Thứ ba, 7/2/2017, 21h15

Đổi mới thi cử: Nỗ lực đầu năm

Quyết liệt và khẩn trương đổi mới thi cử là điều xã hội ghi nhận được ngay trong những ngày đầu năm mới sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2017.

Ngay trong những ngày các trường còn nghỉ Tết, Bộ GD-ĐT đã ban hành quy chế thi THPT quốc gia 2017 và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy 2017. Dư luận đánh giá nội dung các quy chế trên có những thay đổi quan trọng, mang lại nhiều thuận lợi hơn cho thí sinh (TS). Cụ thể, theo quy chế thi THPT quốc gia, từ năm nay mỗi tỉnh, thành tổ chức một cụm thi; TS ở huyện thị nào thì thi ở huyện thị đó; thời gian thi rút ngắn chỉ còn 2,5 ngày.

Quy chế tuyển sinh ĐH được xây dựng theo hướng giao quyền tự chủ cho các trường. Cụ thể, từ năm 2018 trở đi, sau khi các trường ĐH, CĐ đã công khai đầy đủ các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng (cơ sở vật chất, trang thiết bị, học liệu), đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo, mỗi trường được tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) cho trường mình; TS được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường; các trường được xét tuyển bổ sung nhiều lần; các trường có thể không sử dụng kết quả thi THPT mà có thể xét tuyển theo học bạ THPT hoặc tổ chức thi riêng.

Ngoài thuận lợi, phụ huynh và TS càng yên tâm hơn khi phát biểu với truyền thông, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định quy chế thi và tuyển sinh sẽ ổn định trong những năm tiếp theo.

Nếu nhìn lại ba năm trước và so sánh, chúng ta nhận thấy những thay đổi trên là hết sức lớn lao. Vâng. Còn nhớ từ năm 2014 trở về trước, cả nước có quá nhiều đợt thi mang tầm quy mô cả nước với thời gian kéo dài, là nỗi sợ của TS và phụ huynh. Vào đầu tháng 6 hàng năm, cả nước diễn ra kỳ thi THPT với khoảng trên dưới một triệu TS. Một tháng sau, đầu tháng 7, lại diễn ra kỳ thi tuyển sinh ĐH, chia làm 2 đợt với khoảng 1,5 triệu lượt TS. Những ngày này các tỉnh, thành lớn trong cả nước - nơi tập trung nhiều trường ĐH, CĐ như sôi lên. Chưa hết, đến giữa tháng 7 lại thêm đợt thi cho các trường CĐ và qua tháng 8 còn một đợt thi nữa cho các trường THCN. Phụ huynh và TS mệt nhoài vì mất ăn mất ngủ, tốn kém tiền bạc.

Đó là chưa kể hàng loạt hiện tượng tiêu cực được truyền thông và dư luận phê phán trong các kỳ thi THPT: Giám thị coi thi làm ngơ cho TS quay cóp, phao thi trắng sân trường sau mỗi buổi thi, giám thị nâng điểm hàng trăm bài thi…

Trước tình hình này, dư luận xã hội yêu cầu cần phải gấp rút đổi mới thi cử. Vấn đề này không chỉ được đặt ra trong ngành giáo dục mà còn được bàn bạc ở cả nghị trường Quốc hội. 

Sau một thời gian lắng nghe các ý kiến góp ý, một sự kiện quan trọng vào giữa tháng 4-2007 là Bộ GD-ĐT chính thức đưa ra dự thảo “Đề án đổi mới kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ”. Đề án được xem như là cuộc đổi mới toàn diện thi cử với sự đồng tình của Chính phủ. Định hướng cốt lõi của đề án đổi mới là bỏ thi ĐH, kết hợp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH làm một. Kết quả của kỳ thi được dùng để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Mục đích của việc đổi mới này không chỉ là giảm áp lực mà còn xóa tiêu cực trong thi cử.

Đến năm 2015, kỳ thi “2 trong 1” mới chính thức được thực hiện. Và đề án đổi mới thi cử tiếp tục được điều chỉnh, đến nay, năm 2017, sau đúng 10 năm, đề án đổi mới thi cử có diện mạo như các nhà thiết kế vạch ra. Tuy chưa phải là hoàn toàn mỹ mãn nhưng hy vọng từ kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ không còn những xáo trộn lớn. Bởi vậy, phát biểu của Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, quy chế thi và tuyển sinh sẽ ổn định những năm tiếp theo là có cơ sở để tin tưởng.

Từ Nguyên Thạch