Thứ năm, 19/10/2017, 21h55

Đổi mới hay thụt lùi?

Thông tin Bộ GD-ĐT yêu cầu tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa trong hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm học 2017-2018 đã làm tất cả giáo viên ngỡ ngàng. Chúng tôi chợt nghĩ dường như Bộ GD-ĐT đang bước thụt lùi trong công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông ở Việt Nam. Thời gian qua, giáo viên chúng tôi đã được học tập, tập huấn rất nhiều về đổi mới phương pháp giảng dạy, thực hiện các phương pháp giảng dạy tiên tiến để học sinh chủ động, tích cực trong học tập. Qua những phương pháp mới ấy, giáo viên và cả học sinh đều nhận ra sách giáo khoa chỉ là một nguồn tài liệu cơ bản để giáo viên tổ chức cho học sinh tự giác học tập mà thôi. Học sinh có quyền tìm hiểu những kiến thức cần học từ nhiều nguồn, nhiều kênh cung cấp kiến thức ngoài sách giáo khoa để nâng cao kiến thức cho bản thân. Để hướng dẫn học sinh tự giác học tập từ những nguồn, những kênh kiến thức khác, giáo viên cũng phải cập nhật những kiến thức từ các nguồn tài liệu khác để bổ sung kiến thức cho chính mình cũng như không lạc hậu với học sinh. Vậy thì tại sao chúng tôi cứ phải dạy như sách giáo khoa mà không cập nhật những vấn đề mới trong thực tiễn để bài dạy sinh động, thực tế, hấp dẫn hơn? Sách giáo khoa hiện hành rất lạc hậu so với thực tế. Chẳng hạn như bài địa lý lớp 5 “Dân số nước ta” bảng số liệu số dân các nước Đông Nam Á là từ năm 2004. Vậy giáo viên sử dụng bảng số liệu số dân những năm gần đây để dạy cho học sinh thì có gì sai? Hay giáo viên giảng cho học sinh biết thêm về mất cân bằng giới tính trong dân số thì có gì là không đúng hay quá tải? Bài “Phòng tránh xâm hại” trong sách khoa học lớp 5 chỉ nêu một cách rất chung chung là xâm hại. Trong khi đó, việc xâm hại tình dục trẻ em đang là nỗi nhức nhói của xã hội. Giáo viên đã được tập huấn về phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em dạy thêm cho học sinh ngoài sách giáo khoa “Quy tắc 5 ngón tay nhận biết nguy hại”, “Quy tắc 5 ngón tay chia sẻ”… là tốt hơn cho các em hay là sai trái?

Phản hồi của Bộ GD-ĐT

Theo chinhphu.vn, trước những ý kiến của dư luận về việc Bộ GD-ĐT chỉ đạo “không dạy nội dung ngoài sách giáo khoa”, ông Nguyễn Xuân Thành (Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT) đã giải thích: Tại Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn: “Tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu; không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa”. Tuy nhiên việc diễn đạt như trên đã gây ra hiểu lầm là Bộ GD-ĐT chỉ cho phép giáo viên khai thác sử dụng sách giáo khoa để dạy học. Điều này không đúng tinh thần chỉ đạo của bộ. “Trong quá trình tập huấn triển khai sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ hướng dẫn cụ thể hơn về việc này để các nhà trường, giáo viên, học sinh thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của bộ”, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết.

Được biết, ngày 3-10, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đã ký văn bản số 4612/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018. Theo đó, công văn yêu cầu các Sở GD-ĐT chỉ đạo cơ sở giáo dục phổ thông điều chỉnh nội dung dạy học. Vấn đề khiến dư luận quan tâm và gây xôn xao chính là nội dung “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa” tại văn bản nêu trên.

P. Liên

Bộ GD-ĐT cũng mâu thuẫn với chính mình vì từ nhiều năm qua, bài kiểm tra định kỳ môn đọc hiểu ở tiểu học đã yêu cầu giáo viên không được sử dụng bài đọc trong sách giáo khoa. Thông tư gần đây nhất của Bộ GD-ĐT là Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT  có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6-11-2016, phần ra đề kiểm tra định kỳ cho học sinh tiểu học yêu cầu thiết kế phải có 4 mức độ. Yêu cầu ở mức 4 là: “Vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết những vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập, cuộc sống một cách linh hoạt”. Những câu hỏi trong các môn học ở mức độ 4 này, nếu giáo viên chỉ dạy hoàn toàn theo sách giáo khoa thì học sinh không thể nào làm được trong các lần kiểm tra định kỳ.

Học để sống, để làm việc, đó mới là mục tiêu của việc học tập. Vậy thì chỉ dạy nội dung trong sách giáo khoa như yêu cầu của Bộ GD-ĐT như thế là quá lạc hậu trong hiện tại và xa rời mục tiêu học tập.

Lê Phương Trí