Thứ bảy, 5/3/2016, 21h53

“Đôi tay thông minh” của người khiếm thị

Cảm thông với những người khiếm thị, một học sinh  lớp 12 Trường THPT Phú Bài (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã sáng chế ra “Đôi tay thông minh” để giúp họ tự đi trên đường, điều khiển một số chức năng trên máy tính, hay nghe và gọi điện thoại.

Lê Ngô Duy Phong (thứ ba từ phải qua) nhận giải thưởng tại cuộc thi Tin học trẻ toàn quốc năm 2015

Sản phẩm trên được đánh giá có tính ứng dụng cao, đoạt giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh vừa qua. Hiện nay, tác giả mô hình trên - em Lê Ngô Duy Phong - đang hoàn thiện các tính năng của đôi găng tay này để tham dự cuộc thi cấp quốc gia.

Phong tâm sự: “Ước mơ làm một điều gì đó giúp đỡ những người khiếm thị em đã ấp ủ từ lâu lắm rồi khi em thấy họ di chuyển rất khó khăn. Nhưng mãi đến năm 2015 em mới có thể bắt tay vào thực hiện”. Ban đầu, để sáng chế ra sản phẩm trên, Phong lên mạng tìm đọc nhiều nguồn tư liệu khác nhau, sau đó em gặp gỡ và trò chuyện với những người khiếm thị tại Hội Người mù tỉnh. “Muốn làm được sản phẩm thì em phải thấu hiểu được người khiếm thị họ nghĩ như thế nào, họ muốn cái gì ở đôi găng tay để em có thể thực hiện tốt. Chính họ đã đưa ra nhiều lời khuyên bổ ích mà em rất cần”, Phong nói.

Chiếc găng tay thông minh bên phải

Hệ thống bàn phím trên đôi găng tay được phát triển dựa trên bảng chữ nổi Braille, giúp người khiếm thị dễ dàng sử dụng. 

Sau 8 tháng bắt tay vào thực hiện, cùng sự hướng dẫn của thầy Hoàng Minh (giáo viên trong trường), Phong đã hoàn thành đôi găng tay mang tên “Đôi tay thông minh”. Phong cho biết chức năng của “Đôi tay thông minh” là tích hợp nhiều yếu tố hỗ trợ cho người khiếm thị trong cuộc sống hàng ngày. Theo đó, “Đôi tay thông minh” gồm hai găng tay: Găng tay trái đóng vai trò như là bộ phận hỗ trợ nghe, gọi điện thoại bằng cách tích hợp module SIM900A để thực hiện các giao tiếp nhận và thực hiện cuộc gọi. Nếu có cuộc gọi đến thì găng sẽ rung và kết hợp còi báo, người khiếm thị chỉ cần ấn phím để nghe. Trong khi đó găng tay phải đóng vai trò bảng điều khiển máy tính từ xa và chiếc gậy dò đường thông minh. Cảm biến siêu âm HC-SR04 sẽ đóng vai trò dò tìm vật cản trong phạm vi cách đó 1m, thực hiện kiểm tra điều kiện, nếu phát hiện có vật cản, bộ xử lí trung tâm Arduino 2 sẽ đưa ra báo động bằng còi và rung giúp người khiếm thị nhận biết, xác định hướng đi, đường đi, đảm bảo độ an toàn khi di chuyển. Còn hệ thống bàn phím trên găng tay được sử dụng như một bảng điều khiển từ xa, mỗi phím đóng một chức năng khác nhau, người dùng chỉ cần ấn phím, lệnh ấn phím sẽ được bộ phát sóng điện từ nRF24L01 Transporter truyền đi. Sóng điện từ được điều khiển phát lệnh bởi mạch xử lí trung tâm gửi đến mạch xử lí thông qua bộ nhận sóng điện từ, kết nối với máy tính thông qua cổng COM PORT. Trên máy tính, một phần mềm sẽ kiểm tra liên tục đầu vào, nếu nhận được một trong các lệnh từ người khiếm thị, phần mềm sẽ điều khiển máy tính và thực hiện các chức năng nhờ dữ liệu được lấy từ đám mây điện toán và phát ra ngoài.

Phong cho biết hiện em đang cố gắng hoàn thiện “Đôi tay thông minh”, làm thế nào để có thể sản xuất hàng loạt ra thị trường, góp phần giảm bớt khó khăn cho người khiếm thị. “Hiện giá để hoàn thành một đôi găng tay như trên hết 800 ngàn đồng. Nếu sản xuất đại trà thì sẽ rẻ hơn”, Phong nói.

Được biết, “Đôi tay thông minh” không phải là sáng chế đầu tiên của Phong mà trước đó em được biết đến với những sáng chế hữu ích khác như: “Hệ thống báo cháy tự động qua internet” (đạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh năm 2015, giải nhất cuộc thi Nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, giải nhất cuộc thi Tin học trẻ cấp tỉnh); “PiSchool - Mạng xã hội trường học” (đạt giải ba Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh); “Từ điển thuật ngữ địa lí” (đạt giải nhì Tin học trẻ tỉnh) năm 2013…

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên