Thứ tư, 7/12/2016, 11h16

Đồng hoa cải được phượt thủ phát hiện, chủ vườn sống khỏe

Những cánh đồng hoa cải bạt ngàn ở bãi bồi ven sông Hồng thuộc H.Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đã trở thành điểm đến của giới trẻ và những du khách yêu hoa.

Không gian đẹp như mơ
Những năm trước, các phượt thủ phải lên các tỉnh miền núi phía Bắc mới có một bộ ảnh với cánh đồng cải trải miên man sắc vàng. Nhưng từ năm ngoái, giới trẻ không còn phải lặn lội vài trăm km đường núi hiểm trở nữa, vì ngay tại vùng bãi bồi ven sông Hồng, thuộc xã Hồng Lý, H.Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đã xuất hiện những cánh đồng cải như thế.
Những ngày đầu tháng 12, dù chưa đến dịp hoa nở rộ nhất, nhưng những cánh đồng cải vàng đã đón hàng trăm người đến tham quan.
Trải dài hàng km đều là màu vàng tươi hoa cải, soi mình bên bến sông, tạo nên một không gian đẹp như mơ. Ở đây du khách không những được “mãn nhãn” trước vẻ đẹp của cánh đồng cải mà còn được trải nghiệm cảnh lao động của người dân nơi vùng thôn quê, nhịp sống yên ả của miền đất nằm ven sông Hồng.
Theo anh Ngô Ngọc Tuấn, một phượt thủ thuộc CLB phượt Gió Thành Nam (Nam Định), các phượt thủ ở Nam Định, Thái Bình là những người đầu tiên phát hiện ra cánh đồng cải này. “Khoảng từ cuối năm 2014 đã có các đội phượt của 2 tỉnh tìm về đây ngắm hoa cải, chụp ảnh và quảng bá vườn hoa cải này trên mạng xã hội. Sau đó, du khách ở các tỉnh lân cận bắt đầu rủ nhau về đây chụp ảnh “tự sướng”.
Thậm chí, đã hình thành một cung đường phượt trên lịch của hầu hết các đội phượt là “ngày - cánh đồng cải Thái Bình, đêm - nhà thờ Đổ Nam Định”, anh Tuấn thông tin.
Cánh đồng cải ven sông Hồng hàng ngày thu hút hàng trăm lượt khách đến ngắm hoa. /// Ảnh: Hoàng Long
Cánh đồng cải ven sông Hồng hàng ngày thu hút hàng trăm lượt khách đến ngắm hoa. Ảnh: Hoàng Long
Một phượt thủ khác là anh Vũ Văn Đạt (tỉnh Thanh Hóa) cho biết: “Cung đường đến vườn hoa cải Thái Bình đi qua Nam Định còn có một trải nghiệm rất thú vị khác là được đi đò qua sông Hồng rồi cập bến ngay vườn cải”. Còn theo anh Nguyễn Việt Dũng, một thợ ảnh chuyên nghiệp, đồng thời là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Bình thì: “Năm nào vào mùa hoa cải nở, tôi cũng tới đây để chụp ảnh, để sáng tác”.
10.000 đồng/lượt khách tham quan
Theo các chủ cánh đồng cải, năm nay, không chỉ dân phượt, giới trẻ, mà rất nhiều người ở các tỉnh miền bắc đổ xô về đây ngắm hoa cải. Số lượng khách bình quân mỗi ngày lên tới vài chục đoàn với hàng trăm lượt người. Trùng vào dịp mùa cưới nên có rất nhiều đôi uyên ương về đây chụp ảnh. Bắt đầu từ năm nay, họ gọi đây là “thủ phủ” hoa cải của miền xuôi…
Ông Ngô Văn Hải (67 tuổi, thôn Hội Khê, xã Hồng Lý) cho biết, trên suốt dải đê sông Hồng qua xã Hồng Lý đều trồng cải, nhưng trồng tập trung nhất tại thôn Hội Khê với hơn 200 hộ trồng cải, trên diện tích khoảng 31 ha, tạo thành cánh đồng cải trải dài liên tục. Đây cũng nơi thu hút người đến ngắm đồng cải nhiều nhất.
Mùa cải ở đây bắt đầu từ cuối năm (âm lịch), nhuộm vàng dải đê qua xã Hồng Lý đến suốt hơn 1 tháng sau. Vào khoảng cuối tháng giêng, đầu tháng hai năm sau, khi hạt cải già, thân cải dần khô, người dân sẽ thu hoạch hạt, khép lại một mùa.
Ông Cao Xuân Nghĩa, Chủ nhiệm hợp tác xã Tam Tỉnh, xã Hồng Lý cho biết: sau khi thu hoạch lá và ngồng cải của vụ trước, người dân để cải mọc tự nhiên cho ra hoa, lấy hạt giống với giá khoảng 50.000đ/kg. Nếu thời tiết thuận lợi, trung bình mỗi sào đất (360 m2) trồng cải cho thu hoạch từ 30 - 35 kg hạt giống, bán được khoảng từ 1,5 - 1,75 triệu đồng. Tuy nhiên, thu nhập của người nông dân hiện nay còn được tăng lên nhờ cánh đồng cải trở thành điểm du lịch.
Chị Trần Thị Thu, một du khách ở Nam Định cho hay: “Năm ngoái, tôi đến ngắm và chụp ảnh, mọi người tùy tâm biếu tiền chủ vườn nhưng năm nay, chủ vườn đặt mức thu với mỗi người 10.000 đồng. Mỗi ngày chủ vườn cải lớn có thể thu nhập vài trăm nghìn đồng, thậm chí lên đến tiền triệu”.
Ngoài việc thu tiền dịch vụ ngắm hoa, người dân địa phương còn bắt đầu mở các dịch vụ chở đò, ăn uống, chụp ảnh… Theo các du khách, nếu địa phương đầu tư phát triển du lịch, thì đây sẽ là nguồn thu lớn cho người dân địa phương.

Hoàng Long (TNO)