ảnh: HTD
Phải cải thiện đời sống giáo viên
Cũng theo bà Bình, điều gay cấn nhất hiện thời là chuyện thu nhập của thầy, cô giáo. PGS-TS Vũ Trọng Rỹ (Viện Khoa học Giáo dục) cho biết: Theo “Báo cáo về thực trạng lao động sư phạm của giáo viên phổ thông hiện nay”, thời gian lao động sư phạm của giáo viên ngoài giờ lên lớp là gần 63 giờ/tuần ở bậc tiểu học và THCS, hơn 72 giờ/tuần ở bậc THPT. Trong khi đó, quy định số giờ lao động của công chức, viên chức chỉ là 40 giờ/tuần. Đã vậy, thu nhập giáo viên trẻ mới ra trường chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng, còn giáo viên có thâm niên 10 năm khoảng 3 triệu đồng/tháng.
Bà Nguyễn Thị Bình đánh giá: “Để giải quyết tận gốc vấn đề giáo viên, không có gì khác là phải sớm bắt đầu cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; phải thay đổi chính sách để nhà giáo sống được bằng lương và phụ cấp nghề nghiệp chứ không thể để họ sống bằng dạy thêm hay một nghề nào khác”.
Giáo sư Hoàng Tụy lại chỉ ra một thực tế khác: Giảng viên ĐH lương chỉ 5-6 triệu đồng nhưng thu nhập thực tế là 50-60 triệu đồng (từ nhiều nguồn). Ông nêu dẫn chứng: “Không ít giảng viên đăng ký làm đề tài khoa học để được Nhà nước tài trợ, lấy tiền bỏ túi. Ở nước ngoài, tiền tài trợ đối với các đề tài nghiên cứu khoa học chỉ được dùng để mua thêm phương tiện nghiên cứu chứ tuyệt đối không được chi tiêu cho bản thân. Nhưng người ta vẫn say mê làm khoa học vì ngoài nâng cao kiến thức thì với những đề tài có kết quả tốt thì lương, chức vụ của họ cũng được nâng lên”.
Theo giáo sư, giải pháp hợp lý là gộp các chi phí đầu tư cho giáo dục, nghiên cứu khoa học… vào quỹ lương cho giảng viên. “Làm đề tài có tiền đút túi dễ sinh ra tệ “chạy đề tài”! Nếu tình trạng cơ cấu thu nhập bất hợp lý còn tồn tại thì sẽ là kẽ hở cho tham nhũng. Việc cải cách tiền lương cần đi liền với chống tham nhũng. Lương phải thực chất thì mới chống tham nhũng, cải cách được giáo dục” - Giáo sư Hoàng Tụy nói.
Giảm tải quá cập rập
Muốn có chương trình mới thì phải đổi mới quan niệm về sứ mạng và mục tiêu giáo dục, về kiến thức và kỹ năng, về cách dạy và cách học, để chọn ra được những nội dung đích thực là phổ thông, đích thực là cơ bản. Quan niệm mới không chỉ phù hợp với hoàn cảnh và yêu cầu hiện tại mà còn phải phù hợp với hoàn cảnh và yêu cầu trong tương lai, khi chương trình được triển khai. Muốn thế phải có tầm nhìn xa và dự báo được xu thế phát triển. Với cách cắt xén chương trình để giảm tải cập rập như chúng ta vừa thực hiện đầu năm học này, tôi lo rằng việc làm chương trình sắp tới khó bảo đảm được chất lượng như mong muốn.
Nguyên Phó Chủ tịch nước NGUYỄN THỊ BÌNH
Theo BẢO PHƯỢNG
(PL)