Thứ tư, 28/9/2016, 14h40

Đổi mới hình thức văn học không phải là bẻ câu lục bát ra làm mấy dòng

"Quan tâm đổi mới hình thức là cần thiết để khắc phục sự nhàm chán và cũ kỹ. Nhưng, bẻ một cặp thơ lục bát ra làm mấy dòng, viết một mạch không chấm câu, hoặc miêu tả tỉ mỉ những cảnh sau màn the... thì quá dễ so với việc tiếp biến các tinh hoa đích thực của thế giới để vươn tới đỉnh cao", nhà văn Hữu Thỉnh nhận định.

Sáng 28-9, tại Hà Nội, 112 tác giả thuộc các tỉnh thành trên cả nước tham dự Hội nghị Đại biểu Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX.

Các đại biểu dự hội nghị gồm tác giả thuộc các thể loại văn, thơ, lý luận phê bình, dịch thuật, sinh năm 1980 trở về sau, đã có tác phẩm được xuất bản, đã đăng tải tác phẩm trên báo chí, đặc biệt là các báo chí chuyên ngành văn học uy tín của trung ương, chú trọng hơn nữa đối với với các tác giả đã nhận được giải thưởng văn chương từ các tổ chức hội nghề nghiệp, cơ quan báo chí - xuất bản uy tín…

Quang cảnh Hội nghị Đại biểu Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX

Phát biểu khai mạc hội nghị, nhà văn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: “Ở bất kỳ thời đại nào, cuộc sống cũng tìm cách sinh ra những nhà văn của mình. Đó là trí khôn của lịch sử. Hội nghị Đại biểu Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX là hình ảnh thu nhỏ của một đội ngũ đông đảo những người viết văn trẻ đầy say mê và tự tin tham gia đời sống văn học trong những năm gần đây. Cuộc sống chào đón họ và có thể nói dành cho họ những điều kiện sáng tạo tốt nhất mà không thế hệ nào trước đó có được. Một không gian tinh thần rộng thoáng, một hiện thực vạm vỡ, mới mẻ đến ngỡ ngàng, một công chúng đông đảo mà dân trí được nâng cao từng ngày, tất cả tạo nên "một cánh đồng bất tận" cho các tài năng trẻ nảy nở và phát triển”.

Nhà văn Hữu Thỉnh nhận định: Sau 30 năm đổi mới, đồng hành với các cây bút trẻ là một lớp bạn đọc trẻ đầy thông minh, sở hữu một vốn sống, sở thích, thị hiếu khác hẳn trước. Họ mong mỏi tìm thấy những đại diện tinh thần của họ, trông đợi và ủy thác cho các nhà văn cùng thế hệ với họ nói lên thật đích đáng và say lòng người tất cả những gì đang làm nên diện mạo và cốt cách của xã hội ta hôm nay. Bất luận lý do gì, chúng ta không có quyền để bạn đọc phải thất vọng.

Chia sẻ với các đai biểu viết văn trẻ Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: “Trong xu thế mở cửa, rộng thoáng có rất nhiều trào lưu nghệ thuật của thế giới được giới thiệu tại nước ta, dưới nhiều hình thức. Chúng ta hoan nghênh những cố gắng tạo ra các cửa sổ để nhìn ra thế giới. Chúng ta trân trọng đón lấy các cơ hội mà sự nghiệp đổi mới đem lại. Tuy vậy, chúng ta nên tiếp thu thế giới trong tâm thế chủ động và phải đứng vững trên mảnh đất của văn hóa dân tộc để tìm cho được các tinh hoa của nhân loại và quyết tránh đi vào "vết xe đổ" trong "bãi thải" văn hóa của thế giới. Quan tâm đổi mới hình thức là cần thiết để khắc phục sự nhàm chán và cũ kỹ. Nhưng, bẻ một cặp thơ lục bát ra làm mấy dòng, viết một mạch không chấm câu, hoặc miêu tả tỉ mỉ những cảnh sau màn the... thì quá dễ so với việc tiếp biến các tinh hoa đích thực của thế giới để vươn tới đỉnh cao. Các trường phái không cứu được tài năng. Trong văn học, cái còn lại cuối cùng là tư tưởng, tình cảm và nghệ thuật được nung chảy để trở thành các hình tượng nghệ thuật có sức ám ảnh khôn nguôi".

Trong khuôn khổ hội nghị sẽ có nhiều hoạt động phong phú như Dạ hội Thơ “Bản hòa âm tháng 9” (diễn ra vào 20 giờ ngày 28-9) tại Nhà Văn hóa Học sinh Sinh viên Hà Nội do Ban Nhà văn Trẻ tổ chức. Chương trình sẽ có phần đọc thơ, trình diễn thơ, giao lưu với một số gương mặt thơ, văn, lý luận phê bình, dịch thuật.

Ngày 29-9, tại Bảo tàng Văn học sẽ diễn ra 2 tọa đàm, trao đổi, bàn thảo một số nội dung liên quan đến ý thức, thái độ, công việc sáng tác và tác phẩm của người trẻ trước thời cuộc, trước thực tế xã hội, cũng như những vấn đề tìm tòi, đổi mới nghệ thuật và nỗ lực làm mới, làm khác trong sáng tác trẻ. Nội dung hai tọa đàm là: “Văn trẻ  - Nhập cuộc và sáng tạo” và “Thơ trẻ - Truyền thống và cách tân”. 

MAI AN/ SGGP