Thứ bảy, 6/1/2018, 22h49

Đổi mới quản lý chuyên môn ở trường THCS

Ví như một nhạc trưởng chỉ huy dàn hợp xướng, hiệu trưởng phải luôn truyền cảm hứng cho giáo viên, khơi dậy, nuôi dưỡng niềm đam mê và động lực của họ trong quá trình đổi mới; coi sự đổi mới để phát triển nhà trường như là một phần tất yếu của cuộc sống, là niềm vui, niềm hạnh phúc nghề nghiệp.

Theo tác giả, muốn đổi mới thành công, người hiệu trưởng phải truyền cảm hứng cho giáo viên tiếp nhận cái mới, cải tiến phương pháp giảng dạy… Trong ảnh: Học sinh THCS thực hành kỹ thuật chụp ảnh tại đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM). Ảnh: N.Anh

Có thể nói, đổi mới tư duy trong hoạt động quản lý chuyên môn là việc làm cấp thiết của người hiệu trưởng thể hiện qua nhận thức và vận dụng trong một số hoạt động giáo dục, nhất là ở trường THCS trong giai đoạn mới.

Thứ nhất, hiểu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung đổi mới; nắm bắt chương trình giáo dục phổ thông mới để chỉ đạo giáo viên thực hiện đổi mới chuyên môn mạnh mẽ và có chiều sâu. Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới thể hiện nhiều nét mới tiến bộ của thời đại: các hình thức tích hợp hoặc phân hóa, đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, xác định các chuẩn năng lực chung và năng lực chuyên môn. Người hiệu trưởng tiếp nhận lý luận, nội dung quản lý mới, nhất là việc xây dựng và thực thi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể gắn với vị trí, nhiệm vụ của người đứng đầu. Từ đó chỉ đạo giáo viên xác định yêu cầu đối với bộ môn, xây dựng kế hoạch giảng dạy cá nhân và thiết kế bài giảng phù hợp với từng chủ đề, từng đối tượng học sinh, tổ chức nhiều hoạt động để phát triển tốt nhất tiềm năng mỗi học sinh.

Thứ hai, vai trò của giáo dục không phải là tích tụ tri thức mà là thức tỉnh tiềm năng sáng tạo to lớn trong mỗi con người.

Hiệu trưởng triển khai các phương pháp dạy học phát huy tính tích cực của học sinh. Các hình thức học tập được đa dạng hóa để học sinh có điều kiện phát huy năng lực: tổ chức làm việc nhóm, thảo luận, thuyết trình, nghiên cứu khoa học, trải nghiệm thực tiễn, khuyến khích học sinh học tập lẫn nhau, biết tự đánh giá năng lực của mình và của bạn, biết tranh luận, phản biện. Những hoạt động giúp nâng cao tay nghề giáo viên như: dạy học theo dự án, dạy học nêu vấn đề, dạy theo chủ đề, dạy học tích hợp liên môn, thực hiện dự án STEM, bồi dưỡng năng lực tổ chức các hoạt động... cần được tiến hành thực chất và thường xuyên chứ không phải chỉ để đối phó.

Đổi mới phương pháp giảng dạy cần phải song hành với đổi mới cách kiểm tra đánh giá học sinh, thể hiện qua cách ra đề kiểm tra, cách tổ chức thi cử và các hoạt động khác. Học sinh không chỉ được kiểm tra kiến thức thông qua ghi nhớ mà còn được đánh giá kết quả học tập bằng nhiều phương pháp, hình thức, công cụ khác nhau, qua rèn luyện các chủ đề đạo đức, thực hành, thí nghiệm, các hoạt động giáo dục, trải nghiệm thực tế.

Với tư duy đổi mới, hiệu trưởng kiên quyết chống lại những cách làm cũ, lạc hậu, lỗi thời, thường xuyên kiểm tra để uốn nắn, ngăn chặn lối dạy chay, thuyết giảng suông, áp đặt, nhồi nhét kiến thức, bỏ qua thực hành, thí nghiệm, dạy làm văn theo bài mẫu cho sẵn, học từ chương, học tủ, ra đề thi kiểu chỉ ghi nhớ kiến thức và thiếu vận dụng vào thực tế; không chấp nhận ý kiến trái chiều...

Thứ ba, đẩy mạnh mô hình “trường học mở rộng”. Việc học ngày nay không còn giới hạn trong bốn bức tường lớp học. Nhà trường tạo điều kiện cho học sinh có nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế, vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống; hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật, thực hành, tham quan dã ngoại, tham gia các cuộc thi sáng tạo, thi tìm hiểu kiến thức cuộc sống, tìm hiểu nghề nghiệp tương lai, thực hiện các dự án vì cộng đồng, thăm gia đình chính sách, làm công tác xã hội, từ thiện, bảo vệ môi trường, tổ chức các hoạt động hợp tác giao lưu với trường bạn.

Thứ tư, nhận thức phương pháp dạy học cá thể hóa là phương pháp giáo dục mới hiệu quả. Hiệu trưởng thúc đẩy giáo viên giảng dạy theo hướng đáp ứng tính đa dạng về trình độ, tính cách của học sinh. Yêu cầu giáo viên chú ý quan sát tìm hiểu đặc điểm của học sinh, chú ý tính khác biệt của học sinh khi soạn giáo án, khi lên kế hoạch tổ chức hoạt động, khi ra đề kiểm tra đánh giá; sử dụng rộng rãi những phương tiện dạy học hiện đại; giúp giáo viên thấy được tính nhân văn của phương pháp dạy học cá thể hóa, từ đó giáo viên sẽ tôn trọng nhân cách học sinh, thấy được giá trị của từng con người cụ thể, tránh những lời nói và hành động làm xúc phạm tổn thương các em, cải thiện mối quan hệ thầy trò, biết trân trọng ý kiến và sản phẩm của các em dù chưa hay, chưa đạt lắm; luôn động viên, thúc đẩy, ghi nhận mặt tốt của từng học sinh; tích cực ngăn chặn những biểu hiện thiếu sư phạm diễn ra trong trường học.

Thứ năm, hiểu rõ và nắm bắt xu hướng “trường học kết nối”. Hiệu trưởng đẩy mạnh các hoạt động CNTT trong nhà trường, tổ chức cho giáo viên và học sinh học tập và ứng dụng CNTT, truyền thông trong dạy học; tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện giảng dạy, xây dựng mạng nội bộ, thiết kế trang web, phổ biến những trang web và phần mềm phục vụ cho học tập và giảng dạy, sử dụng thư viện điện tử tiến tới học trực tuyến một số môn trên mạng. Ngoài ra, hiệu trưởng còn khuyến khích giáo viên học ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu của nền giáo dục thời hội nhập.

Tóm lại, để đổi mới thành công, người hiệu trưởng cần làm gương và truyền cho giáo viên niềm cảm hứng tiếp nhận cái mới, có động lực cải tiến phương pháp giảng dạy; không ngừng học hỏi, rèn luyện thông qua lý luận và thực tiễn, qua kiến thức giáo dục trong và ngoài nước, qua kinh nghiệm thực tiễn của trường bạn. Có vậy mới đưa tập thể sư phạm nhà trường thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới giáo dục, bồi dưỡng vun trồng thế hệ trẻ thành những người chủ tương lai của đất nước.

Trần Thị Minh Thi
(Thạc sĩ quản lý giáo dục)