Thứ tư, 15/11/2017, 16h26

Đội ngũ nhà giáo TP.HCM: Thi đua yêu nước với ý thức trách nhiệm cao

Tôn sư trọng đạo, tinh thần hiếu học là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tri ân thầy cô giáo, sẻ chia với những nhọc nhằn khó khăn của thầy cô để động viên những người dẫn đường tiếp tục thực hiện thiên chức.

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Thị Dung gặp gỡ các em học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu nhân ngày khánh thành trường mới

Kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982/ 20-11-2017), Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với đồng chí Võ Thị Dung - Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM - xoay quanh sự kiện này.

Nhân dân cả nước đang nhiệt liệt kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, đồng chí có những chia sẻ, ghi nhận của lãnh đạo Thành ủy TP.HCM đối với những cống hiến của thầy cô giáo trong sự nghiệp “trồng người”?

- Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Thị Dung: Tôi không trực tiếp phụ trách lĩnh vực giáo dục, phụ trách cơ sở đảng chung của Đảng bộ TP. Tuy nhiên, qua theo dõi rất sát tình hình xây dựng tổ chức đảng, tổ chức đoàn thể trong các trường học và thông qua hoạt động khảo sát, những tìm hiểu… Tôi thấy rằng, sự nỗ lực của các nhà giáo trên địa bàn TP mình, hết sức đáng quý!

Đội ngũ thầy cô giáo, tuy còn nhiều khó khăn về chế độ, chính sách, về chuyển đổi, sửa đổi các chương trình giảng dạy đến điều kiện làm việc… Nhưng tinh thần, trách nhiệm của quý thầy cô giáo luôn quan tâm để chăm lo sự tiến bộ của học sinh và đặc biệt là cùng cộng đồng trách nhiệm với tập thể hội đồng sư phạm của nhà trường nhằm xây dựng trường đạt trường chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất hoặc đạt chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục, làm cho môi trường sư phạm ngày càng thân thiện - học sinh tích cực.

Tôi rất xúc động khi thấy, dù gặp nhiều khó khăn về đời sống, thu nhập, nhiều thầy cô có hoàn cảnh đặc biệt, gia đình neo đơn hay chồng, vợ công tác ngoài hải đảo, biên cương của Tổ quốc nhưng quý thầy cô vẫn nỗ lực vượt khó, vươn lên trong cuộc sống. Luôn thể hiện trách nhiệm, ý thức cao, tham gia tích cực vào các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước của ngành, các đoàn thể, cũng như việc thực hiện các chủ trương của Thành ủy, học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Sự hưởng ứng của thầy cô giáo nói riêng và của tập thể sư phạm, học sinh các trường thể hiện rất rõ nét.

Bên cạnh đó, ý thức tu dưỡng, rèn luyện để là những người thầy, người cô mẫu mực, là những CBQL, GV gương mẫu, phấn đấu trở thành đoàn viên, hội viên, trở thành đảng viên của Đảng.

Rõ ràng công tác xây dựng đảng trong các trường học phải đặc biệt được quan tâm. Vậy đồng chí đánh giá thế nào về công tác này đối với ngành giáo dục trong thời gian qua?

- Trong công tác xây dựng đảng của đội ngũ CBQL và giáo viên ở các trường thời gian qua rất tốt. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2017, kết nạp đảng viên mới đạt trên 500 thầy cô giáo, trong khi những năm trước tính cả năm chỉ phát triển đảng viên mới được từ 250-300 thầy cô giáo/toàn TP. Điều này thể hiện sự quan tâm, tập trung rất lớn từ Sở GD-ĐT đến các cấp ủy. Tôi rất mừng là các cấp ủy không chạy theo số lượng mà quan trọng nhất là chất lượng. Rồi quan tâm đến công tác đào tạo, gắn với việc phát triển đội ngũ, giáo dục, rèn luyện…

Tôi tâm đắc và thấy rõ là trong quá trình xây dựng đảng tại các cơ sở giáo dục có sự nhận thức, trách nhiệm cao của cấp ủy, chính quyền ở các quận/huyện, địa phương.

Điều đó thể hiện, chất lượng dạy và học khoảng cách đã được thu hẹp và có nhiều địa phương khoảng cách này không còn. Thậm chí có những trường ở những huyện ngoại thành rất tốt, tạo nên “thương hiệu”. Tiếp đó là cơ sở vật chất được các quận/huyện tập trung, đầu tư mạnh, trong quy hoạch mạng lưới trường lớp đến đầu tư sửa chữa, xây mới… rất nhiều ngôi trường khang trang - hiện đại, xanh - sạch - đẹp. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng CBQL, GV đến xây dựng tổ chức đảng tại các trường học được quan tâm.

