Thứ bảy, 22/4/2017, 23h22

Đội ngũ kế thừa sân khấu - điện ảnh: Kỳ cuối: Cần có tiếng nói chung

Đào tạo đội ngũ kế thừa chất lượng cho sân khấu - điện ảnh là nhu cầu hết sức cấp bách. Đó là trăn trở của những người trong cuộc, gắn bó và tâm huyết với ngành sân khấu - điện ảnh như một phần máu thịt của mình.

Đạo diễn Lê Văn Tỉnh (thứ 2 từ phải sang) - người đã đào tạo thành danh nhiều thế hệ học trò như NSƯT Thành Lộc, Thanh Bạch, Đại Nghĩa… Ảnh: T.L

NSƯT Trần Minh Ngọc: Thay đổi để làm mới

Thế hệ nghệ sĩ trẻ ngày nay nhanh nhẹn, linh hoạt, tiếp nhận nhanh nhưng một số khi mới vào nghề lại bị yếu tố kinh tế chi phối quá nhiều nên dẫn đến những mặt  hạn chế. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn dạy, truyền đạt cho các em theo phương pháp cũ, không có sự thay đổi nhiều.

Muốn vực dậy cần có sự làm mới, cần những cuộc trao đổi cởi mở để tìm ra tiếng nói chung, cần có sự quan tâm đúng mức. Đào tạo nguồn đội ngũ kế thừa cho sân khấu - điện ảnh chất lượng cao trong lĩnh vực nghệ thuật không thể chỉ là sản phẩm mang tính chất thụ động của thực tại. Ðào tạo nguồn nhân lực phải dự báo trước tương lai và khẳng định được lẽ sinh tồn của văn hóa. Nó phải mang sứ mệnh của chiến lược phát triển. Cơ chế nào để có thể thực hiện sứ mệnh ấy, đó là điều cần phải suy nghĩ. Đối với các cơ sở đào tạo bên ngoài, nên có những quy định như: phải có bằng diễn viên hay danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, hoặc là diễn viên được công chúng biết đến với diễn xuất tốt... thì mới được đứng lớp giảng dạy. Điều này khó nhưng có lẽ phải nên làm trong tương lai.

Thạc sĩ, đạo diễn Hoàng Duẩn, Khoa Quản lý Văn hóa, ĐH Văn hóa TP.HCM: Tăng cơ hội cọ xát cho SV

Nhà trường nên tăng cường kết nối với các hãng phim, các đài truyền hình, tạo thương hiệu bằng việc đào tạo và cung cấp đội ngũ có chất lượng về nghề nghiệp. Nên có một “hội nghị khách hàng” giữa nhà trường và các hãng phim, từ đó các hãng không cần phải tốn công đào tạo, nhà trường thì có đầu ra cho SV... Tuy nhiên, phải có được đội ngũ thầy giáo giỏi nghề, có kinh nghiệm thì sản phẩm đầu ra mới được các hãng phim tin dùng. Về phía các trường chính quy, nên có sự quy tụ giảng viên giỏi về tham gia giảng dạy bằng các chế độ đãi ngộ. Ngoài ra, nên có sự thông thoáng hơn trong giờ giấc đào tạo, một vài giờ lên lớp của một giảng viên giỏi có thể hơn cả tuần của giảng viên chưa có kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, các trường nên nhận đặt hàng các sản phẩm từ các hãng phim, các đơn vị sản xuất về gia công để tăng cơ hội cọ xát cho SV và giảng viên. Các trường ĐH thuộc khối ngành tự nhiên đã làm việc này từ lâu.

Đạo diễn Lê Văn Tỉnh: Cần sự thay đổi đồng bộ

Nền sân khấu - điện ảnh đi xuống khi thiếu những tác phẩm đỉnh cao. Hiện nay, nhiều nghệ sĩ trẻ mãi chạy theo xu hướng mới, diễn xuất không có tâm lý. Tôi từng chứng kiến vì áp lực chạy “sô” mà nhiều nghệ sĩ trẻ không thuộc lời thoại. Thử hỏi như vậy thì làm sao họ dành trọn tâm huyết của mình cho vai diễn. Một nền sân khấu - điện ảnh vì đồng tiền chi phối, chạy theo xu hướng, tâm lý thị trường mà diễn hời hợt, hài nhảm, không đi sâu vào đời sống sẽ mất dần đối tượng khán giả. Chúng ta cần hướng đến một nền sân khấu - điện ảnh phải gắn với yếu tố tâm lý, mang tính giáo dục, hướng người xem đến những câu chuyện nhân văn. Sân khấu - điện ảnh muốn có nhiều tác phẩm hay, tầm cỡ, bên cạnh khâu kịch bản còn cần có sự thay đổi đồng bộ, tính chuyên nghiệp tổng thể từ các khâu như: đạo diễn, đội ngũ diễn viên tài năng, sáng tạo và kinh phí. Nên động viên và hỗ trợ SV tham gia các cuộc thi. Từ đó, khẳng định được việc đào tạo chính quy có khác biệt nào với đào tạo bên ngoài.

Bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM: Cần có tầm nhìn

Đào tạo đội ngũ kế thừa trong sân khấu - điện ảnh là điều nên làm ngay từ lúc này. Sẽ hết sức khó khăn khi chúng ta đang thiếu đội ngũ những người kế thừa sân khấu - điện ảnh chất lượng, không chỉ thiếu đạo diễn, biên kịch mà còn cả thư ký trường quay, âm thanh, ánh sáng... Những nhà quản lý văn hóa cần có tầm nhìn, chiến lược xa cho việc phát triển điện ảnh, sân khấu trong 10 năm, 20 năm tới. Cần có những cơ chế để khuyến khích tài năng, khuyến khích sáng tạo, hỗ trợ đời sống và tháo gỡ khó khăn cho ngành. Bức tranh ấy hiện nay đang có màu tối, hơi ảm đạm nhưng vẫn có quyền hy vọng nếu chúng ta kiên trì đấu tranh, tìm hướng đi mới và tiếp tục chờ đợi.

Đạo diễn - NSƯT Công Ninh, Trưởng khoa Đạo diễn Sân khấu - Điện ảnh, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM: Tránh việc học “chay”

So với SV các trường sân khấu - điện ảnh ở các nước trong khu vực và trên thế giới, SV ngành sân khấu - điện ảnh nước ta vẫn còn phải học trong những môi trường thiếu thốn về cơ sở vật chất. Nhiều học phần các em chỉ học “chay” chứ không được áp dựng thực tế, máy móc cũ kỹ... Điều đáng lo ngại hiện nay là không ít người trẻ hời hợt, mải lo tìm kiếm cơ hội tỏa sáng cho mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường mà quên đi nhiệm vụ chính là học tập, rèn luyện. Điều này có thể thông cảm cho các em vì gánh nặng mưu sinh, vì áp lực kinh tế nhưng thử hỏi, nếu cứ mải chạy “sô” thì những giờ hiếm hoi có mặt ở giảng đường, các em sẽ tiếp thu bài vở, kiến thức còn hiệu quả được bao nhiêu. Bài vở không thuộc, động tác không nhớ, giọng khàn đục, hết hơi… thì lấy đâu sức đâu nữa để thực hành môn học. Hơn nữa, truyền thông cũng phải có trách nhiệm khi viết bài hay lăng-xê một ai đó. Diễn viên “tay mơ” trở nên “nổi tiếng” là cũng một phần do truyền thông mà ra.

Yên Hà