Thứ sáu, 7/8/2009, 16h08

Đơn vị nhận cờ thi đua xuất sắc của UBND TP.HCM

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Phú Lâm: Cánh chim đầu đàn
Nơi thu hút học sinh và sinh viên

Lãnh đạo thành phố và Sở GD-ĐT trong lần đến thăm trường

Theo báo cáo của lãnh đạo nhà trường: “Năm học 2008-2009, nhà trường đã triển khai kế hoạch hướng nghiệp, quảng bá chiêu sinh đúng thời điểm, với nhiều hình thức và các kênh truyền thông khác nhau. Công tác tuyển sinh được tiến hành nghiêm túc, đúng quy chế. Vì vậy, trong công tác tuyển sinh trường đã đạt được kết quả khá cao (đạt và vượt chỉ tiêu 100%, số lượng tuyển sinh hệ TCCN đạt hơn 1.600 học sinh, hệ cao đẳng đạt 110 sinh viên)”. Trong khi TP.HCM và các tỉnh lân cận có rất nhiều trường đào tạo hệ trung cấp và cao đẳng, thậm chí không ít trường đại học cũng chiêu sinh hệ trung cấp và cao đẳng thì việc học sinh đến ghi danh theo học tại Trường PL với số lượng vừa nêu ở trên đã nói lên sự tin tưởng của các em và PHHS đối với trường rất cao. Em Nguyễn Minh L, sinh viên năm thứ nhất Khoa Cơ khí nói: “Em rất hài lòng khi chọn học ở Trường PL. Ở đây có nhiều máy móc mới và hiện đại; phòng học và xưởng thực hành rộng rãi, thoáng mát; các giảng viên tận tâm hướng dẫn cho sinh viên. Em thích nhất về chương trình học khá hay và phù hợp với nhu cầu của xã hội”. Ông Hồ Hoàn Kiếm, phụ huynh phấn khởi cho biết: “Có thể nói tôi là phụ huynh có nhiều con và cả cháu theo học tại Trường PL. Sở dĩ gia đình tôi chọn cho con học tại trường này vì nhà trường biết chăm lo cho các cháu, dạy rất hay. Sau khi con cháu chúng tôi tốt nghiệp, nhà trường còn lo cả việc làm nên gia đình tôi rất hài lòng và yên tâm”.
Đầu tư nhiều ngành nghề mới
Được biết Trường PL đào tạo 8 ngành nghề gồm: cơ khí, sửa chữa ô tô, điện công nghiệp, điện tử, điện lạnh, kế toán, CNTT và may - thiết kế thời trang với các hệ cao đẳng và trung cấp. Ngoài ra, trường còn đào tạo hệ GDTX. Thạc sĩ Lâm Văn Quản, Hiệu trưởng cho biết: “Năm học 2008-2009, trường đào tạo hệ cao đẳng với 4 ngành (kế toán, điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin), 4 chương trình liên thông từ TCCN lên cao đẳng và 2 chương trình TCCN theo dự án Singapore-Polytechnic (2 ngành cơ điện tử và công nghệ thông tin đa truyền thông trong dự án liên kết với TF-SP- DOTE giữa Sở GD-ĐT TP.HCM với Tập đoàn Temasek của Singapore). Nhiều chương trình hợp tác quốc tế như: Dự án Temasek SP-DOET hợp tác với Singapore Polytechnic mở 2 ngành đào tạo cơ điện tử và công nghệ đa truyền thông dự kiến mở lớp năm 2009-2010; đào tạo cử nhân quản trị doanh nghiệp hợp tác với Đại học Công nghệ Cali- University đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến ngành CNTT và quản trị doanh nghiệp, Đại học University cấp bằng; liên kết đào tạo ngành may - thời trang chứng nhận bậc nghề 3,4 hợp tác với TAFE SA Úc đào tạo ngành may - thời trang theo chương trình TAFE cấp 3,4. Ngoài ra, nhà trường còn liên kết với nhiều đơn vị giáo dục quốc tế để đào tạo và bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên như hợp tác với Công ty Union của Singapore để đào tạo giáo viên và chuyển giao công nghệ máy cơ điện tử, tư vấn xây dựng chương trình, thi học sinh giỏi, trao đổi du học sinh và sinh viên Đại học University cấp bằng; hợp tác với Tập đoàn Yalong của Trung Quốc để đào tạo giáo viên và chuyển giao công nghệ máy cơ điện tử, tư vấn xây dựng chương trình, thi học sinh giỏi, trao đổi du học sinh và sinh viên; hợp tác với Công ty ELWE của Đức để chuyển giao công nghệ điện tử, ô tô, đào tạo giáo viên lĩnh vực sửa chữa máy công cụ trong 3 giai đoạn (máy công cụ cơ khí, máy CNC, EDM). Hiện nay nhà trường đã cử 14 cán bộ – giáo viên tham gia chương trình Bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên của chương trình hợp tác Việt Nam - Singapore. Lĩnh vực liên kết rất được chú trọng để tạo nguồn cung ứng, thầy Nguyễn Văn Thanh Cần, Phó hiệu trưởng nói: “Trường liên kết với Toyota Việt Nam trong việc đào tạo công nhân chuyên đồng sơn ô tô và liên kết với Bachi Soletanchy trong việc xác định bậc thợ cho công nhân hàn, cơ khí sửa chữa”. Được biết, hệ thống, quy mô đào tạo của trường được đầu tư phát triển ngày càng tốt hơn, như mở rộng quy mô, phong phú hóa ngành nghề, đa dạng hóa các loại hình và phương thức đào tạo, năng động trong liên kết với các cơ sở đào tạo những ngành nghề mà địa phương có nhu cầu cấp thiết, đặc biệt là đào tạo nguồn học sinh, sinh viên có tay nghề cao đáp ứng theo nhu cầu xã hội. Đa số cán bộ, giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, được đào tạo chính qui, từng bước nâng cao trình độ, đáp ứng được phần lớn yêu cầu giảng dạy của nhà trường. Chất lượng đào tạo được nâng cao đã góp phần tích cực trong nền giáo dục hiện nay.
Chăm lo

