Thứ hai, 20/2/2012, 14h02

Đổi mới phương pháp dạy, trẻ tự tin vào lớp 1

Trẻ tham gia ngày hội hóa trang

Tại quận Phú Nhuận, Trường Mẫu giáo Hương Sen đã triển khai thực hiện chuyên đề “Đổi mới phương pháp dạy học” bằng việc sử dụng phương pháp dạy học hợp tác và gợi mở. Từ đó các tiết học với mục đích “cô dạy hay - trẻ học tốt” có sử dụng CNTT sinh động hơn, không còn nặng nề, buồn tẻ.
Cách đổi mới
Trước hết có thể coi đổi mới chương trình giảng dạy là nhiệm vụ hàng đầu với định hướng dạy học bám sát mục tiêu phát triển lứa tuổi, năng lực của trẻ và phù hợp với tình hình thực tế từng lớp học. Trong đó đặc biệt chú trọng kỹ năng bản thân cho bé dưới 5 tuổi như: Kỹ năng tự phục vụ sắp xếp đồ dùng và vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trong - ngoài lớp. Hình thành các thói quen ăn uống vệ sinh, hành vi văn minh cho trẻ bằng các tiết dạy theo kỹ năng, sự kiện, tình huống và chủ đề. Mỗi bài học đều có yêu cầu cụ thể, không chung chung hoặc mơ hồ. Những điểm mới của trường về cách dạy trẻ như: Học Anh văn với người nước ngoài, đưa dân ca và nhạc cụ dân tộc vào trường mầm non, ưu tiên các đề tài về môi trường sống, các món ăn dân dã và những loài hoa đặc biệt…
Trong đổi mới hình thức giảng dạy, giáo viên dạy theo nhóm lớn nhóm nhỏ trên tinh thần bắt tay hợp tác và thỏa thuận. Dựa trên kinh nghiệm sống ban đầu của trẻ để dạy tích hợp, nâng cao giáo dục giáo dưỡng và xây dựng mục đích hoạt động. Hoạt động góc hay hoạt động ngoài trời sẽ tạo nên những không gian mở cho trẻ. Thông qua đóng vai, vật thay thế mà trẻ có thêm “đất dụng võ” phát huy được năng lực và tính cách cá nhân.
Đổi mới đồ dùng dạy học ở trường mầm non là hướng tới các học cụ đơn giản, rẻ tiền, sử dụng các vật phế thải nhưng phải đa dạng và đạt hiệu quả cao. Không chỉ tạo sự hứng thú mà còn kích thích được trí tưởng tượng và sự ham hiểu biết của trẻ. Môi trường thực hiện cũng được “cải tổ” như ngoại khóa ngoài công viên, nhà sách, khu vui chơi, siêu thị chứ không chỉ bó hẹp trong lớp học hay ngoài sân trường. Nên lưu ý, các hoạt động này phải có sự thỏa thuận và phối hợp tích cực của phụ huynh nhằm giúp trẻ tiếp xúc với môi trường xã hội bên ngoài một cách thực tế để hình thành kỹ năng sống. Nhà trường giúp phụ huynh và các bé hiểu rõ về chương trình giáo dục mầm non thông qua việc trang trí môi trường theo từng chủ đề hay sự kiện.
Ngoài các hoạt động lễ hội thường xuyên như lễ hội mùa xuân, Noel, 20-11 hàng năm, đổi mới trong hoạt động lễ hội của trường theo các sự kiện khác có ý nghĩa giáo dục cao của cộng đồng như: Lễ giỗ tổ Hùng Vương, Ngày hội hóa trang, Nhớ ngày của mẹ, Ngày của cha… Quy mô lớn nhỏ của lễ hội phải chú ý thay đổi theo từng sự kiện và đặc biệt có sự phối hợp cả ba khối tuổi vào chung một hoạt động. Kinh nghiệm cho thấy cách tổ chức này giúp cho trẻ nhỏ tự tin và mạnh dạn hơn. Trẻ lớn chứng tỏ được khả năng của mình đồng thời thể hiện rõ tính đồng đội và sự phối hợp cao.
Hiệu quả rõ rệt
Có thể thấy, sau thời gian thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, chất lượng chuyên môn nhà trường được nâng cao rõ rệt. Việc tổ chức hoạt động của giáo viên có chiều sâu và tận dụng được CNTT vào bài giảng một cách hợp lý. Từ những hình ảnh đơn điệu, nghèo nàn, bài giảng đã có tư liệu phong phú, hình ảnh động, phim nhạc sinh động tạo sự hứng thú và kích thích trí tưởng tượng nơi trẻ.
Nếu trước đây nhà trường phải mua sắm nhiều thì bây giờ việc làm học cụ cũng đơn giản và dễ dàng hơn do tận dụng các nguyên vật liệu phế thải tại chỗ, giảm tải sức lao động cho giáo viên. Trong từng tiết học, các cháu năng động, nhanh nhẹn và tự tin hơn khi tham gia các hoạt động. Bên cạnh đó, sự đổi mới trong hình thức hoạt động đã tạo cho trẻ kỹ năng học nhóm, biết thỏa thuận, biết phân công giao nhiệm vụ và hoàn thành được công việc. Đây là nền tảng hình thành nhân cách và thói quen ứng xử của trẻ trong tập thể một cách hữu hiệu.
Bùi Thị Ánh Hồng
(Phó hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hương Sen, Phú Nhuận)
Phương châm “Lấy trẻ làm trung tâm” góp phần tạo điều kiện cho trẻ năng động, sáng tạo trong hoạt động, có thái độ tích cực, rèn luyện kỹ năng sống trong xã hội và hình thành nhân cách cho trẻ. Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học hình thành cho trẻ kiến thức và kỹ năng sống để tự tin bước vào lớp 1, góp phần tích cực trong việc hoàn thành chương trình phổ cập trẻ 5 tuổi theo đúng chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.