Thứ ba, 18/4/2017, 22h15

Đội ngũ kế thừa cho sân khấu - điện ảnh: Kỳ 1: Trăn trở trăm bề

LTS: Nhu cầu đào tạo đội ngũ kế thừa cho ngành sân khấu, điện ảnh luôn đòi hỏi yêu cầu ngày càng cao để đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ của khán giả. Thế nhưng với thực trạng hiện nay cứ kéo dài, liệu rồi đây, chất lượng đào tạo đội ngũ kế thừa sẽ ra sao?

Diễn viên trẻ của Nhà hát Trần Hữu Trang đang luyện tập cho một vở diễn

Tre già, măng ít

Hiện nay, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM là hai cái nôi đào tạo chính quy cho các ngành sân khấu - điện ảnh - truyền hình trên cả nước. Hai trường ĐH này chủ yếu là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mang tính chất đặc thù. Vì vậy, lượng thí sinh thi tuyển vào các trường ĐH này không đông như một số trường khác, trong đó thực sự có ít những SV có tố chất, năng khiếu và đam mê với nghề. Tại khu vực phía Nam, suốt nhiều năm qua, hầu hết lực lượng diễn viên sân khấu, điện ảnh, cải lương thành danh trên con đường nghệ thuật đa phần đều xuất thân từ  ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM (tiền thân là Trường Nghệ thuật Sân khấu, Điện ảnh Việt Nam và Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh). Đây là điểm xuất phát của rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng hiện nay, là niềm mơ ước của rất nhiều bạn trẻ mong muốn được bước vào con đường nghệ thuật. Bên cạnh đó, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM cũng được xem là nơi cho ra lò nhiều tên tuổi gắn bó với ngành sân khấu - điện ảnh.

“Có bột mới gột nên hồ” - câu nói cửa miệng của giới sân khấu chẳng biết có từ bao giờ, nhưng sự thiếu hụt trầm trọng đội ngũ những người làm sân khấu - điện ảnh chất lượng thật đáng lo ngại trong xu hướng phát triển về nhu cầu của xã hội hiện nay. Đội ngũ những người làm nghệ thuật sân khấu ngày càng lớn tuổi cũng đồng nghĩa với sự mai một. Một thực tế không thể phủ nhận hiện nay là lớp “tre” đã già nhưng số lượng “măng” mọc lại quá ít, không đủ để đáp ứng thực tế. Do đó, lớp hậu sinh kế cận để làm việc “gìn vàng giữ ngọc” cho muôn đời sau là bài toán trăn trở của những người gạo cội. Số lượng giảng viên cơ hữu của các trường đào tạo các lĩnh vực sân khấu dân tộc ngày càng hạn chế. Những thầy giỏi trong lĩnh vực sân khấu truyền thống tuổi đã cao, trong khi giảng viên trẻ chưa đủ trải nghiệm thực tế. Những SV giỏi sau khi học xong hầu hết muốn thực hành nghề nghiệp chứ không mấy ai tha thiết muốn nghiên cứu tiếp để quay về trường giảng dạy.

Bên cạnh đó, không ít những nghệ sĩ thuộc thế hệ đi trước đang đau đáu về cái gọi là “ý thức thẩm mỹ” của thế hệ trẻ đang thay đổi quá nhanh chóng. Ngày nay, nhu cầu giải trí mang tính thực dụng dễ nghe, dễ nhìn, dễ cảm một cách hời hợt, gấp gáp đã dẫn đến việc làm ra những sản phẩm văn hóa vội vàng. Sân khấu - điện ảnh Việt Nam có nhiều tiềm năng về đạo diễn và biểu diễn nhưng vẫn còn những điểm yếu ở lực lượng sáng tác trẻ. Giải thưởng Cánh diều 2016 vừa qua đã phần nào cho thấy rằng điện ảnh Việt Nam hiện nay phần lớn chỉ tập trung vào đề tài tình yêu một cách thừa thãi, không cảnh báo hoặc thức tỉnh được về những vấn đề xã hội nhức nhối. Theo đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân, “Phim ảnh Việt Nam đang ở một mức thấp, thấp hơn rất nhiều so với con đường mà điện ảnh thế giới đang đi. Chúng ta thiếu các tác phẩm có được tiếng nói sâu sắc, mạnh mẽ về các vấn đề xã hội. Nhiều phim Việt như một virus lây lan, chi tiết “bày trò” ngày càng thừa thãi, không biết để làm gì. Điện ảnh Việt sẽ ngày càng bị mất mát, bị mất khán giả”. Có thể thấy khâu kịch bản viết thật sự chưa đủ sức thuyết phục người đọc, người xem, diễn viên thiếu đất diễn. Một số các tác giả trẻ chỉ đi sâu vào các đề tài giải trí thuần túy như đồng tính, kinh dị, điều tra vụ án... bởi cái họ cần trước mắt là có khán giả, có doanh thu, bảo toàn đồng vốn...