Học sinh đang thực hành

Thầy Phạm Đức Khiêm, Phó hiệu trưởng cho biết: “Nhà trường luôn giải quyết kịp thời các chế độ chính sách cho SV và HS như: miễn giảm học phí 248 HSSV với tổng số tiền là 261.232.500đ; cấp học bổng khuyến khích học tập cho 790 lượt HSSV học bổng với tổng số tiền gần 400.000.000đ, tư vấn chương trình vay vốn tín dụng và có 534 HSSV được vay (4.000.000đ/HK)… đã giúp được một phần khó khăn về kinh phí học tập, đặc biệt là những HS thuộc diện hộ nghèo”. Phó hiệu trưởng Trương Văn Hùng nói thêm: “Nhà trường phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm VOTEC, Trung tâm HEPZA và các công ty cần tuyển dụng khác… Phòng Quản lý HSSV triển khai phiếu đăng ký tìm việc cho tất cả học sinh tốt nghiệp có nhu cầu, cập nhật hàng ngày và niêm yết trên bảng tin nhiều thông tin tuyển dụng, việc làm đa dạng, phù hợp với khả năng HSSV tại trường, đặc biệc là việc làm bán thời gian. Tính từ tháng 10-2008 đến tháng 6-2009 có trên 300 thông tin với hàng ngàn nhu cầu tuyển dụng đã giúp được nhiều HSSV nội trú có thêm thu nhập trang trải học phí, nhiều học sinh tốt nghiệp tìm được việc làm ổn định. Thêm vào đó, chúng tôi còn phối hợp với Công ty Truyền thông Kim Cương, Trung tâm Giới thiệu việc làm VOTEC tư vấn với nội dung xây dựng phương pháp học tập, kỹ năng xin việc, văn hóa doanh nghiệp và Luật Lao động để trang bị thêm hành trang kiến thức cho SVHS”. Cơ sở vật chất là khâu rất quan trọng, thầy Lâm Văn Quản cho biết thêm: “Hàng năm, nhà trường dành khoảng từ 30-50% tổng kinh phí cho đầu tư trang thiết bị và sửa chữa cơ bản phục vụ cho việc dạy và học. Trong năm học 2008, nhà trường đã đầu tư những trang thiết bị lớn như Trung tâm phay, tiện CNC phục vụ đào tạo ngành cơ khí, đầu tư các phòng máy tính phục vụ đào tạo ngành CNTT, đầu tư trang thiết bị và phòng máy tính để từng bước thực hiện thư viện điện tử… và nhiều máy móc thiết bị phục vụ các ngành học khác của trường”.
T.T.Q