Thứ sáu, 5/11/2010, 14h11

Đối thoại trong giờ học văn

Để có những cuộc đối thoại đạt hiệu quả, giáo viên phải xác định được những vấn đề trọng tâm, kích thích khả năng tư duy sáng tạo của HS, giúp các em bộc lộ quan điểm (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

Tổ chức cho học sinh (HS) đối thoại trên lớp không chỉ tạo điều kiện phát triển năng lực cá nhân cho mỗi HS mà còn phát huy vai trò hỗ trợ của tập thể trong học tập khiến cho những vấn đề đưa ra đối thoại được nhìn nhận đa dạng, phong phú, toàn diện hơn.
1. Tiếp nhận văn học (TNVH) bao giờ cũng mang tính chất cá thể, mỗi người đọc đều có cách hiểu, cách đánh giá tác phẩm tùy thuộc vào trình độ nhận thức, thẩm mĩ của mình. Bản thân tác phẩm văn học bao giờ cũng tạo ra những tiền đề cho việc mở rộng những đại lượng nghệ thuật mới trong sự tiếp nhận của bạn đọc. Như vậy, ngay từ đầu việc dạy học văn đã gặp phải những nghịch lí đáng kể: Thứ nhất, TNVH là tự nguyện nhưng TNVH trong quá trình dạy học văn ở nhà trường lại phải tuân theo những quy luật, nguyên lí riêng. Xử lí không thích hợp hoặc sẽ thủ tiêu cá tính và hứng thú văn học của cá nhân HS, hoặc loại bỏ tính định hướng sư phạm của việc dạy học văn trong nhà trường. Thứ hai, do có nhiều hạn chế, sự TNVH của HS tất nhiên còn lệch lạc, chủ quan, chưa thực sự bám vào các yếu tố chi tiết nghệ thuật của tác phẩm, thế nhưng chính hạn chế đó lại thể hiện rõ nhất khả năng, vóc dáng hiện tại của một người đọc - HS. Thứ ba, khi giáo viên tổ chức cho HS chiếm lĩnh tác phẩm theo một định hướng có sẵn nhưng chính “kết quả khả quan” đó lại hạn chế khả năng cho phép HS đưa vào quá trình TNVH của mình những kiến giải mang màu sắc chủ quan của bản thân... Giải quyết những nghịch lí đó chính là mấu chốt của việc đổi mới phương pháp dạy học môn văn.
2. Hiện nay, một trong những luận điểm cơ bản của quá trình đổi mới phương pháp dạy học văn trong nhà trường là đề cao vai trò chủ động, tích cực của HS, coi “HS là bạn đọc sáng tạo”. Với luận điểm này, quá trình dạy học văn sẽ là những cuộc đối thoại bình đẳng, phong phú và sinh động giữa những người đọc văn trong một không khí học tập cởi mở, có định hướng. Mối quan hệ giao tiếp thật sự giữa các chủ thể tiếp nhận văn học được xác lập, tất cả để hướng đến mục tiêu cao nhất là trong những giờ học văn, HS được trở thành người đọc văn đích thực, được nói lên tiếng nói cảm nhận, rung động nghệ thuật của mình; và hiệu quả tiếp nhận văn học của HS không chỉ được hình thành từ quá trình đối thoại với chính mình mà còn có sự đóng góp rất tích cực của quá trình đối thoại với những người đọc khác. Vì thế, thiết kế những giờ học đối thoại trong dạy học văn được coi là một hướng đi rất đáng chú ý.
Trước hết, tác phẩm văn học là một hệ thống mở, một phát ngôn mang “nhiều tiếng nói”, có quan hệ với tác giả, với hiện thực và người đọc. Thứ hai, ý nghĩa tác phẩm không chỉ nằm trong ý thức nhà văn, trong ý thức người đọc, cũng không hoàn toàn định hình trong văn bản mà còn được sản sinh trong sự tương tác qua lại giữa tác giả - tác phẩm - người đọc trên cơ sở các tín hiệu nghệ thuật của tác phẩm. Thứ ba, cuộc sống thực chất là một cuộc đối thoại lớn, ở đó tồn tại sự giao thoa của nhiều tiếng nói khác nhau.
Từ những tiền đề vừa nói, có thể nhận thấy rất rõ một điều: đối với TNVH, chỉ có thông qua đối thoại (đối thoại với tác giả, với nhân vật, đối thoại giữa những người đọc…), ý nghĩa tác phẩm mới nảy sinh và được bộc lộ một cách đích thực, phong phú, sinh động, giàu có; tầm đón nhận ở mỗi người đọc mới có thể thực sự được bổ sung và ngày càng được mở rộng, phát triển hơn lên.
