Thứ tư, 30/3/2011, 17h03

Đổi mới giáo dục - hãy bắt đầu từ hiệu trưởng

Người hiệu trưởng là đầu tàu của nhà trường phải có tâm và có tầm. Trong ảnh là thầy Hiệu trưởng Trường THPT Tenlơman Nguyễn Ngọc Sơn trò chuyện với các em học sinh trong trường. Ảnh: H.Triều
Đó là nhận định của TS. Ninh Văn Bình - Trưởng phòng GD-ĐT Phú Nhuận tại hội thảo khoa học “Người hiệu trưởng trong đổi mới quản lý giáo dục” do Phòng GD-ĐT Phú Nhuận kết hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày 26-3.
Hội thảo chú trọng vào việc trao đổi, thảo luận những phương pháp quản lý hiệu quả để cụ thể hóa chúng bằng những việc làm, cách thực hiện nhằm nâng cao tính ứng dụng và tạo sự thuận lợi cho người hiệu trưởng trong công tác quản lý.
Từ định hướng trên, các ý kiến trình bày trong hội thảo đã đưa ra những vấn đề có tính chiến lược trong công tác quản lý các lĩnh vực như nhiệm vụ xây dựng văn hóa, tính dân chủ, đổi mới quản lý dạy học thời kỳ hội nhập, xây dựng mô hình trường chất lượng cao…
“Gánh nặng” của hiệu trưởng
Đi thẳng vào những mặt khó khăn và tồn tại, TS. Ninh Văn Bình đánh giá thực trạng công tác quản lý trường học hiện nay vẫn còn thiếu số lượng và “độ dày” kinh nghiệm trong lúc cơ cấu vẫn không đồng bộ. Về khách quan, do các văn bản pháp quy có nội dung chung chung nhưng thường xuyên thay đổi dẫn đến hiệu lực pháp lý còn thấp, chưa được như ý muốn. Hệ quả là cán bộ quản lý còn bị động, mất quyền tự chủ, cơ chế quản lý nhiều chỗ còn lúng túng theo kiểu “vừa trói buộc vừa thả nổi”. ThS. Nguyễn Hoài Chương - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã chia sẻ nhiều “gánh nặng” mà người hiệu trưởng đang phải gồng mình nhận lấy, đó là phải lo mọi việc từ A đến Z. Không chỉ quản lý chuyên môn mà còn lo cả công tác đời sống cán bộ, giáo viên, quảng bá thương hiệu trường… Nói chung là việc gì cũng đến tay hiệu trưởng.
Đề cập tới nhiệm vụ xây dựng văn hóa nhà trường của người hiệu trưởng, ThS. Trần Thị Hóa - Phó chủ tịch thường trực UBND quận Phú Nhuận đã đưa ra hình ảnh rất cụ thể: “Thực chất sâu xa của quá trình giáo dục là sự thẩm thấu các giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại. Lời báo động “sự thẩm thấu” này đang bị coi nhẹ nên càng ngày xuất hiện càng nhiều hiện tượng “phi văn hóa” trong giao tiếp, ứng xử. Vì thế, hiệu trưởng phải có trách nhiệm và biết phối hợp với đoàn thể để xây dựng được một môi trường văn hóa lành mạnh không có sự “ô nhiễm” từ bên ngoài vào. Hơn ai hết, mỗi hiệu trưởng đều ý thức thường trực công tác xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực”. Đi từ xuất phát điểm “Đổi mới giáo dục - hãy bắt đầu từ nhà quản lý”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Q.11), bà Lê Thị Hạnh Dung “kêu gọi” các hiệu trưởng phải đổi mới nhận thức lãnh đạo, quản lý chuyên môn và phát triển đội ngũ. Theo bà Hạnh Dung, muốn làm được điều này người hiệu trưởng cần có nhiều từ “phải”: phải đóng vai trò mấu chốt trong hoạt động giáo dục, phảithật sự năng động, nhạy bén; phảitin tưởng, tôn trọng ý kiến từ phía giáo viên…
