Thứ bảy, 11/11/2017, 23h07

Đổi mới giáo dục từ tiết học ngoài nhà trường: Cố gắng để học sinh đều được tham gia

Dù được đánh giá cao về hiệu quả trong việc đổi mới hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá trong nhà trường nhưng không phải tiết học trải nghiệm nào cũng có đầy đủ học sinh tham gia.

Học sinh THCS ở Q.8 tìm hiểu hệ thực vật trong môn sinh học 

Trên thực tế, các tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường đều được thực hiện từ nguồn kinh phí xã hội hóa, nghĩa là từ khoản tiền đóng góp của phụ huynh. Do đó, chủ trương của Sở GD-ĐT TP.HCM khi xây dựng các tiết học này là dựa trên tinh thần tự nguyện của học sinh, không ép buộc các em tham gia nếu không có nhu cầu.

Nhiều học sinh được tham gia miễn phí

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các tiết học trải nghiệm trước khi được thực hiện đều tuyên truyền cho phụ huynh hiểu rõ để đăng ký cho con em tham gia. Bà Nguyễn Xuân Mai (Phó Trưởng phòng GD-ĐT Q.8) cho biết các trường tuyên truyền đến phụ huynh về nội dung, cách thức thực hiện tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường vào buổi họp phụ huynh đầu năm để mọi người được giải đáp công khai những vấn đề còn vướng mắc. Sau đó, trường sẽ phát phiếu khảo sát cho phụ huynh, trong đó ghi rõ việc học sinh sẽ tham gia tiết học gì, ở đâu, kinh phí bao nhiêu, phụ huynh có đồng ý cho con tham gia tiết học này hay không và lý do tại sao không tham gia. Nếu lý do được phụ huynh nêu ra là do không có điều kiện thì trường sẽ tổng hợp và tìm nguồn kinh phí để những em này được tham gia miễn phí. “Chỉ tính riêng tiết học ngoài trời tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn trong năm học vừa qua, Q.8 có 12/12 trường THCS tham gia thì có 448 học sinh được miễn phí chương trình này. Không chỉ tiết học ngoài trời tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn, phòng GD-ĐT Q.8 còn chỉ đạo các trường lưu ý tới vấn đề hỗ trợ kinh phí để các em không có điều kiện được tham gia tất cả các tiết học trải nghiệm do trường xây dựng”, bà Mai nói.

Ông Nguyễn Văn Tiếng (Hiệu trưởng Trường THCS Bình Đông, Q.8) cũng chia sẻ: “Nguồn kinh phí hỗ trợ hầu hết do giáo viên tự nguyện đóng, hay được trích ra từ quỹ lớp hoặc được vận động từ Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp. Lớp nào chỉ 1-2 em thuộc diện miễn giảm thì bản thân giáo viên chủ nhiệm tự nguyện đóng, nhiều hơn thì trích quỹ lớp, còn nhiều hơn nữa thì mới vận động đóng góp từ phụ huynh”.

“Những học sinh không tham gia tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường sẽ được thầy cô tổ chức học ngay tại khuôn viên trường, tại Hội sinh vật cảnh (đối với môn sinh), tại các di tích lịch sử trên địa bàn quận (đối với môn lịch sử)...”, bà Nguyễn Xuân Mai (Phó Trưởng phòng GD-ĐT Q.8) cho biết.

Ông Tiếng cho biết năm học trước, trường đã miễn phí cho gần 100 em thuộc ba khối 6, 7, 9 tham gia lớp học trải nghiệm. Hầu hết các em đều thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chính sách của thành phố.

Sắp xếp lớp học riêng biệt

Ngoài những học sinh có hoàn cảnh khó khăn thì cũng có khá nhiều học sinh khác không tham gia các lớp học trải nghiệm vì... phụ huynh không có nhu cầu, hay phụ huynh không thích địa điểm đó, hoặc đơn giản phụ huynh chưa yên tâm khi cho con em ra khỏi không gian nhà trường. “Qua phiếu khảo sát nhu cầu của phụ huynh, trường sẽ sàng lọc nhóm học sinh không có nhu cầu tham gia tiết học trải nghiệm để có sự sắp xếp hợp lý vì đây là tiết học nằm trong nội dung chương trình, phải bổ sung kiến thức để các em không bị thiệt thòi. Với nhóm học sinh này, các giáo viên bộ môn sẽ cùng thảo luận lựa chọn hình thức, nội dung phù hợp. Ví dụ, môn sinh lớp 6 có bài học về thân cây, giáo viên sẽ hướng dẫn nhóm học sinh này (khoảng 20 em) tìm hiểu một số loại cây trong trường, sau đó sử dụng tranh ảnh, mẫu vật có sẵn trên thư viện hoặc sử dụng bảng tương tác với các hình ảnh trực quan, sinh động để tổ chức thành bài học. Sau tiết học, các em cũng được làm bài kiểm tra, đánh giá như những em tham gia lớp học trải nghiệm bên ngoài”, ông Trần Thanh Tùng (Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lai, Q.8) phân tích.

Năm học 2016-2017, Q.8 là đơn vị có nhiều trường tổ chức tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường do tổ, nhóm bộ môn xây dựng đối với môn sinh, GDCD, lịch sử, mỹ thuật, nhạc...  “Những học sinh không tham gia tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường sẽ được thầy cô tổ chức học ngay tại khuôn viên trường, tại Hội sinh vật cảnh (đối với môn sinh), tại các di tích lịch sử trên địa bàn quận (đối với môn lịch sử). Giáo án, phiếu thu thập thông tin, cách kiểm tra đánh giá sẽ được Ban giám hiệu phê duyệt trước khi thực hiện”, bà Nguyễn Xuân Mai khẳng định.

Ngọc Anh