Cung - cầu lệch pha

Cung - cầu trong ngành sân khấu - điện ảnh đều cần nhưng tình trạng đáng báo động hiện nay là đang có một sự “lệch pha”. Ðầu vào khan hiếm dẫn đến đầu ra càng khó khăn hơn khi lớp diễn viên có nghề tuổi đã cao mà lớp diễn viên trẻ kế cận lại vắng bóng. Sân khấu lúc này thiếu những đạo diễn có tài nhưng những người dám thi vào chuyên ngành này chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Một thực tế không thể phủ nhận hiện nay là lớp “tre” đã già nhưng số lượng “măng” mọc lại quá ít, không đủ để đáp ứng thực tế. Do đó, lớp hậu sinh kế cận để làm việc “gìn vàng giữ ngọc” cho muôn đời sau là bài toán trăn trở của những người gạo cội.

Nhiều lò đào tạo, nhiều nơi đào tạo nhưng không phải ai cũng có vai, có người chỉ được vài vai quần chúng thậm chí là một vài vai thứ chính... rồi mất tăm. Có thể nói diễn viên hiện nay dư thì vẫn có dư mà thiếu thì vẫn thiếu. Dư người diễn không nghề, thiếu những người diễn hay. Không ít khán giả than phiền rằng cứ mở ti vi lên nhìn thấy dàn diễn viên là biết ngay phim đó là của đạo diễn nào vì họ đào tạo nên họ phải lăng xê diễn viên của mình... Thế nên, coi nhiều phim nhưng có lúc khán giả tưởng là một phim vì cũng diễn viên đó, trang phục đó, bối cảnh đó... nhưng lại phim khác nhau.

Theo nhiều nhà chuyên môn, vấn đề đào tạo đội ngũ kế thừa sân khấu - điện ảnh hiện nay đang có quá nhiều những bất cập. “Trường đào tạo thiếu giảng viên giỏi nghề và có kinh nghiệm. Chương trình đào tạo nặng về lý thuyết. Với đặc thù riêng của ngành nên cần đào tạo kỹ năng là chính trong khi hiện nay chương trình đào tạo quá nặng về lý thuyết mà ít thực hành cho SV cả về diễn xuất, quay phim hay đạo diễn...”, thạc sĩ, đạo diễn Hoàng Duẩn cho biết.

Về phía các hãng phim tư nhân, lợi thế là họ chỉ tập trung vào việc đào tạo nghề với thời gian rất nhanh và diễn viên nhanh chóng có vai diễn. Tuy nhiên, lại dẫn đến những bất cập là việc đào tạo diễn viên quá dễ, chẳng cần có giấy phép gì, chỉ cần hãng phim hay một cá nhân nào đó (có thể là không biết diễn, chưa qua trường lớp đào tạo) có tham gia phim kể cả chỉ là những vai quần chúng, cũng có thể mở lớp dạy diễn xuất... Nhiều hãng phim tự đào tạo cho hãng của mình. Thực tế, đó chỉ là những lớp bồi dưỡng ngắn hạn, diễn viên có năng khiếu bẩm sinh vào các đơn vị này được rèn nghề rất nhanh và hãng phim sẽ nhanh chóng giao vai cho các diễn viên này. Thực trạng này tạo nên sự ngộ nhận là làm diễn viên quá dễ. Chẳng cần phải học lâu dài tốn mấy năm trời mà vẫn làm diễn viên được, thậm chí là thành ngôi sao rất nhanh nhờ các công nghệ lăng xê của hãng.

Bài, ảnh: Yên Hà