Thế nhưng, trên thực tế, một số hiệu trưởng vẫn chưa nhìn nhận rõ quan điểm mới về quản lý nên vẫn dùng “mệnh lệnh”, quản lý guồng máy theo kiểu một chiều, áp đặt. Nhiều khi hiệu trưởng còn tạo ra một sự “tréo ngoeo” trong công việc và cả trong nhiệm vụ đổi mới phương pháp giảng dạy, nói như bà Võ Thị Hạnh Thảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cao Bá Quát (Q.Phú Nhuận): “Không ai hiểu rõ học sinh bằng chính giáo viên”. Bà Đinh Thị Xuân Dung - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Ba (Q.Phú Nhuận) thì nhận định, ngoài kiến thức và trình độ, việc quản lý con người đòi hỏi phải khoa học, nghệ thuật chứ không chỉ có mệnh lệnh. Khi giao việc phải biết “chọn mặt gửi vàng” chứ không nên nghĩ ai làm cũng được. Theo bà Xuân Dung, hiệu trưởng không chỉ biết đặt lợi ích tập thể lên trên mà còn phải có tâm, phải có tầm. Biết nhìn xa trông rộng, có kế hoạch chiến lược lâu dài.
Đổi mới “người chỉ huy”
ThS. Phan Tấn Chí (Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM) khẳng định, muốn đổi mới giáo viên thì hiệu trưởng phải tự đổi mới mình, dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật về chất lượng học sinh và bệnh thành tích. Không “rũ bỏ” được những áp lực về chất lượng thì không thể nào thực hiện được khẩu hiệu: “Dạy thật và học thật”. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Minh Châu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồ Văn Huê (Q.Phú Nhuận) lại đưa ra một sự thật hơi “chua chát”, đó là không phải ai cũng đi lên bằng chính năng lực của mình mà có người nhờ “sống lâu lên lão làng”, cũng có người nhờ từ mối quan hệ mà có “hồng” nhưng thiếu “chuyên” hoặc ngược lại. Để làm đẹp hơn hình ảnh một người hiệu trưởng, TS. Đinh Phương Duy - Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ TP.HCM, đã khắc họa nên một “tượng đài” với nhiều chuẩn mực: có kỹ năng mềm để biết lèo lái “con tàu vận mệnh” của đơn vị trường học. Không chỉ hoạt bát, lưu loát… “người chỉ huy” còn phải uy nghi, tự chủ và độc lập trong cách quản lý để tạo nên một phong cách lãnh đạo của một “nhà doanh nhân trong trường học”. Khi đưa ra kết luận: “Những hiệu trưởng giỏi là người biết điều hòa lợi ích cá nhân, cộng đồng theo nguyên tắc mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, TS. Ninh Văn Bình mong muốn người hiệu trưởng phải chịu đổi mới. Mỗi bậc học có một cách quản lý riêng và chính phong cách quản lý sẽ quyết định linh hồn nhà trường. Không thể lấy cách quản lý bậc trung học cơ sở để vận dụng vào bậc tiểu học hay bậc mầm non và ngược lại.
Hội thảo là cơ hội quý báu để các “bộ máy đầu não” trong nhà trường trao đổi chính kiến, thẳng thắn bày tỏ quan điểm và cả kinh nghiệm của mình trong “dòng chảy” đổi mới công tác quản lý. Muốn đổi mới giáo dục - hãy bắt đầu từ người hiệu trưởng.
Phan Ngọc Quang

“Điều đáng quý của hội thảo là chính những người trong cuộc nói về mình, nói về công việc của mình làm. Đó là những tiếng nói chân thành nhất, thiết thực và quý giá nhất. Nhìn xa trông rộng, những ý kiến trong hội thảo không chỉ đưa ra những giải pháp tháo gỡ, khắc phục những rào cản hiện tại mà còn là tiếng nói dự báo cần thiết cho các nhà lãnh đạo giáo dục về một tương lai gần”, TS. Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM tổng kết.