3. Theo mô hình đối thoại của M. Bakhtin, tổ chức cho HS đối thoại trong giờ phân tích tác phẩm văn học chính là quá trình dịch chuyển từ đối thoại trong “cái tôi” sang đối thoại “tôi với người khác”; và xét từ góc độ phương pháp dạy học, đây thực chất là việc tổ chức những văn cảnh để qua đó, tiếng nói, cảm nhận cá nhân của HS về tác phẩm được bộc lộ, va chạm với nhau.
Khi HS được tự do phát biểu một cách độc lập, sáng tạo theo cảm nhận cá nhân, giáo viên sẽ có cơ sở và điều kiện để phát huy vai trò chủ thể HS trong giờ học, lớp học trở nên sinh động, và việc tiếp thu kiến thức của HS trở nên tự nhiên, sâu sắc hơn.
Trong quá trình dạy học, đối thoại có thể tiến hành trước khi đi vào phần phân tích tác phẩm để định hướng những nội dung cơ bản, hoặc tiến hành sau khi phân tích tác phẩm để mở rộng, khắc sâu hơn kiến thức.
Về cách thức, giáo viên có thể chia HS thành từng nhóm nhỏ, cùng thảo luận, trao đổi vấn đề mà giáo viên đưa ra. Sau đó, mỗi nhóm cử một đại diện lên trình bày. Các nhóm khác lắng nghe và phát biểu nhận xét, bổ sung, thậm chí tranh luận, bác bỏ. Mỗi nhóm phải trình bày sao có tính thuyết phục để bảo vệ quan điểm của mình. Giáo viên tham gia định hướng, khái quát kịp thời và điều khiển để cuộc đối thoại không biến thành cuộc tranh cãi khiến giờ học trở nên căng thẳng.
Về nội dung, đối thoại trong quá trình TNVH ở nhà trường là đối thoại dựa trên sự cảm thụ tác phẩm một cách cá nhân, sáng tạo. Ở đây, HS đọc tác phẩm (bản thể thẩm mĩ) là để đối thoại với tác giả (chủ thể thẩm mĩ) về giá trị nghệ thuật của những kí hiệu ngôn ngữ, hình tượng nghệ thuật, tính cách nhân vật, tình huống, cảm xúc… và đối thoại với chính mình để xác lập mối quan hệ giữa ý đồ sáng tác của tác giả và những yếu tố nghệ thuật của tác phẩm với tri thức, kinh nghiệm của chính bản thân mình. Trên cơ sở đó, HS lại tiếp tục đối thoại với giáo viên, với các HS khác để được tiếp xúc với những quan niệm, điểm nhìn, cách lí giải khác, để được nghe nhiều tiếng nói, giọng điệu khác, tức là được tham gia trực tiếp vào một cuộc đối thoại lớn, nhiều chiều. Thông qua một hoạt động tự giác, tích cực như vậy, mọi nhận thức, kiến thức văn học có được của HS chắc chắn sẽ chính xác, đầy đủ hơn, phù hợp hơn với tầm đón nhận của mỗi cá nhân, và quan trọng nhất là những nhận thức, kiến thức đó sẽ không khô cứng, bất biến mà luôn nằm trong xu thế vận động, phát triển mãi mãi của những cuộc đối thoại mới ở trình độ cao hơn.
Để có những cuộc đối thoại đạt hiệu quả, giáo viên phải xác định được những vấn đề trọng tâm, mở ra nhiều cách giải thích khác nhau, kích thích khả năng tư duy sáng tạo, thúc đẩy HS bộc lộ quan điểm và đối thoại. Những tình huống giáo viên nêu ra để HS tham gia đối thoại vừa không thoát li tác phẩm, vừa phù hợp với trình độ tiếp nhận của các em, đồng thời đảm bảo cuộc tranh luận không mất trật tự, và không mất quá nhiều thời gian cho phép. Cần tránh những hình thức câu hỏi mà khi trả lời, HS chỉ dựa vào những quan niệm và kinh nghiệm đã có hay chỉ trình bày một chiều các luận cứ để khẳng định một kiến giải nào đó. Ngoài ra, giáo viên cũng nên dự đoán những tình huống có thể xảy ra trong sự tiếp nhận của HS để điều khiển cuộc đối thoại sao không rơi vào bế tắc mà luôn đi theo những con đường hợp lí nhất.
Lê Linh Chi
(Trường THPT Hùng Vương, TP.HCM)

Đối thoại có tác dụng rèn cho HS thói quen hợp tác với bạn trong quá trình học tập, tự đánh giá, điều chỉnh vốn tri thức của bản thân trong quá trình thảo luận. Qua đối thoại, HS rèn luyện được kĩ năng nói, phát biểu trước tập thể, tăng cường tinh thần trách nhiệm, tự tin, kích thích sự chủ động sáng tạo của các em.