Nhiều quận, huyện rất bài bản, chỉ đạo, lãnh đạo như quận 8 là một ví dụ điển hình. Cấp ủy của quận xác định rõ: Đối tượng phát triển đảng đầu tiên là thầy cô giáo trong Ban giám hiệu các trường, tiếp đó là các trưởng bộ môn, giáo viên dạy giáo dục công dân, cán bộ các đoàn thể với chỉ tiêu phấn đấu đạt từ 30 đến 35% và hiện tại quận 8 đã đạt 32%...

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận công tác này vẫn còn một số hạn chế như hiện nay hiệu trưởng chưa đạt 100% là đảng viên. Những trường hợp là giáo viên giỏi, tiêu biểu nhưng do lý lịch, hoàn cảnh gia đình… vi phạm tiêu chuẩn chính trị, không kết nạp vào đảng thì các cấp ủy phải quan tâm, đào tạo về mặt lý luận chính trị. Chứ không phải là đảng viên thì các cấp ủy không quan tâm tới đối tượng này. Cần động viên, chia sẻ để các thầy cô phấn đấu.

Theo đồng chí, cách nào để thầy cô bớt khó khăn toàn tâm toàn ý xây dựng sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển?

- Như tôi đã chia sẻ, dù khó khăn là thế nhưng trong cuộc sống, vẫn có biết bao thầy cô giáo đã vượt qua chính mình, để được trọn đạo làm thầy, để được tiếp tục gánh vác chức trách cao cả trong sự nghiệp “trồng người” cho thế hệ tương lai của đất nước, họ phải vượt qua bao khó khăn trở lực trong cuộc sống đời thường. Trách nhiệm của chúng ta là phải làm cho xã hội quan tâm hơn nữa đối với sự nghiệp giáo dục và để tinh thần hiếu học luôn được thắp sáng…

TP.HCM luôn quan tâm tới đội ngũ GV ở bậc học mầm non và tiểu học, cho thầy cô đang chăm sóc dạy dỗ cho con em người lao động, công nhân tại các KCX-KCN… Ngành cần mạnh dạn đề xuất điều chỉnh những chế độ, chính sách ưu đãi đối với đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên ngành giáo dục, tạo điều kiện thu hút những người giỏi đến với nghề sư phạm, giữ chân những GV giàu tâm huyết, giúp thầy cô giáo an tâm, vững lòng với nghề.

Bên cạnh đó, tôi mong muốn đây phải là sự quan tâm đặc biệt hơn nữa của Đảng, Chính phủ và Bộ GD-ĐT để sao cho trong lộ trình cải cách tiền lương quốc gia. Cần quan tâm, đi trước một bước về cải cách chế độ tiền lương cho đội ngũ thầy cô giáo để người thầy yên tâm với công tác giảng dạy của mình, mà không phải chi phối về “miếng cơm, manh áo”.

Tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ hiện nay, sắp tới sẽ có chính sách thiết thực, phù hợp hơn nữa để động viên thầy cô giáo yên tâm đứng trên bục giảng và hoàn thành tốt nhiệm vụ, vai trò của nhà giáo.

Đồng chí có lời nhắn gửi, động viên, chia sẻ nào tới đội ngũ CBQL, GV, NV ngành GD-ĐT TP nhân cả nước đang long trọng tổ chức kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam?

- Nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi xin trân trọng, ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của các thầy cô giáo TP. Kính chúc quý thầy cô giáo luôn mạnh khỏe, có nhiều sáng tạo trong giảng dạy, nâng cao trình độ, chuyên môn, đóng góp vào sự nghiệp GD-ĐT trong quá trình hội nhập. Nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, đặc biệt quan tâm giáo dục về đạo đức, góp phần đào tạo ra những học sinh - những con người hữu ích cho xã hội.

Qua đây, tôi cũng muốn gửi gắm một thông điệp “Tất cả các thầy cô giáo chúng ta hãy vì sự nghiệp giáo dục, vì những thế hệ tương lai cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và cho mục tiêu của TP là “TP có chất lượng sống tốt, văn minh - hiện đại - nghĩa tình””.

Xin trân trọng cám ơn đồng chí!

Lê Quang Huy
(thực hiện)